Khởi nghiệp từ dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cái duyên khởi nghiệp của hai cô gái Hồ Thị Kim Oanh và Lê Thị Thanh Lịch (cùng 35 tuổi và cùng ngụ TT.Đăk Tô, H.Đăk Tô, Kon Tum) đến một cách rất tình cờ.
Oanh giới thiệu về sản phẩm trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh ẢNH: GIA HƯƠNG
Oanh giới thiệu về sản phẩm trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh ẢNH: GIA HƯƠNG

Từ một món quà tặng

Bên cốc trà sâm dây Ngọc Linh do chính tay hai cô gái sản xuất, Oanh chia sẻ: “Cách đây một năm, khi đang thưởng thức cốc trà nóng bằng một sản phẩm trà túi lọc do người bạn từ Lâm Đồng gửi tặng, trong đầu amình lóe lên suy nghĩ tại sao mình không sản xuất trà sâm, trong khi nguyên liệu tại địa phương sẵn có?”.
Thế rồi ý tưởng hình thành dây chuyền sản xuất và tiêu thụ sản phẩm “Trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh” bắt nguồn từ đây. Có được ý tưởng hay, nhưng để thực hiện thành công ý tưởng của mình là cả một quá trình không đơn giản. Tuy nhiên, cái thuận lợi của Oanh là được sự giúp đỡ từ cô bạn Lê Thị Thanh Lịch, là thạc sĩ nghiên cứu sinh học tại Viện Sinh học Tây nguyên. Từ đó, Oanh càng quyết tâm hiện thực hóa việc sản xuất trà túi lọc từ sâm dây Ngọc Linh.
Sâm dây Ngọc Linh là một loại cây của thiên nhiên mọc quanh khu vực núi Ngọc Linh. Đây là loại thảo dược quý giúp bồi bổ sức khỏe, tăng đề kháng cho cơ thể, được người dân bản địa dùng để nấu nước uống hằng ngày. Từ trước đến nay, nhắc đến sâm dây Ngọc Linh, hầu hết chỉ biết cách sử dụng thông thường dưới dạng thô như: dùng củ để ngâm rượu, lá để làm rau trong các bữa ăn, hoặc nấu nước uống... Nhưng để ăn, để uống các sản phẩm từ sâm dây cũng mất khá nhiều thời gian mà lại không thể tận dụng hết nguồn lợi từ loại dược liệu quý này.
Cả hai cùng đến Đà Lạt để trực tiếp tham quan cơ sở sản xuất trà túi lọc. Tại đây, Oanh và Lịch đã gặp được người có kinh nghiệm 10 năm làm trà túi lọc chia sẻ cho rất nhiều kiến thức cơ bản về cách làm trà; những kinh nghiệm để trà thơm ngon mà vẫn giữ được các thành phần dinh dưỡng và hương vị của dược liệu quý.
Hai cô gái cho ra đời những mẻ trà túi lọc đầu tiên theo công nghệ Nhật Bản; đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời cũng bắt đầu giới thiệu cho bạn bè và khách hàng về trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh. Chỉ chưa đầy một tháng sau, sản phẩm nhận được sự đánh giá cao của người thân, bạn bè và chính quyền địa phương.
Oanh và Lịch tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Xuân 2020 ở TP.Đà Nẵng. Tại đây, sản phẩm trà túi lọc của đôi bạn này đã thu hút đông đảo khách hàng tham quan và mua sắm. Được khách hàng ghi nhận đã tiếp thêm thêm động lực để Oanh và Lịch mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nhà lồng sơ chế và trang thiết bị cơ bản phục vụ cho việc sản xuất tại chỗ, giảm giá thành và đảm bảo chất lượng tốt nhất cho sản phẩm.
Tạo việc làm cho lao động địa phương
Hiện nay với các chính sách hỗ trợ của nhà nước và địa phương, đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số dưới chân núi Ngọc Linh đã có bước tiến bộ; biết áp dụng phương pháp canh tác hiện đại để chuyên canh cây sâm dây phát triển kinh tế gia đình.
Trước tình hình trên, Oanh và Lịch đã liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương và các hộ dân trồng sâm dây tại địa bàn xã Ngọc Linh (H.Đăk Glei, Kon Tum) nhằm vừa tạo được nguồn nguyên liệu bền vững cho sản phẩm trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh, vừa quản lý được chất lượng nguyên liệu và tạo được việc làm tại chỗ cho các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Oanh cho biết hiện tại họ đã liên kết với 20 hộ trồng sâm dây, mở rộng được 50 ha vùng nguyên liệu ở xã Ngọc Linh, tạo việc làm thường xuyên cho 25 - 30 lao động tại địa phương... Với các giải pháp này, đôi bạn đang đi đúng hướng trên con đường đã chọn, đưa sản phẩm trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh vươn xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Oanh và Lịch còn tiết lộ thêm rằng cả hai đã sản xuất hơn 1.000 hộp trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh, giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng bán lẻ ở TP.HCM, Đà Nẵng và Kon Tum. Cùng với việc sản xuất trà túi lọc, họ và các cộng sự cũng đã cho ra đời những sản phẩm từ nguyên liệu sâm dây như: mứt sâm dây, rượu sâm dây và sẽ cho ra mắt sản phẩm trà sâm dây hòa tan trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Oanh cũng đang dự định phát triển du lịch, nhằm kết nối du lịch cộng đồng gắn với đặc sản vùng miền, quảng bá cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương; với mong muốn góp phần xây dựng Đăk Tô nói riêng, Kon Tum nói chung trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước...
Theo Gia Hương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.