Khởi nghiệp từ bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhận thấy nhu cầu sử dụng bột ngũ cốc dinh dưỡng tổng hợp làm từ các loại đậu, hạt đang được người tiêu dùng ưa chuộng, chị Phạm Thị Hạnh (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng.



Năm 2018, khi phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ lan rộng cũng là lúc chị Phạm Thị Hạnh bắt tay vào chế biến sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp Hạnh Chipi. Chị Hạnh nhớ lại: “Ngày còn chưa lập gia đình, tôi thấy phụ nữ trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ khá vất vả khi hàng ngày phải ăn uống các loại thực phẩm để tăng nguồn sữa, mà các loại này lại khiến cơ thể béo phì, rất khó lấy lại vóc dáng sau sinh. Tới lượt mình, tôi đã tự tìm tòi những thực phẩm giúp tăng chất lượng sữa nhưng lại ổn định cân nặng, đó là sử dụng các loại hạt, đậu. Để đảm bảo đủ dinh dưỡng, tôi học cách tự rang xay. Khi tôi sử dụng bột ngũ cốc trong chế độ ăn hàng ngày thì thấy bé bú mẹ phát triển tốt, còn da dẻ mình lại hồng hào. Dần dà, thấy được tiềm năng của loại thực phẩm này, ở địa phương mình lại chưa ai chế biến nên tôi đã quyết định đầu tư máy móc để làm bán ra thị trường”.

 Sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp Hạnh Chipi tham gia Ngày hội cỏ hồng và Phiên chợ nông sản huyện Đak Đoa lần III-năm 2019. Ảnh: V.T
Sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp Hạnh Chipi tham gia Ngày hội cỏ hồng và Phiên chợ nông sản huyện Đak Đoa lần III-năm 2019. Ảnh: V.T



Bên cạnh một số loại đậu chủ đạo, qua mỗi mẻ làm, chị Hạnh đều thử kết hợp với nhiều loại hạt khác nhau để hương vị được thơm ngon hơn từ 100% hạt nguyên chất, không dùng chất phụ gia và bảo quản. Chị Hạnh chia sẻ: “Tôi phải dày công nghiên cứu, pha trộn tỷ lệ một cách hợp lý nhất của 17 loại hạt, đậu. Đó là sự kết hợp giữa hạt óc chó, hạnh nhân, mắc ca, đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành, đậu trắng, đậu ngự, đậu Hà Lan đỏ, đậu Hà Lan trắng, mè đen, hạt sen, gạo lứt, hạt điều, gạo thơm, yến mạch”. Là khách hàng thường xuyên sử dụng sản phẩm, chị Huỳnh Thị Hoa (hẻm 322 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) nhận xét: “Sau thời gian cho bé dùng thử, tôi cảm nhận có sự tác động tích cực đến sự phát triển của cháu. Bởi vậy, khi sử dụng sản phẩm Hạnh Chipi, tôi yên tâm về mặt chất lượng cũng như giá cả”.

Với công dụng bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bột ngũ cốc dinh dưỡng không chỉ tốt cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ nhỏ, người ăn chay... mà còn hỗ trợ tăng cân đối với những người ăn uống kém khi pha kết hợp cùng với sữa đặc và uống sau bữa ăn. “Qua 2 năm có mặt trên thị trường, bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp Hạnh Chipi đã có lượng khách hàng tương đối ổn định với sản lượng bán ra trung bình khoảng 2 tạ/tháng, doanh thu đạt khoảng 60 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi tháng cơ sở của Hạnh còn lãi khoảng 20 triệu đồng”-Hạnh cho hay.

Nói về bước đầu khởi nghiệp, chị Hạnh kể: Ban đầu, chị chế biến chỉ có 10 loại đậu, sau đó là 12 loại đậu. Nhận thấy sản phẩm của mình vẫn chưa thực sự đặc biệt, chưa đạt hàm lượng dinh dưỡng cao nhất, chị đưa thêm các loại hạt cao cấp vào nhằm tạo hương vị đặc trưng. Mặc dù giá thành sản xuất khá cao (300 ngàn đồng/kg) do các loại hạt cao cấp có giá đến 180-220 ngàn đồng/kg nhưng nhờ người tiêu dùng tin dùng, sản lượng bán ra ngày một tăng.

Hiện nay, để có đủ nguyên liệu đạt chất lượng, chị Hạnh đến từng hộ tìm hiểu quy trình sản xuất, sau đó ký hợp đồng thu mua sản phẩm. “Về lâu dài, tôi nghĩ mình phải tính đến phương án liên kết với các hộ sản xuất ở địa phương để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng. Bên cạnh đó, cơ sở sẽ tiếp tục đầu tư máy nghiền siêu mịn, máy rang đa năng để nâng cao chất lượng sản phẩm và cho ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng”-chị Hạnh chia sẻ.

Nói về sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp Hạnh Chipi, chị Nguyễn Thị Nga-thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai-đánh giá: “Tuy là một hộ sản xuất nhỏ lẻ, nhưng sản phẩm của Hạnh rất có tiềm năng phát triển và vươn xa ra thị trường. Mới đây, Hạnh đã gia nhập làm thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. Việc tham gia hợp tác xã này sẽ giúp Hạnh hoàn thiện hơn về sản phẩm thông qua các hướng dẫn đăng ký thủ tục về an toàn thực phẩm, được cấp các chứng nhận liên quan, hoàn thiện mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm. Từ đó, tăng thêm uy tín với người tiêu dùng, ổn định đầu ra cho sản phẩm, dần tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường”.

 

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.