"Không được mệt" nơi sự sống mong manh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa bao giờ cuộc chạy đua giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh diễn ra gấp gáp, gay cấn trong từng phút “cân não” như hiện nay. Trực tiếp có mặt ở những căn phòng đặc biệt, nơi ánh đèn không bao giờ tắt ấy mới thấu hiểu được tận cùng của những hy sinh thầm lặng, những áp lực chồng chất và cả những trăn trở của đội ngũ y, bác sĩ cũng như các lực lượng tình nguyện viên. 

Cứu chữa bệnh nhân nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức người bệnh Covid-19 TP Hồ Chí Minh.
Cứu chữa bệnh nhân nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức người bệnh Covid-19 TP Hồ Chí Minh.
Nỗ lực trong khốc liệt
Như guồng quay xuyên ngày đêm ở các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 nguy kịch khác, sẩm tối, bước vào Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai (tại quận 7, TP Hồ Chí Minh) những đôi chân gấp gáp của y, bác sĩ bước vào ca đêm. Từ phòng thay đồ tất cả các công đoạn từ đeo khẩu trang, bọc giày, mũ chụp, kính chắn, bảo hộ cấp 4… phải thực hiện chính xác đến từng chi tiết.
Đưa tôi vào phòng điều trị, điều dưỡng trưởng Khu hồi sức 1 Nguyễn Mạnh Chung chỉ lên chuông báo động gắn ở mỗi phòng cấp cứu bảo rằng: Tiếng chuông ấy vang lên liên tục. Các điều dưỡng không được phép rời mắt khỏi bệnh nhân cũng như những chiếc máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn. Đây là tuyến điều trị cao nhất, mỗi thầy thuốc đều phải tập rèn “thần kinh thép”, sao nhãng một phút là có chuyện ngay…
Suốt tám tiếng trong ca trực trôi qua, điều dưỡng Chung, bác sĩ Tân cùng các đồng nghiệp khác liên hồi chạy đi thăm khám, hội chẩn hàng loạt phòng bệnh. Vừa tập trung cao độ nhất vào người bệnh vừa phải thực hiện “3 nhịn” đó là nhịn ăn, nhịn uống, nhịn đi vệ sinh.
Giữa khuya, thêm một ca bệnh chuyển nặng, ngay lập tức các thông số: Bệnh nhân béo phì, huyết áp cao, chỉ số sinh tồn tụt mạnh, nguy kịch… được chuyển đến phòng chỉ huy. Nhanh như chớp, các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, cấp cứu có mặt để kéo người bệnh thoát khỏi “cửa tử”.
Có những khoảnh khắc quá mệt, các điều dưỡng trẻ tựa lưng vào nhau cho khỏi khuỵu chân xuống và lại cùng hô vang: Cùng nhau cố lên! Giữa lằn ranh sự sống và cái chết tính bằng phút, bằng giây nên “không được mệt”.
Trực tiếp hội chẩn cứu nhiều ca nguy kịch, bác sĩ Ngô Đức Hùng như quên khái niệm thời gian, giờ giấc. Anh bảo rằng: “Các Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 là tuyến điều trị cao nhất. Vào đây rồi, không còn khái niệm cuối tuần, nghỉ lễ gì hết… Tất cả trong từng hành động, suy nghĩ chỉ có năm chữ “giữ lấy mạng sống bệnh nhân”. Biết làm được điều này không phải dễ. Và nỗi đau lớn nhất là khi huy động tất cả máy móc và bác sĩ rồi mà bệnh nhân vẫn ra đi… vì quá nặng. Lặng buồn nhất là có gia đình cả vợ lẫn chồng đều vĩnh viễn ra đi vì virus xâm nhập sâu, làm hỏng cả lục phủ, ngũ tạng”.
Dù ca ngày hay ca đêm, mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều làm việc 200 - 300% công suất. Với thân hình vạm vỡ nhưng qua đêm thâu chạy rạc chân lo dõi theo nhịp thở, lau từng khuôn mặt, bàn tay, thân thể cho người bệnh, điều dưỡng Huy Cường cũng thấm mệt. Anh bộc bạch: Làm việc ở môi trường này lại trong bộ đồ bảo hộ cấp 4 có khi sau ca trực uống cả lít nước và nằm vật ra ngủ luôn.
Xuyên những đêm trắng nơi điều trị bệnh nhân nguy kịch, các ê kíp phải hội chẩn, níu sự sống lại cho hàng trăm bệnh nhân. Các bộ phận từ phòng chỉ huy, phòng cấp phát thuốc, điều dưỡng, y tá, tình nguyện viên… phải thao tác chính xác tuyệt đối các công việc được phân công.
Tảng sáng, điều dưỡng Thắm, Hiệp… đôi mắt đã xè cay nhưng vẫn thoăn thoắt hút vài xi-lanh thuốc. Các yêu cầu của bác sĩ được thực hiện khẩn trương và chính xác. Một trong những “bí quyết” mà các điều dưỡng trong phòng bệnh nhân nguy kịch nói với tôi, đó là luôn thường trực trong ý nghĩ lời nhắc: Tôi ơi hãy cố lên! Người bệnh đang hôn mê nằm đó như ruột thịt của mình.
Điều dưỡng Nguyễn Mạnh Chung (bên trái) chia sẻ về bệnh nhân thoát nguy kịch ngày 27/8.
Điều dưỡng Nguyễn Mạnh Chung (bên trái) chia sẻ về bệnh nhân thoát nguy kịch ngày 27/8.
Vô giá giữa nhọc nhằn
Bước sang ngày mới, ca làm việc ban ngày với đội ngũ y, bác sĩ cũng gian nan như đêm. Tảng sáng 27/8, PGS, TS Nguyễn Văn Chi vội vã đến tận các giường người bệnh đang lâm vào cảnh ngặt nghèo để cùng các học trò, đồng nghiệp của mình hội ý, triển khai “thần tốc” các biện pháp đưa ca bệnh khỏi đường ray của lưỡi hái tử thần. Từ giường này đến giường khác, phòng này sang phòng nọ, bước chân như quên mỏi, PGS Chi bảo rằng: Làm việc cao độ nhưng phải rèn bản lĩnh tỉnh táo vì căn bệnh này chuyển nguy kịch rất nhanh. Từng ý, từng lời của thầy Chi được y, bác sĩ lĩnh hội trọn vẹn.
Trong số nhiều bệnh nhân vừa “vượt cửa tử” một cách ngoạn mục thì ấn tượng sâu sắc cũng là dấu mốc với y, bác sĩ nơi đây là T.Th nặng 130 kg dần hồi sinh. Bác sĩ Ngộ Đức Hùng chia sẻ: “Cô gái ấy mới 24 tuổi, bị tổn thương phổi quá nặng nề, nghiêm trọng. Phổi lại phải gánh khối lượng cơ thể “khủng” như vậy nên mọi người nói với nhau rằng, có thể không thể nào mà qua được đâu. Nhưng sự nỗ lực của bệnh nhân cộng với y, bác sĩ xuyên ngày đêm cứu chữa đồng thời trấn an tâm lý, động viên kịp thời nên trong vòng khoảng 10 ngày, phổi dần tốt lên, bỏ được máy thở. Đến nay, mỗi lần đi qua, bạn ấy bừng lên hạnh phúc, giơ tay vẫy chào nhân viên y tế. Đó là vĩ thanh vô giá giữa nhọc nhằn”.
Trong những ngày đêm khốc liệt nhất, áp lực nhất, nhiều sự sống đã được giành giật lại từ “cửa tử”. Giữa những tiếng máy thở, tiếng ú ớ, tiếng thì thầm cảm ơn của các bệnh nhân vừa thoát khỏi máy ECMO, bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ với tôi: Có người tóc đen vào đây vài tuần thành tóc trắng hết. Cũng như những nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, Bệnh viện Chợ Rẫy được giao vận hành Bệnh viện Hồi sức người bệnh Covid-19 TP Hồ Chí Minh.
Nhọc nhằn nhất đối với bác sĩ Linh cũng như các đồng nghiệp của mình là có ca bệnh phải huy động tổng lực sức người lẫn các máy móc hiện đại, tối tân nhất. Ông bảo rằng: “Mỗi người, mỗi động tác phải chính xác nhất. Đặc biệt, khả năng nhận biết, phán đoán dấu hiệu sinh tồn. Có những người hồi tỉnh sau bao ngày mê man, điều đầu tiên họ hỏi là: Tôi vẫn còn sống ư hay đây đang là… cõi khác? Cho đến khi bàn tay thầy thuốc cầm nắm tay họ, nâng đỡ, động viên, “tiếp sức” tinh thần… thì họ mới tin mình đã được hồi sinh. Có lẽ những khoảnh khắc ấy là niềm an ủi, động viên to lớn đối với chúng tôi trong những ngày vô cùng khốc liệt này… Chỉ hy vọng đây sẽ là trận chiến đau thương cuối cùng”.
Hàng nghìn bệnh nhân nguy kịch chuyển nhẹ và hồi sinh: Bước vào giai đoạn cam go nhất là tập trung mạnh vào điều trị, giảm tối đa bệnh nhân Covid-19 tử vong, Bộ Y tế đã chỉ đạo thiết lập tại TP Hồ Chí Minh năm cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Đó là: Bệnh viện Hồi sức người bệnh Covid-19 TP Hồ Chí Minh (quy mô 1.000 giường, đặt tại TP Thủ Đức); Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai (quy mô 500 giường tại quận 7); Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Việt Đức (quy mô 500 giường tại huyện Bình Chánh); Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế (quy mô 500 giường tại quận Tân Phú); Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (quy mô 250 giường đặt tại quận Bình Tân). Các cơ sở này đã tiếp nhận tổng cộng hơn 5.000 người bệnh nguy kịch; điều trị chuyển nhẹ và hồi phục cho khoảng 2.000 người trong đó có cả người nước ngoài và nhiều bệnh nhân béo phì, mắc hàng loạt bệnh nền.
Theo bài & ảnh: Hà Văn Đạo (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.