(GLO)- Dạo quanh những hành lang bệnh viện ở TP. Pleiku, chúng ta vẫn dễ dàng thấy những cảnh hút thuốc trong khi có bảng cấm. Ngay trước cửa phòng cấp cứu, khi ở bên trong những người bệnh đang đau đớn quằn quại thì vẫn rất nhiều người thoải mái, vô tư nhả khói thuốc. Đa phần họ đều viện cớ do không thể kiềm chế hoặc do quá lo lắng nên hút thuốc để giảm bớt căng thẳng. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tuy đã có bảng cấm nhưng thực sự rất khó để cấm triệt để người nhà bệnh nhân hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện. Những biện pháp đã được tính đến như nhắc nhở, khuyến cáo hoặc nếu tái diễn nhiều lần sẽ mời ra khỏi bệnh viện nhưng dường như vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực.
Người hút thuốc lá vẫn vô tư xả khói tại các địa điểm công cộng. Ảnh: Văn Ngọc |
Tương tự như tại các bệnh viện, khu vực Bến xe Đức Long Gia Lai cũng là nơi người hút thuốc lá được “thả cửa” dù đã có những quy định cấm. Khi được hỏi, rất nhiều người vẫn vô tư trả lời: “Đang chờ xe nên bắn tạm một điếu thôi, không có hút nhiều đâu”. Chị Hà Thị Tâm, một hành khách đi tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Mình không chịu được mùi khói thuốc nên mỗi khi có ai xung quanh hút thuốc là mình góp ý ngay. Nhiều người dập thuốc đi hoặc đi ra chỗ riêng tư khác để hút, nhưng cũng nhiều người vẫn tiếp tục hút. Mình nghĩ nếu ai cũng lên tiếng nhắc nhở, đặc biệt là “phái đẹp” thì sẽ giảm được số người hút thuốc lá nơi công cộng”.
Ở những nơi công cộng, việc xử phạt hành vi hút thuốc lá là rất khó khăn. Có ý kiến cho rằng nên tạo ra một không gian không khói thuốc riêng biệt hoặc một khu vực dành riêng cho những người hút thuốc đã được tính đến. Thế nhưng, tại những nơi công cộng có mật độ người hút thuốc khá dày như bến xe, bệnh viện… thì ý kiến này vẫn chưa được thực hiện dù đó là cách nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng để giảm thiểu khói thuốc. Trên địa bàn TP. Pleiku, chủ quán cà phê Sê San đã mạnh dạn dành một tầng trên rộng rãi với cảnh quan khá đẹp để tạo ra một khu vực “Cà phê không khói thuốc”. Khu vực này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của khách, thậm chí là từ cả những người hút thuốc.
Theo quy định hiện nay, trên bề ngoài các bao thuốc lá đều phải ghi những dòng chữ cảnh báo tác hại của thuốc lá và in những tấm hình có phần ghê rợn về những bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến thuốc lá. Những hình ảnh đó ngay khi đập vào mắt người hút sẽ đôi chút mang lại cảm giác e sợ nhưng hiệu quả hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Anh T.T.H. (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Lúc ban đầu mình thấy mấy tấm ảnh đó thì cũng sợ thật bởi nó ấn tượng quá, nhưng rồi nhìn mãi cũng quen đâm ra lại thấy nó bình thường”. Anh Hồ Tiến Thành-người phân phối thuốc lá đến các địa điểm bán lẻ trên địa bàn TP. Pleiku cho biết: “Từ khi các hình ảnh gây sốc được in trên vỏ bao thuốc lá thì lượng hàng mình phân phối cho các cửa hàng cũng không giảm là bao. Mình nghĩ cách này có lẽ chỉ khiến cho những người không hút thuốc lá sợ hơn là những người hút”.
Khi mọi biện pháp đang thực hiện đều chưa mang lại nhiều hiệu ứng tích cực thì biện pháp “đánh vào kinh tế” lại đang được tính đến. Năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 là: “Tăng thuế thuốc lá”. Theo WHO, việc tăng thuế và giá đối với thuốc lá sẽ góp phần thu ngân sách và giảm số lượng người sử dụng thuốc lá. WHO cũng cho biết, tỷ lệ thuế thuốc lá của Việt Nam trên giá bán lẻ chiếm 46% tức 65% giá xuất xưởng.
Hy vọng, khi đề xuất này được đưa vào thực tế, khói thuốc sẽ “loãng” dần, ít nhất là tại các địa điểm công cộng.
Lê Văn Ngọc