Người dân đi đăng kiểm xe, xếp hàng nhiều ngày nhưng không đăng kiểm được. Đó là lý do khách quan, không phải lỗi tại dân.
Nhiều người dân mệt mỏi khi mang xe đi đăng kiểm. Ảnh: Hữu Chánh |
Lượng xe đến hạn kiểm định tháng 3 tại Hà Nội là 68.690, khả năng các trung tâm đăng kiểm chỉ đáp ứng khoảng 15%. Tại TP HCM, số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3 dự kiến 44.350, khả năng đáp ứng chỉ 49% nhu cầu.
Vậy thì, số xe không kiểm định được lại bị vi phạm lỗi quá hạn đăng kiểm xe ô tô 01 ngày sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Người dân quá khổ sở vì đăng kiểm trong thời điểm hiện nay, xếp hàng rồng rắn, mất thời gian, ảnh hưởng tới công ăn việc làm, chưa kể thiệt hại do xe không được đăng kiểm.
Những tổn thất trong kinh doanh do xe không đăng kiểm được để hoạt động thì ai sẽ "đền" cho người dân đây?
Cho nên, xét ở mọi khía cạnh, xử phạt các trường hợp chưa đăng kiểm trong lúc này là không công bằng, bởi vì cơ quan đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu đăng kiểm của người dân, do thiếu nhân lực, nguyên nhân thì ai cũng biết không cần phải nói thêm.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục sớm triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo phục vụ hoạt động kiểm định xe cơ giới cho người dân thuận lợi, nhanh chóng.
Giải pháp lâu dài là sửa đổi Thông tư 16, trong đó có nội dung miễn kiểm định lần đầu và có điều kiện đối với ô tô mới sử dụng; tính toán chu kỳ đăng kiểm xe phù hợp.
Giải pháp hiện tại là, ngoài tiếp nhận 50 chiến sĩ của lực lượng CSGT để chi viện cho Hà Nội và TP.HCM, các trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại; tiếp tục thực hiện tăng ca, tăng kíp, làm cả ngày nghỉ. Huy động những người bị khởi tố nhưng được tại ngoại, đã nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe, đảm bảo trình độ chuyên môn để chi viện cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội và TP.HCM.
Người dân hy vọng chỉ trong tháng 3, khủng hoảng đăng kiểm sẽ được giải quyết.
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cho phép đăng kiểm xe quá hạn 15 ngày, nhưng không ai đảm bảo đến khi nào thì hoạt động đăng kiểm mới trở lại bình thường.
Do đó, cần đưa ra một khoảng thời gian không xử phạt phù hợp với thực tế giải quyết khủng hoảng để người dân đủ điều kiện và thời gian đăng kiểm. Sau đó, có bị xử phạt thì cũng "tâm phục, khẩu phục".
Về đạo lý là sự công bằng, về pháp lý cũng có cơ sở để vận dụng, đó là theo khoản 4, Điều 11 Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành đối với trường hợp "Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng".
Đưa ra một quyết định vừa hợp đạo lý, đúng pháp lý và được lòng dân tại sao không làm?