Lưu giữ thanh xuân ở quán cà phê độc lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không bảng hiệu, không tiếng nói, không có giá thức uống mà tùy khách trả dựa trên sự hạnh phúc và hài lòng của chính mình… là những điều đặc biệt ở quán cà phê “độc nhất vô nhị” giữa thành phố bộn bề, để người trẻ ghé đến, tìm chút tĩnh lặng và lưu giữ thanh xuân.  
Bạn trẻ đến quán rất thích thú khi được học ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh: Nữ Vương
Bạn trẻ đến quán rất thích thú khi được học ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh: Nữ Vương
Theo địa chỉ 43 Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM) được bạn chủ quán gửi trước đó, người viết tìm đến nhưng rồi bối rối không biết có đúng địa chỉ không, vì không thấy tên quán cà phê, cũng chẳng có bảng chỉ dẫn gì cả.
Có một thành phố rất khác
Sau đó hai bạn trẻ khác đến và cũng rơi vào cảm giác bối rối như người viết. Được anh bảo vệ tòa nhà kế bên chỉ, chúng tôi sang phố đi bộ Nguyễn Huệ gửi xe rồi đi bộ lại quán (mất khoảng 10 - 15 phút), và xác định: “Nó ở trên tầng 2, không có bảng hiệu nhưng đúng rồi đấy”.
Chỉ sau vài phút đặt chân vào quán, hai bạn trẻ đến cùng lúc với người viết đã thủ thỉ với nhau: “Đúng là có một thành phố rất khác ở nơi đây”.
Một thành phố rất khác mà hai bạn trẻ này nói với nhau, nó khác ngay ở cách hai bạn thể hiện cảm xúc vừa ngỡ ngàng vừa thích thú và rất muốn thốt lên nhưng cuối cùng cũng chỉ thủ thỉ với nhau. Vì ở nơi đây, các bạn phục vụ đều là người câm điếc. Họ với khách không nói với nhau tiếng nào, chỉ có ngôn ngữ hình thể và những nụ cười thân thiện.
Quán cà phê là dự án do anh Võ Thành Luân (32 tuổi, quê Bảo Lộc, Lâm Đồng) sáng lập. Mô hình được khởi điểm ở Đà Lạt và giờ đã nhân rộng ở TP.HCM hơn 1 tháng nay. Dự án lập ra chỉ với mong muốn giúp đỡ những bạn trẻ câm điếc hòa nhập cộng đồng, tìm được ước mơ và sống với ước mơ của mình.
Dự án ra đời ở Đà Lạt, nhiều bạn trẻ đã từng được đến đó, nhưng khi có mặt tại TP.HCM, nó không chỉ là nơi giúp những bạn trẻ câm điếc có công ăn việc làm, được hòa nhập cộng đồng mà còn là nơi để những bạn trẻ ở thành phố đầy náo nhiệt và vội vã này có thể tìm được chút khoảng lặng và cân bằng cuộc sống.
Vì thương mà đến
Những dòng thư ngỏ giới thiệu về quán cà phê trên fanpage của dự án có đoạn: “Quán đón em về, trong nụ cười còn ngại ngùng. Nói không sao đâu mà, em đừng lo, Nhà biết ngôn ngữ ký hiệu. Ở đây menu có các que màu cho khách chọn em đừng lo nhé. Và rồi em đã có việc làm…”.
Nhân vật chính trong những dòng giới thiệu này chính là các bạn trẻ câm điếc tại TP.HCM. Các bạn ngây thơ, đáng yêu, dù tuổi đã 24, 25 và có bạn gần 30 nhưng tâm hồn vẫn còn tuổi 15. Có lẽ vì thế mà có bạn vẫn còn e ngại nhiều điều, ngại thế giới bên ngoài.
“Mình cảm thấy rất vui, ở nơi đây có rất nhiều người, mình có việc làm và được làm việc, được dạy các bạn nói ngôn ngữ ký hiệu, đặc biệt ở đây rất mát (có máy lạnh)”, thông qua Nguyễn Tú Uyên (quản lý quán), chúng tôi biết được tâm sự rất hồn nhiên của Mai Đức Hạnh (24 tuổi, Q.12, TP.HCM) khi được làm ở quán.
Khi đã quen với người viết, Hạnh chỉ lên mảng tường đối diện, ở đó có dán bảng chữ cái của ngôn ngữ ký hiệu, có ý muốn dạy cho người viết sử dụng ngôn ngữ của các bạn.
“Khi ở trong không gian này, được học những ngôn ngữ ký hiệu giao tiếp đơn giản, tự thấy mình hiểu được phần nào cuộc sống của các bạn và thấy thương, thấy trân quý nghị lực của các bạn câm điếc nhiều hơn nữa”, Nguyễn Thị Hương, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói và chia sẻ như lý giải thêm cho thắc mắc ban đầu của người viết: “Bạn thấy đấy, quán không có bảng hiệu, chỗ gửi xe cũng bất tiện nhưng mọi người cũng như mình vẫn cứ thương mà đến. Ở đây, mọi thứ đều khiến con người ta muốn gần gũi và thương đến lạ lùng”.
 Trà và cà phê thơm ngon nhưng sẽ được trả tiền dựa trên sự hạnh phúc và hài lòng của khách -  Ảnh: Nữ Vương
Trà và cà phê thơm ngon nhưng sẽ được trả tiền dựa trên sự hạnh phúc và hài lòng của khách - Ảnh: Nữ Vương
Cùng lưu giữ thanh xuân
Không biết có phải quán cà phê có tên là Thanh Xuân hay không mà những bạn trẻ đến đây, khi viết lại những tâm sự vào mẩu giấy nhỏ và dán lên mảng tường “tâm sự” của quán, tất cả đều như nhắn gửi cho thanh xuân của chính mình.
Có bạn viết: “Gửi cho thanh xuân của tôi! Những ngày dang dở và bộn bề là tuổi trẻ và thanh xuân. Vấp ngã và đứng dậy là trưởng thành. Giữa thành phố xô bồ tìm được một chút lặng là điều rất khó. Khi mình tìm đến đây, điều đầu tiên là dễ chịu, yên tĩnh cho một ngày trốn khỏi vòng tuần hoàn tự nhiên”.
Một bạn trẻ khác để lại: “Phí hoài thanh xuân trên những chuyến đi, rong ruổi trên những cung đường, đau đáu tìm chút an yên và hạnh phúc để rồi tìm ra chúng ở nơi xuất phát, trong những điều bình dị nhất. Thân chúc những bạn đọc được những dòng này cũng tìm lại được chút thanh xuân, nhiều chút an yên cùng quán của thời thanh xuân”.
Hay có bạn còn viết: “Đến với quán vào một chiều mưa và trong tình trạng kinh tế còn có 30.000 đồng trong túi. Mới tháng trước đó còn hơn 30 triệu trong tài khoản, nhưng nhiều biến cố khó khăn đến (tuổi trẻ mà, rất dễ bị viêm màng túi). Mong là lần gặp thứ 2 bệnh viêm màng túi sẽ hết và được ủng hộ quán thật nhiều…”.
Dòng tâm sự của bạn trẻ này cũng là suy nghĩ chung của nhiều bạn trẻ khác khi đến với quán: “Có những ngày trong túi chẳng còn mấy đồng nhưng vẫn có thể đến quán thưởng thức trà, bánh và cà phê. Có bao nhiêu gửi quán bấy nhiêu, hoặc không có cũng không sao, ngày hôm sau, túi đầy hơn mình lại đến và bù lại. Không sao cả! Các bạn ở quán làm mình thấy thành phố này vẫn còn quá nhiều điều đáng yêu”, Trần Bảo Ngọc, cựu sinh viên Trường CĐ Phát thanh truyền hình TP.HCM, bày tỏ.
Ngọc cũng nói thêm: “Mình nghĩ thanh xuân này nên làm nhiều điều ý nghĩa hơn, và ủng hộ những bạn trẻ câm điếc cũng là một việc làm rất ý nghĩa. Thời thanh xuân như những bức tranh đẹp, chúng ta cùng nhau vẽ nên bức tranh đẹp đó, các bạn nhé”.
Theo Nữ Vương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.