(GLO)- Sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia 2018, các em học sinh tiếp tục làm thủ tục đề nghị phúc khảo (nếu có) và điều chỉnh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Tất nhiên, phụ huynh và học sinh cũng không khỏi lo lắng vì chuyện tiêu cực trong kết quả kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi ở một địa phương có thể gây rắc rối nếu phải thanh tra, kiểm tra. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra vì vấn đề càng trở nên nhạy cảm khi trong số những thí sinh được sửa điểm từ thấp lên cao, từ rớt thành đậu có con cháu của một số quan chức. Dù người có trách nhiệm và trong cuộc lên tiếng nhưng sửa để làm gì?
Họp báo về kết quả rà soát, kiểm tra xử lý kết quả thi bất thường tại Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. Ảnh: Internet |
Trước tiên là để lấy thành tích, đánh bóng tên tuổi của ngành, sau đó là địa phương. Nhưng không chỉ có vậy! Phía sau việc nâng điểm, “đánh lận con đen” từ trượt thành đậu, từ điểm thấp thành điểm cao là sự dọn sẵn con đường tiến vào các trường ĐH, CĐ danh giá, là yếu tố thuận lợi cho sự vào đời sau này của con em.
Chúng ta đã quá ê chề trước một số “con sâu” liên quan đến việc bố trí nhân sự là hot girl, con cháu, anh em, họ hàng, cánh hẩu, lợi ích nhóm ở một số địa phương. Những vụ tiêu cực, sai phạm nêu trên đều đã bị phát hiện, xử lý nghiêm khắc. Nhưng vi phạm vẫn còn, thậm chí là tái phạm? Có lẽ với những trường hợp vi phạm kiểu này, dư luận xã hội lên án sẽ không có tác dụng mà phải trông chờ ở pháp luật nghiêm minh!
Chúng ta không phủ nhận, bên cạnh nỗ lực nhất định của ngành Giáo dục và Đào tạo, truyền thống trọng học, thực học trong xã hội ta vẫn luôn duy trì và lan tỏa trong nhiều địa phương, gia đình, dòng họ. Ở đó, con em của nhiều gia đình thậm chí nghèo khổ, cơ cực nhưng không từ bỏ giấc mơ chiếm lĩnh tri thức, cần cù học tập và đạt được những thành tích xuất sắc trong các kỳ thi trong nước, ngoài nước đem lại vinh quang không chỉ cho riêng gia đình. Chắc chắn cứ theo tinh thần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trương “trọng dụng người tài chứ không phải người nhà” thì các em chính là tương lai của đất nước.
Thương con cháu là điều hiển nhiên của bậc sinh thành. Chăm lo, chuẩn bị tương lai cho chúng vào đời cũng là điều hiển nhiên. Nhưng vấn đề là chăm lo, chuẩn bị cho chúng như thế nào mới là điều quan trọng. Gần đây nói về vấn nạn gửi gắm, bố trí “con ông nọ, cháu bà kia” vào vị trí này, vào ghế kia, dư luận cửa miệng: “Thằng đó đứng trên vai người khổng lồ”, có người “bảo kê”. Rõ ràng, cha mẹ, người thân của những trường hợp này đã quên đi một điều căn cốt: “Tấm áo chẳng làm nên thầy tu”. Họ không thấy rằng, “bảo bọc”, “sắm sửa” kiểu đó chỉ tổ làm hại con em mình, khiến chúng sinh ra chủ quan, huyễn hoặc năng lực, trình độ bản thân. Họ không thấy rằng, chăm sóc kiểu đó chỉ làm cho chúng thêm nhút nhát, đánh mất tự tin. Họ cũng không hiểu rằng, tổ chức sẽ lúng túng như thế nào khi thực hiện vai trò quản trị, phân công, xử lý công việc. Cuối cùng, sự bằng phẳng, dễ dãi mà người lớn dọn sẵn đã thủ tiêu toàn bộ ý chí, động lực phấn đấu của con em. Xã hội chỉ có thể phát triển, phân công xã hội chỉ thực sự khoa học và mang lại giá trị khi bố trí con người đúng với năng lực và sở trường. Sự tự thân vận động, phấn đấu nỗ lực mới đem lại kiến thức, trình độ, năng lực và cuối cùng là giá trị con người trong xã hội. Không bao giờ và không thể lấp liếm dựa vào “ô dù” hay “che chắn” của ai đó mà có thể khẳng định được giá trị bản thân!
Một lực lượng lao động có tri thức, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm rất lớn đang phải vất vả kiếm sống qua ngày, trong đó có những tiến sĩ, thạc sĩ. Chúng ta cũng đang đau đầu vì con số 30-40% cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Như trang giấy trắng, thật đáng lo ngại khi các em phải đối mặt với tình hình này, nhất là khi các em sắp bước vào một giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Không tách rời xu hướng thời cuộc, hiện nay, các em có thể chọn vào các trường ĐH, CĐ hoặc ở nhà phụ giúp gia đình hay đi học nghề rồi nhanh chóng ra trường tìm một việc làm phù hợp. Cách nào cũng tốt. Có trăm ngàn con đường vào đời và thành công chứ chẳng riêng gì vào ĐH, CĐ mà các em đều đã biết. Ngoài vai trò tư vấn của thầy cô, gia đình thì dựa vào năng lực bản thân, các em biết mình phải làm thế nào. Điều quan trọng là mình có sẵn sàng “nhập cuộc”, sẵn sàng chấp nhận thử thách, nỗ lực và phấn đấu. Nói vậy nhưng người viết cũng không khỏi lo lắng, cũng lấy làm hoài nghi cho sự “thông thái” của mình. Nhưng mấu chốt của vấn đề là trước xu thế cạnh tranh và phát triển, sẽ không có chỗ cho sự dối lừa, dễ dãi và bằng phẳng. Đâu đó có những con đường dọn sẵn. Đâu đó thói tật, tệ hại vẫn còn. Nhưng nó không thể tồn tại mãi mãi. Nó đang bị lên án, tấn công, xóa bỏ.
Thất Sơn