"Khoan thư sức dân" để vượt qua đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong lịch sử Việt Nam, chủ trương “khoan thư sức dân” đã hình thành từ lâu và được các vị vua sáng, tôi hiền sử dụng rất hiệu quả nhằm mang lại hạnh phúc cho trăm họ. Năm 1300, trước khi lâm chung, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã tâu với Vua Trần Anh Tông rằng: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. 
Khoan thư sức dân (khoan sức dân) dùng để chỉ các chính sách hỗ trợ người dân giảm các gánh nặng, qua đó tạo điều kiện vượt khó, vươn lên, phát triển. Sở dĩ Đức Thánh Trần chủ trương như vậy là vì: Sau 3 lần dốc toàn lực cho cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên, sức dân đã hao tổn. Vì vậy, triều đình cần có chính sách chăm lo cho dân. Tiếp thu tư tưởng vĩ đại của Hưng Đạo Đại vương, Thượng hoàng Trần Nhân Tông và các vị vua Trần Anh Tông, Trần Dụ Tông, Trần Duệ Tông đã ban hành nhiều chính sách an dân nên đất nước hòa bình, thịnh trị, người dân ấm no, hạnh phúc.  
Kế thừa tư tưởng “khoan thư sức dân” của các bậc tiền nhân và lời dạy của Bác Hồ, sau khi kháng chiến thành công, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phục vụ lợi ích của đa số người dân. Đó là chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân; miễn giảm thuế, phí… Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Đảng và Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhất là giảm gánh nặng đóng góp cho người dân.
Tuy vậy, hiện nay, dịch bệnh tiếp tục làm nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Theo đó, giá xăng dầu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Trong khi đó, tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng gas cũng đã 9 lần tăng giá liên tiếp với mức tăng thêm đến 160 ngàn đồng/bình. Không chỉ xăng dầu và gas, giá nguyên liệu đầu vào của các chuỗi cung ứng cũng tăng cao. Trong điều kiện dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nhiều mặt như hiện nay thì việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu đã đẩy doanh nghiệp và người dân vào cảnh khốn khó.
Trên cơ sở đánh giá tình hình đời sống người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, đại biểu Quốc hội Lưu Thị Mai cho rằng: Trong thời điểm hiện nay nên theo đuổi chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh. Lời đề nghị của vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội lập tức nhận được sự đồng thuận của không chỉ các đại biểu dân cử mà còn đối với đông đảo người dân cả nước. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho rằng “khoan sức dân” trước hết là việc giảm gánh nặng về các khoản phải đóng của người dân và doanh nghiệp như thuế, phí, lệ phí...
Trong khi chờ những chính sách đúng đắn từ Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ thì cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng cần “khoan thư sức dân” bằng những việc làm cụ thể. Theo chúng tôi, trước tiên là phải tập trung thực hiện cho được “mục tiêu kép”, vừa phòng-chống dịch, vừa duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống người dân. Muốn vậy thì trước hết phải quán triệt và thống nhất thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo đó, các địa phương không được phát sinh các quy định mang tính “cát cứ” gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu miễn, giảm các khoản đóng góp từ người dân và doanh nghiệp. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các ngành và địa phương cần có chế tài xử phạt thật nặng những tổ chức, cá nhân cố tình gây phiền hà cho người dân, đặc biệt là tình trạng lạm thu trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Để giúp người dân ổn định cuộc sống, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần chủ động tạo cơ hội việc làm cho người lao động cũng như cung cấp nguồn lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh…
Có thể nói, chưa bao giờ chủ trương “khoan thư sức dân” lại cần thiết như hiện nay. Vì vậy, mỗi cơ quan, ban ngành, đơn vị cũng như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần thấu triệt quan điểm này để đồng hành cùng người dân vượt qua đại dịch.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

Học từ thực tiễn

Học từ thực tiễn

Những ngày này học sinh đến trường thật vui. Các em được tham gia hoạt động chào đón Tết Nguyên đán nhưng thông qua sinh hoạt bên ngoài lớp học lại biết được nhiều điều từ cuộc sống, những thứ mà hằng ngày có khi không chạm tới được.

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.