Những ngày qua, nếu ai lưu thông bằng phương tiện đường bộ trên Quốc lộ 1 qua miền Trung đều không khỏi ngán ngẩm bởi chằng chịt ổ voi, ổ gà, sơ suất là xe bể bánh, người ngã nhào.
Nhiều người ví những đoạn quốc lộ này như chiếc áo rách, vá víu nhiều chỗ.
Không phải đợi đến mùa mưa năm nay Quốc lộ 1 mới hư hỏng nặng mà ngay sau khi việc nâng cấp, mở rộng con đường này hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2015 đã xuất hiện sụt lún, ổ gà, ổ voi. Những năm sau thì càng nặng hơn. Từng nghe đến nhức tai sự than vãn của chủ đầu tư về việc con đường này xuống cấp là vì xe quá tải, vì miền Trung mưa nhiều. Thế nhưng, hãy so sánh để thấy những lý do đưa ra đó chỉ là sự biện minh. Cũng trên tuyến Quốc lộ 1 qua miền Trung, cũng chịu bao nhiêu xe quá tải, cũng hứng lượng mưa hằng năm không kém, thậm chí còn cao hơn nhưng cung đường dẫn dài 9 km ở 2 đầu hầm đèo Cả (nối tỉnh Phú Yên với tỉnh Khánh Hòa) bao năm nay vẫn còn tốt, mặt đường êm láng. Phải chăng vì nhà đầu tư BOT không dám làm gian dối, bởi làm gian dối, đường xuống cấp, khó thu phí, nên cung đường mới tốt như vậy?
Và phải chăng phần lớn tuyến Quốc lộ 1 qua miền Trung xuống cấp nhanh chóng vì chất lượng công trình quá kém? Ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Tổng cục Quản lý đường bộ), thừa nhận đường quá xấu nhưng theo ông, phải kiểm định thì mới đánh giá được chất lượng công trình kém hay không, kém thuộc khâu nào. Kiểm định chất lượng công trình không phải là một việc quá khó và là một việc nên làm đối với con đường huyết mạch như Quốc lộ 1. Việc kiểm định không chỉ nhằm xác định trách nhiệm mà còn để rút kinh nghiệm khi làm đường cao tốc Bắc - Nam.
Nhưng đó là ở thì tương lai. Còn trước mắt là việc sửa chữa Quốc lộ 1 để không tái diễn những vụ tai nạn chết người nghi do sụp ổ gà như ở thị xã Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) vừa qua. Từ kiến nghị của UBND tỉnh Phú Yên, mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo nhà thầu bố trí đầy đủ biển báo, lực lượng điều tiết giao thông, bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông trước và trong suốt quá trình sửa chữa. Đơn vị này chịu trách nhiệm nếu xảy ra mất an toàn giao thông, sự cố công trình trên tuyến do việc chậm trễ khắc phục, sửa chữa các hư hỏng.
Rất quyết liệt, nhưng quan trọng là sửa chữa bằng cách nào? Liệu có phải lại cào rồi lấp các ổ gà, ổ voi như những lần trước để rồi lại bong tróc, lại giăng bẫy người đi đường? Bởi theo PGS-TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - cách vá víu kiểu đập đập, ốp ốp ấy chẳng mấy ngày vì khi nước đã thấm thì cũng làm hư hỏng các kết cấu bên dưới mặt đường. Nếu sửa chữa thì phải bóc lên hết, để xử lý gần như toàn bộ từ phần móng đến phần nhựa đường. Có như vậy thì Quốc lộ 1 qua miền Trung mới mong hết nát, còn không thì vẫn hao phí hàng ngàn tỉ đồng và lại xảy ra tai nạn chết người.
Theo HỒNG ÁNH (NLĐO)