Khoa học công nghệ “chắp cánh” cho du lịch phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai Nguyễn Ngọc Cường, nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động nền tảng, có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý và phát triển du lịch của địa phương.

Đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn

Sau hơn 24 tháng triển khai, tháng 2-2023, đề tài “Tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng trong việc phát triển du lịch” do Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn chủ trì đã xây dựng được 3 mô hình gồm: khai thác trải nghiệm ẩm thực gắn với du lịch cộng đồng tại làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang); chợ đêm ẩm thực ở TP. Pleiku; trải nghiệm thưởng thức hoa quả phục vụ du lịch. Đây chính là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, người dân áp dụng vào thực tiễn.

Mô hình trải nghiệm ẩm thực gắn với du lịch cộng đồng tại làng Mơ Hra-Đáp đã mở ra cơ hội cho dân làng phát triển các sản phẩm ẩm thực đặc trưng thành sản phẩm du lịch, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo. Chị Đinh Thị Văn chia sẻ: “Người Bahnar có rất nhiều món ngon và chúng tôi muốn quảng bá ẩm thực truyền thống đến đông đảo du khách. Ngoài việc vệ sinh và bảo vệ môi trường trong kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân, chúng tôi còn nâng cao kỹ năng, phương pháp chế biến món ăn”.

Dự án du lịch cộng đồng thí điểm tại làng Phung (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) thu hút sự quan tâm tìm hiểu của du khách. Ảnh: Đ.T

Dự án du lịch cộng đồng thí điểm tại làng Phung (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) thu hút sự quan tâm tìm hiểu của du khách. Ảnh: Đ.T

Theo ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang, ngành du lịch huyện được “tiếp sức” bởi các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch. Từ đó, huyện có thêm các giải pháp nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar gắn với bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái trong giai đoạn hiện nay và cho những năm tiếp theo. Hiện nay, nhận thức của người dân về du lịch đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Huyện đã tranh thủ các nguồn lực để đẩy mạnh quảng bá du lịch, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch đặc thù như: du lịch sinh thái kết hợp với nghiên cứu lịch sử-văn hóa; vận động người dân phát huy các ngành nghề truyền thống như: ẩm thực, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, sản xuất dụng cụ lao động và sinh hoạt truyền thống của người Bahnar.

Cùng với đề tài “Tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng trong việc phát triển du lịch”, thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu vận dụng hài hòa giữa du lịch văn hóa và du lịch sinh thái để đề xuất các dịch vụ du lịch phù hợp với địa phương. Có thể kể đến như: mô hình du lịch cộng đồng thí điểm tại làng Phung (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh); nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; phục dựng lễ hội truyền thống của dân tộc Jrai để phục vụ công tác phát triển du lịch tại tỉnh hiện nay; bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh…

Các công trình nghiên cứu đã góp phần cung cấp cho cơ quan quản lý, chính quyền địa phương bộ cơ sở dữ liệu về văn hóa truyền thống, cung cấp cho nhà quản lý, chính quyền những giải pháp khả thi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại địa phương.

Bên cạnh tạo ra giá trị từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nông nghiệp công nghệ cao còn góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Được thực hiện từ năm 2018 với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, Dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản địa phương theo hướng hàng hóa” do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu Gia Lai chủ trì thực hiện đã mang lại kết quả khả quan.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc-Chủ nhiệm dự án-thông tin: Gia Lai có diện tích lúa cạn trên 9.000 ha, chiếm 12,36% tổng diện tích lúa. Trên cơ sở các quy trình kỹ thuật, chúng tôi đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác giống lúa Ba Chăm, Ba Jú, Ba Ruê theo hướng hữu cơ, đảm bảo năng suất cao. Ngoài việc liên kết các hộ thành tổ hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu, dự án còn kết nối với các đơn vị tiêu thụ để đảm bảo đầu ra và xây dựng chứng nhận sản xuất VietGAP, đăng ký nhãn hiệu nhằm xây dựng thương hiệu, tạo tiền đề cho loại hình du lịch trải nghiệm đồng ruộng.

Xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản địa phương tạo tiền đề cho loại hình du lịch trải nghiệm đồng ruộng. Ảnh: Trần Dung

Xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản địa phương tạo tiền đề cho loại hình du lịch trải nghiệm đồng ruộng. Ảnh: Trần Dung

Việc kết hợp loại hình du lịch nông nghiệp gắn với nghiên cứu, trải nghiệm như: thiết kế, chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa; trồng lan kim tuyến dưới tán rừng tại huyện Kbang; trồng rừng trên vùng bán ngập tại lòng hồ thủy điện Ia Ly... đã mang lại hiệu quả cao. Loại hình du lịch này đang là xu hướng mới trong xã hội hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám phá cũng như bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của du khách. Đây là hướng đi đầy tiềm năng, bởi không chỉ khai thác giá trị văn hóa, thế mạnh tự nhiên, xã hội của địa phương, mà còn thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển dựa trên du lịch.

Phát huy sức mạnh của KH-CN

Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN-nhận định: Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động nền tảng, có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý và phát triển du lịch của địa phương. Nghiên cứu khoa học góp phần hình thành những tri thức khoa học về du lịch; cung cấp hệ thống tri thức về quy luật, sự vận động của các yếu tố tham gia vào chuỗi giá trị du lịch phục vụ quá trình quản lý hiệu quả, hợp lý.

Những năm qua, tỉnh đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh của KH-CN đối với phát triển du lịch trong thời kỳ mới. Công tác nghiên cứu khoa học của tỉnh đã được đẩy mạnh theo định hướng chiến lược, lấy nghiên cứu cơ bản làm nền tảng, tăng cường các nghiên cứu ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực du lịch.

Nét văn hóa độc đáo của người bản địa là thế mạnh để Gia Lai phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Đức Thụy

Nét văn hóa độc đáo của người bản địa là thế mạnh để Gia Lai phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Đức Thụy

“Từ năm 2011 đến nay, Sở đã tổ chức nghiệm thu 82 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến ngành du lịch. Các nhiệm vụ đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân theo hướng bền vững và cũng là tiền đề để tỉnh tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng”-Phó Giám đốc Sở KH-CN nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, tỉnh đã và đang khai thác những lợi thế sẵn có một cách có trọng tâm, trọng điểm. Việc nghiên cứu các tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, về lịch sử-văn hóa truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp để phát triển các loại hình du lịch đang được tỉnh đẩy mạnh. Cùng với đó là nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của các tài nguyên du lịch và lợi ích của hoạt động du lịch.

“Thời gian tới, tỉnh tập trung nghiên cứu khoa học và lập các dự án nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền; khôi phục, nâng tầm các lễ hội truyền thống, gắn hoạt động lễ hội với các di tích, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn du khách, hướng dẫn và tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động của các di tích và giá trị của các di sản”-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thông tin.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cường, để góp phần phát triển du lịch, ngành KH-CN cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng kết hợp với nghiên cứu cơ bản; coi trọng triển khai thực hiện đề tài cấp quốc gia và nhiệm vụ KH-CN nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết của du lịch.

“Các nghiên cứu tiếp tục hướng tới phát triển du lịch bền vững, tăng trưởng xanh gắn với các xu hướng mới như quản lý phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số trong mô hình quản lý và kinh doanh du lịch. Công tác nghiên cứu KH-CN phải gắn với đổi mới hệ sinh thái của lĩnh vực du lịch; tạo ra môi trường du lịch thân thiện, sáng tạo, bền vững và linh hoạt. Cùng với đó là xây dựng mạng lưới người làm nghiên cứu khoa học du lịch rộng khắp, tận dụng chất xám trong việc xây dựng ý tưởng phát triển du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học du lịch nhằm tạo hiệu quả cao hơn; tăng cường hợp tác vùng trong nghiên cứu khoa học du lịch; đảm bảo hợp tác hiệu quả và phù hợp với yêu cầu chung trong quá trình phát triển du lịch của vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung”-Phó Giám đốc Sở KH-CN nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.