Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố với số ca mắc mới tăng cao. Trước tình hình đó, chính quyền các cấp và hệ thống y tế trên cả nước tích cực vào cuộc nhằm kiểm soát, khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
 

Lực lượng chức năng phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) nhắc nhở cửa hàng kinh doanh ăn uống đóng cửa trước 21 giờ.
Lực lượng chức năng phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) nhắc nhở cửa hàng kinh doanh ăn uống đóng cửa trước 21 giờ.


Tuy nhiên đã và đang xuất hiện biểu hiện lơ là, chủ quan của không ít người dân. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, sự vô ý thức, thiếu trách nhiệm của những cá nhân đó có thể khiến cuộc chiến chống Covid-19 sẽ càng thêm khó khăn, sức khỏe và tính mạng của mọi người tiếp tục bị đe dọa.

Liên quan đến tình hình phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, sáng 5/1/2022, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, trong đó nêu rõ: đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%. Nước ta cũng đang rất tích cực đặt mua vắc-xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm. Với kết quả đạt được, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có độ phủ vắc-xin ở mức cao và vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới.

Có thể thấy, đạt được thành tích ấn tượng này là nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt trong việc huy động tìm kiếm vắc-xin từ các nguồn khác nhau ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát. Tiêu biểu phải kể đến là chính sách ngoại giao vắc-xin; thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động sự chung tay của cả cộng đồng; tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để chủ động sản xuất vắc-xin trong nước... Nhờ vậy, Việt Nam có đủ nguồn cung vắc-xin để triển khai chiến dịch tiêm chủng miễn phí cho cả cộng đồng, chú trọng ưu tiên nhóm đối tượng có nguy cơ cao với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính vì vậy so với mục tiêu đặt ra ban đầu là hết quý I năm 2022 Việt Nam hoàn thành 2 mũi tiêm phòng Covid-19 cho người trưởng thành thì đến nay, nhiều địa phương không những đã hoàn thành trước thời hạn mà còn vượt kế hoạch khi việc tiêm mũi 3 đang được triển khai trên quy mô lớn. Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì vắc-xin phòng bệnh chính là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nguy cơ nhiễm và lây lan virus gây bệnh, đồng thời tạo miễn dịch cộng đồng. Thực tế cho thấy người đã tiêm vắc-xin, dù không may mắc Covid-19 thì mức độ ảnh hưởng cũng sẽ nhẹ hơn, nguy cơ tử vong được giảm ở mức thấp, nhất là với những người cao tuổi, người mắc bệnh nền.

Tuy nhiên hiện nay, sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhiều người đã nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là, tự tin cơ thể đã miễn dịch, virus không thể tấn công nên không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa y tế, ngay cả khi sinh hoạt hoặc làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao; thậm chí chê bai người khác khi thấy họ nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc 5K, coi đó là sợ chết! Việc thường xuyên chứng kiến các ca mắc mới được điều trị khỏi bệnh cũng khiến một số người bắt đầu có thái độ khinh nhờn, coi thường bệnh dịch, coi Covid-19 chỉ là một dạng cúm mùa, không có gì đáng sợ, không cần phải ngăn ngừa, đề phòng! Cá biệt có người lại muốn bị mắc bệnh cho xong, vì cho rằng đã mắc bệnh rồi thì rất ít nguy cơ tái nhiễm, bản thân không cần phải lo lắng, sợ hãi về dịch bệnh nữa. Những nhận thức, suy nghĩ, hành xử thiếu suy nghĩ và tiêu cực như vậy đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Bởi bất luận trong điều kiện nào thì trên thực tế, nếu không tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, người tiêm đủ hai liều vắc-xin, thậm chí ngay cả khi đã tiêm mũi vắc-xin tăng cường vẫn có thể nhiễm bệnh. Việc thêm người bị mắc Covid-19 sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế ở địa phương, chính quyền cơ sở, bản thân người mắc F0 sẽ gặp không ít phiền toái, bất cập trong sinh hoạt, sức khỏe bị suy giảm. Những nghiên cứu công bố thời gian qua cho thấy, người từng mắc Covid-19 đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm, khi đó hậu quả là rất khó lường. Đối với trường hợp người đã tiêm đủ vắc-xin dù không bị mắc Covid-19, vẫn có thể trở thành trung gian lây bệnh sang người khác, mà cận kề nhất chính là người thân trong gia đình, đồng nghiệp cùng cơ quan, đơn vị.

Từ thực trạng sinh hoạt cộng đồng, không thể không lo ngại trước biểu hiện chủ quan, coi thường dịch bệnh của một bộ phận người dân. Như trong dịp Giáng sinh, đón năm mới 2022 vừa qua, dù đã được cơ quan chức năng khuyến cáo, tại nhiều tỉnh, thành phố có dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người vẫn vô tư ra đường, tụ tập vui chơi, ăn uống tại các điểm công cộng, không thực hiện nguyên tắc 5K. Tại Hà Nội, một số quận, huyện có cấp độ dịch ở mức 3 (mầu cam-nguy cơ cao), việc kinh doanh ăn uống chỉ được phép bán mang về, nhưng một số nhà hàng vẫn lén lút nhận khách. Phổ biến hơn là tình trạng người dân ở vùng dịch cấp độ 3 đổ về các khu vực có cấp độ dịch ở mức độ 2 (mầu vàng-nguy cơ trung bình), mức độ 1 (mầu xanh-có nguy cơ) để sử dụng dịch vụ ăn uống tại chỗ, khiến mật độ khách trong nhiều quán cà-phê, nhà hàng luôn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ lớn về lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng người bị F0, F1 có dấu hiệu che giấu, trốn tránh khai báo, hoặc khai báo không trung thực, đồng thời vẫn ngang nhiên đi lại, tiếp xúc với nhiều người. Hậu quả từ sự phát tán dịch bệnh trong cộng đồng của nhóm người này là rất đáng lo ngại.

Hiện nay, cùng với biến thể virus SARS-CoV-2 là Delta thì sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đang tiếp tục đặt ra những thách thức khó khăn cho toàn thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào cuối tháng 11/2021, biến thể Omicron nhanh chóng “thống trị” khu vực này, rồi nhanh chóng lan ra nhiều quốc gia khác trên thế giới. Như tại Anh, nếu ngày 27/11, mới chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm Omicron đầu tiên thì chỉ sau nửa tháng, virus Omicron đã trở thành biến thể chính hoành hành tại quốc gia này với mức độ gia tăng số ca nhiễm Omicron tương tự với sự gia tăng nhanh chóng đã từng diễn ra ở Nam Phi trước đó. Đáng chú ý, có tới từ 10%-15% ca nhiễm biến thể Omicron ở Anh là các ca tái nhiễm. Tại Pháp, cơ quan chức năng thừa nhận, trong làn sóng dịch thứ 5, biến thể Omicron đang thay thế biến thể Delta để trở thành chủng virus lan tràn tại đây với tỷ lệ ca nhiễm Omicron đạt mức 1/3 trên toàn quốc. Còn tại Mỹ, chỉ trong vòng một tháng kể từ khi xuất hiện, quốc gia này ghi nhận số ca mắc biến thể Omicron tăng từ mức dưới 1% lên đến 95% trong số các ca nhiễm mới (tính đến ngày 1/1/2022). Tính riêng trong ngày 3/1, Mỹ ghi nhận kỷ lục hơn 1 triệu ca nhiễm trong vòng 24 giờ, một con số gây choáng váng cho cả thế giới bởi từ trước đến nay chưa từng có quốc gia nào ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao đến như vậy. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, thực tế là Omicron có thể đã lan đến hầu hết các quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều quốc gia lập tức áp dụng lệnh phong tỏa cũng như các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự phát tán của chủng virus mới. Tại các nước như Pháp, Cyprus, Áo,... đã ban bố lệnh thắt chặt việc đi lại để hạn chế nguy cơ lây lan của biến thể Omicron. Thủ đô Paris của Pháp hủy kế hoạch bắn pháo hoa mừng năm mới, còn Đan Mạch thì đóng cửa tất cả rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng. Tại Hà Lan, ngày 18/12/2021, Thủ tướng Mark Rutte đã ban bố lệnh tái phong tỏa toàn quốc để kiểm soát tốc độ lây lan của Omicron. Theo đó, kể từ ngày 19/12, tất cả các trường học, quán bar, nhà hàng và những cửa hàng không thiết yếu trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa đến ngày 14/1/2022. Các gia đình chỉ được phép tiếp đón tối đa hai khách, ngoại trừ dịp Giáng sinh và năm mới. Còn tại Mỹ, riêng vào dịp Giáng sinh vừa qua, quốc gia này đã hủy 900 chuyến bay. Hành động quyết liệt của chính quyền Mỹ cũng được nhiều quốc gia áp dụng. Theo thống kê của FlightAware (một công ty dịch vụ dữ liệu và phần mềm hàng không toàn cầu có trụ sở tại Houston, Texas, Mỹ), tính đến ngày 25/12 ghi nhận 5.900 chuyến bay trên toàn thế giới đã bị hủy trong dịp Giáng sinh vì dịch bệnh, cùng hàng nghìn chuyến khác bị hoãn.

Tại Việt Nam, ngày 21/12/2021 chính thức xác nhận ca mắc Omicron đầu tiên là người nhập cảnh về từ Anh. Đến ngày 2/1/2022 bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Những ngày qua, chúng ta tiếp tục tiếp nhận thêm các F0 nhiễm biến thể Omicron đều là người từ nước ngoài nhập cảnh. Hiện việc kiểm soát nguồn lây từ biến thể mới đang được tiến hành chặt chẽ, khoa học, nhờ vậy tạm thời chưa xuất hiện biến thể Omicron trong cộng đồng. Tuy nhiên chúng ta không được phép lơ là, chủ quan, bởi nhìn từ thực tiễn nhiều nước trên thế giới, việc phải đối mặt với chủng virus mới trong cộng đồng chỉ còn là vấn đề thời gian. Và thời gian ấy sẽ vô cùng giá trị nếu chúng ta biết tận dụng, chủ động chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, điều kiện vật chất, huy động sự vào cuộc và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, cho đến từng tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng tham gia cuộc chiến khó khăn này. Thiếu sự hợp tác, chung sức đồng lòng của người dân, những nỗ lực của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, trước nguy cơ mới của dịch bệnh mỗi người dân cần phát huy tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo trong phòng, chống dịch bệnh, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, những hành vi có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoạt động giao thương quốc tế diễn ra, nguy cơ dịch bệnh ngày càng cao hơn. Các hành vi vi phạm cần bị xử lý nghiêm. Chúng ta tin rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, Việt Nam sẽ sớm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19, sức khỏe của cộng đồng được bảo đảm, các hoạt động kinh tế-xã hội từng bước được phục hồi.

Theo ĐÔNG Á (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Một trong những nguyên nhân khiến lộ lọt thông tin từ camera an ninh của nhiều gia đình, mà Thanh Niên phản ánh trên số báo hôm nay, chính là mua phải hàng trôi nổi trên thị trường, trong đó số lượng không nhỏ đến từ các sàn thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ tại VN.

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Thả gà ra để đuổi

Thả gà ra để đuổi

Những ngày qua, hàng trăm người dân ở xã Quỳnh Long và một số xã khác thuộc H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) hoang mang khi nhận được tin báo nhóm người đứng ra huy động tiền của họ bằng hình thức cho vay lãi suất cao bất ngờ tuyên bố không còn khả năng trả nợ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.