Vợ chồng trẻ làm nông có doanh thu trăm triệu đồng/tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là cặp vợ chồng dân tộc Mường ở Bản Nguồn, xã Mường Lang, H.Phù Yên, Sơn La. Với công việc chỉ trồng trọt, chăn nuôi, nhưng nhờ đưa hình ảnh làm nông lên mạng xã hội, họ đã có doanh thu tới 100 triệu đồng/tháng.

Khởi nghiệp làm nông từ hai bàn tay trắng

Anh Hà Văn Sáng (28 tuổi) và chị Quàng Thị Vy (24 tuổi) là hai vợ chồng sống ở bản Nguồn, xã Mường Lang, H.Phù Yên, Sơn La. Với mô hình khởi nghiệp làm nông vừa trồng trọt, chăn nuôi và ứng dụng kỹ thuật số, đưa hình ảnh lên mạng xã hội, vợ chồng anh có thu nhập vượt mong đợi.

Hình ảnh anh Sáng, chị Vy tại khu chăn nuôi gà vịt của mình được đưa lên mạng xã hội. ẢNH: NVCC
Hình ảnh anh Sáng, chị Vy tại khu chăn nuôi gà vịt của mình được đưa lên mạng xã hội. ẢNH: NVCC

Anh Sáng chia sẻ, vợ chồng anh bắt đầu khởi nghiệp từ con số 0, nhưng đến nay đã có doanh thu từ 70 - 100 triệu đồng mỗi tháng. "Năm 2017, sau khi xuất ngũ, tôi luôn ấp ủ thực hiện một công việc nào đó tại địa phương mình để vừa có thể mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, vừa được làm việc gần nhà. Trong thời gian làm công nhân ở các tỉnh miền xuôi, tôi đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nhiều mô hình từ nhiều nơi và nhận thấy mô hình chuyển đổi số gắn với phát triển nông nghiệp có thể áp dụng thực tiễn ở địa phương, nên quyết tâm thực hiện mô hình", anh chia sẻ.

Khi về quê làm nông nghiệp, vợ chồng anh chỉ có số vốn ban đầu là 2 con lợn giống được anh chị vợ cho. Năm 2020, anh đã nhân giống được 20 con, nhưng không may gặp đúng dịch Covid-19, khiến anh phải bán lỗ lứa lợn đầu tiên. Hằng ngày hai vợ chồng phải đi mò cua bắt ốc, chăn bò thuê để sinh sống. Trong thời gian này, anh đã quay video các công việc làm nông của gia đình để đưa lên mạng xã hội.

Lúc đầu các video của anh chỉ có 1.000 - 2.000 lượt theo dõi, nhưng con số cứ tăng dần lên 10.000 lượt. Sau 6 tháng, anh bắt đầu có thu nhập từ mạng xã hội, với tháng đầu tiên là 2,6 triệu đồng. "Tôi bất ngờ và vui lắm vì đã tìm được hướng đi cho mình. Từ nguồn thu nhập này, tôi quyết định đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và tiếp tục quay lại quá trình hai vợ chồng cùng làm nông để đưa lên các kênh trên mạng xã hội. Đến giữa năm 2022, thu nhập của tôi đã tăng lên khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng", anh chia sẻ.

Anh cứ tích cóp từ nguồn thu này để mở rộng quy mô chăn nuôi và trồng trọt. "Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích vườn, ao, chuồng của tôi là 5.000 m2; tổng đàn gia súc, gia cầm trên 1.000 con, trong đó gà, vịt 1.000 con, dê 20 con, ao thả khoảng 10.000 con cá các loại. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm các loại rau, củ, quả để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình và phần còn lại để bán", anh chia sẻ.

Điểm đặc biệt là anh đã thành lập 2 kênh YouTube, 1 kênh TikTok để đưa hình ảnh làm nông lên mạng và thu hút lần lượt tới 120.000 và 94.000 lượt đăng ký trên 2 kênh YouTube, và 92.000 lượt follow trên TikTok. "Các nội dung chủ yếu tôi ghi lại cuộc sống thường ngày của mình và gia đình thực hiện, nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng và khán giả theo dõi kênh. Từ 27.3.2024 có một kênh YouTube của hai vợ chồng tôi vinh dự được nhận nút bạc từ YouTube", anh chia sẻ. Cũng từ hoạt động này, hiện vợ chồng anh có doanh thu từ 70 - 100 triệu đồng/tháng, chưa kể doanh thu từ sản xuất nông nghiệp với khoảng 100 triệu đồng/năm.

Từng bị bố mẹ đuổi khỏi nhà

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Sáng cho biết đã phải vượt qua không ít khó khăn. Khi hai vợ chồng anh quyết định không làm công nhân mà về quê làm nông nghiệp đã bị bố mẹ anh phản đối dữ dội. Nhất là khi nuôi lứa lợn đầu tiên bị thất bại, bố mẹ anh hối thúc phải đi làm để kiếm tiền gửi về nuôi vợ con. Khi đó vợ anh đang mang bầu nên không kiếm được việc làm. Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm không rời xa gia đình và mày mò học cách dựng video trên mạng xã hội. Lúc đó ở bản anh cũng chưa có wifi, sau mỗi ngày quay chụp bằng chiếc điện thoại rẻ tiền, anh lại sang xóm bên cạnh để bắt sóng wifi rồi đưa video lên mạng.

Hai vợ chồng anh Sáng, chị Vy cho dê ăn tại trang trại của mình
Hai vợ chồng anh Sáng, chị Vy cho dê ăn tại trang trại của mình
Hai vợ chồng anh Sáng, chị Vy tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2024
Hai vợ chồng anh Sáng, chị Vy tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2024

Thấy anh cứ không chịu làm ăn gì, bố anh lo lắng nghĩ rằng anh "hư hỏng". Đã thế, khi anh có thu nhập từ mạng xã hội, ông lại càng lo sợ con mình làm ăn gì "phi pháp". Hàng xóm láng giềng cũng không khỏi dị nghị, bởi thanh niên trong bản đều đi lao động để kiếm tiền, chỉ có vợ chồng anh ở nhà suốt ngày "quay quay, chụp chụp chơi bời" (bố mẹ anh nghĩ thế). Có lúc bố anh buồn chán uống rượu và nổi giận đuổi hai vợ chồng anh ra khỏi nhà. Để thuyết phục được bố mẹ, vợ chồng anh vẫn kiên trì hằng ngày đi làm nương, chăn nuôi bò, giải quyết xong việc gia đình mới dành thời gian quay chụp, dựng video. "Do không có thu nhập gì nên lúc sinh con, tôi phải bán từng quả mít để có tiền mua sữa", chị Vy nhớ lại.

Anh Sáng cũng kể: "Tôi động viên vợ cứ kiên nhẫn, dần dần có thành quả thì sẽ chứng minh cho bố mẹ được công việc mình làm". Rồi anh tiếp tục học hỏi kiến thức, xây dựng trang trại trồng trọt, chăn nuôi và đã gây dựng được niềm tin cho bố mẹ. Đặc biệt, mô hình làm kinh tế của anh Sáng đã trở thành hình mẫu trên địa bàn, được thanh niên xung quanh đến học hỏi. "Tôi cũng đang hỗ trợ và dẫn dắt một số bạn đoàn viên, thanh niên có nhu cầu muốn phát triển kinh tế gia đình từ nông nghiệp, kết hợp với chuyển đổi số tại quê hương của mình", anh Sáng tự hào cho biết. Anh cũng ấp ủ dự định sẽ tiếp tục xây dựng mô hình "Thanh niên nông thôn chuyển đổi kỹ thuật số" của mình, thành nơi để khách đến du lịch trải nghiệm, giúp quảng bá văn hóa của địa phương.

Tôi bất ngờ và vui lắm vì đã tìm được hướng đi cho mình. Từ nguồn thu nhập này, tôi quyết định đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và tiếp tục quay lại quá trình hai vợ chồng cùng làm nông để đưa lên các kênh trên mạng xã hội. Đến giữa năm 2022, thu nhập của tôi đã tăng lên khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng.

Anh Hà Văn Sáng (28 tuổi)
ở bản Nguồn, xã Mường Lang, H.Phù Yên, Sơn La

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2024 là sân chơi đặc biệt do T.Ư Đoàn tổ chức nhằm khuyến khích thanh niên nông thôn phát huy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiện đại và bền vững. Cuộc thi được phát động từ tháng 3.2024, thu hút sự tham gia của 461 dự án đến từ 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước, trong đó có 84 dự án của thanh niên thuộc 20 dân tộc thiểu số. Sau vòng bán kết, 32 dự án xuất sắc nhất đã được chọn vào vòng chung kết, trong đó có mô hình "Thanh niên nông thôn chuyển đổi kỹ thuật số" của vợ chồng anh Sáng, chị Vy.

Theo Vũ Thơ (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…