Khổ qua là một trong những loại rau quả có vị đắng nhất, nên nó còn có tên gọi là mướp đắng. Có một số cách chế biến món ăn bài thuốc từ khổ qua.
Những người có bệnh đái tháo đường (tiểu đường), ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, có thể dùng khổ qua để giúp ổn định (hoặc giảm) lượng đường huyết (máu), bằng cách dùng trái khổ qua tươi ép lấy nước để uống hằng ngày. Hoặc có thể ăn sống mỗi ngày chừng 1 trái khổ qua tươi. Cách khác, lấy 100 - 200 gr khổ qua tươi, cùng với 100 gr đậu phụ, chế biến: khổ qua rửa sạch, bỏ ruột, cắt lát mỏng, đậu phụ cũng cắt lát. Cho dầu vào chảo, bắc lên bếp, dầu nóng cho khổ qua vào đảo sơ qua và cho tiếp đậu phụ, cùng gia vị vào xào chín. Món này có thể dùng mỗi ngày.
Người có bệnh cao huyết áp thì món ăn thích hợp là dùng khổ qua khoảng 100 - 200 gr, bỏ ruột, rửa sạch, cắt mỏng, trụng sơ qua nước sôi, rồi đem trộn với một lượng rau cần tương đương và một ít tỏi giã nhuyễn.
Trường hợp ở quê bị tiêu chảy, trước tiên là dùng một ít khổ qua và cà rốt lượng bằng nhau, cả hai rửa sạch, cắt mỏng rồi đem xào chung, nêm nếm gia vị để dùng.
Người bị ho, viêm họng, đau rát họng do thời tiết, dùng chừng 200 gr khổ qua, 100 gr thịt heo nạc, 100 gr củ cải. Cách chế biến: khổ qua bỏ ruột, rửa sạch, cắt lát; thịt heo rửa sạch, cắt miếng; củ cải rửa sạch, cắt miếng, rồi cho tất cả vào nồi để hầm, nêm nếm gia vị.
Trường hợp bị viêm loét niêm mạc miệng, có thể dùng 100 gr khổ qua, bỏ ruột, rửa sạch, cắt lát đem xào với một ít củ năng (đã bỏ vỏ, cắt lát) và một ít dầu mè, nêm nếm gia vị. Món này dùng cho người hay bị viêm loét niêm mạc môi miệng, lưỡi làm khó ăn uống.
Mai Thương (theo thanhnien)