Khi đất hóa tâm hồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng chạp nắng vàng hanh. Sông Trà Bồng chảy qua làng Mỹ Thiện xanh đến nao lòng. Anh bạn người bản địa khoe sông Trà Bồng bốn mùa xanh, xanh như màu men lam pha biếc trên đồ sứ đẹp nổi tiếng ở làng này.
 
Ông Đặng Văn Trịnh cùng con gái kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ảnh: Trần Cao Duyên
Nghề gốm thường “đóng đô” dọc triền sông. Ngoài việc vận chuyển sản phẩm thuận tiện, đất sét ven sông là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất gốm. Và từ gốm, người ta “nâng cấp” lên thành sứ nhờ kỹ nghệ tráng men. Dân gốm dặn nhau một cách ví von: Gốm có men thành đồ sứ thanh thoát, sang trọng. Nhưng người “có men” đôi khi... phàm tục, nông cạn.
Xưa, sản phẩm lên thuyền từ sông ra biển rồi ngược bắc xuôi nam. Thời hoàng kim, dòng gốm sứ Mỹ Thiện “chảy” đi khắp nước, theo chân các nhà buôn Việt kiều qua tận Lào, Thái Lan, Campuchia...
Triết lý... gốm
Làng nằm ven TT.Châu Ổ, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi). Những năm 80 thế kỷ trước, Mỹ Thiện có trên trăm lò gốm thường xuyên đỏ lửa. Trai làng dí dỏm: Nhờ gần lò nung gốm, gái Mỹ Thiện má đỏ môi hồng. Có câu ghẹo gái làng bên như vầy: Em gì ơi, má chưa hồng/Cứ qua Mỹ Thiện lấy chồng được ngay.
Vật đổi sao dời. Làng gốm Mỹ Thiện xưa đông vui là thế nhưng mỗi năm mỗi vắng. Nay chỉ còn “đúng” một người vẫn tâm đắc với nghề này. Đó là ông Đặng Văn Trịnh, ngấp nghé tuổi 60. Ông giỏi nghề, lại “một mình một cõi”, sản phẩm làm ra bán rất chạy. Ai cũng khen ông chung thủy với nghề nên được tổ nghề phù hộ. Nhưng cũng có người nói chung thủy gì đâu! Nghề gốm bấp bênh. Người ta rần rần dỡ lò. Ổng Trịnh không thích chạy theo đám đông nên tự nhiên trụ lại. Hên xui thôi.
 
Những sản phẩm vừa nung tại lò gốm của ông Đặng Văn Trịnh. Ảnh: Trần Cao Duyên
Một “già gốm” kể có thời đài to đài nhỏ thi nhau ca ngợi “làng nghề gốm sứ”. Rốt cuộc có nên cơm cháo gì đâu! Sản phẩm dồn ứ, ế ẩm, đầu ra không có, bán cho ai? Tết năm đó tui buồn nẫu ruột, họa thơ rằng: “Gốm đỏ buồn không thắm/Than đen lịm giữa lò”. Rồi còn chuyện cả làng xả khói lên trời. Nhiều lần bị trời “trả lại”. Sống trong khói đâu có dễ dàng gì! Biết là người phụ nghề chứ nghề không phụ người. Nhưng trăm người bán phải vạn người mua mới là thị trường chứ. Tính coi, cùng một cây số đường mà có tới cả chục thợ “vá lốp bơm xe” thì lốp nào mà xẹp, mà lủng cho kịp! Một thợ là đúng. Số còn lại phải giãn ra hoặc chuyển nghề. Túm tụm lại thì “chết” cả đám.
Dân gốm nói chuyện kinh tế nghe mộc mạc như củ khoai, hòn đất. Nhưng ngẫm cũng có lý.
Trò chuyện với dân gốm trong làng mới thấy “triết lý gốm” của họ thật đơn giản: Yêu gốm, tay nghề tinh xảo, và quan trọng là sống được với gốm thì ở lại. Còn không thì đường ai nấy đi. Nói một cách dứt khoát vậy nhưng họ không giấu được nét trầm tư. Cái tình với nghề mà. Xa gốm họ cũng ám ảnh lắm. Có người “len lén” đắp cái lò chút xíu trên nền lò cũ, lọ mọ đi lấy đất sét về rồi lui cui sàng lọc, nhào nặn, đem cái bàn xoay trong góc nhà ra. Ngày tết làm vài món gốm sứ. Trước là chưng chơi, sau là cho... cái tay đỡ nhớ.
Yêu gốm hơn... yêu vợ
Gần tết, lò gốm nhà ông Trịnh ngày đêm đỏ lửa. Khách xa nườm nượp đặt hàng. Ché đựng rượu cho người miền núi. Chum, vại, siêu, chén, lọ, ấm, tách... cho giới bình dân miền xuôi. Nhà khá giả thì đặt độc bình, ché, bát hương kiểu xưa tráng men với hoa văn đắp nổi long lân quy phụng, mai lan trúc cúc... Ông Trịnh sở đắc những bài men “độc” từ cha ông truyền lại. Nhờ vậy, màu men trên sản phẩm của ông đẹp mê ly. Từ xanh lam đến nâu vàng, từ màu da lươn đến màu cua đồng hay cánh gián, màu nào cũng lao xao mảnh hồn của đất. Khách sành gốm sứ tấm tắc khen ông có tài gia giảm độ lửa trong khi nung để màu men trên cùng một sản phẩm sáng tối, đậm nhạt hài hòa. Cái này người trong nghề gọi là nghệ thuật “hỏa biến”.
Nghĩ, tuổi thọ của những vương triều có là bao so với gốm sứ. Một cái bình dùng uống trà thôi cũng qua bàn tay nâng niu của nhiều thế hệ trong cùng một gia đình. Nhìn một vật dụng gốm đi qua trùng điệp tháng năm, người ta thấy “cái hồn” của gốm. Bao nhiêu là thời gian tích tụ trong đó. Và hình bóng ông bà tiên tổ cũng phảng phất trong đó.
Từ bàn tay chế tác của nghệ nhân, qua hàng nghìn độ lửa, đất sét thăng hoa thành gốm sứ. Đời người có thể xác định trong một khoảng thời gian. Chứ đời gốm, nếu không có thiên tai, địch họa hoặc tác động thô bạo nào đó thì bền bỉ với tháng năm. Một “cựu gốm” kể trong làng có anh chồng giận vợ, ném vỡ bình hoa. Vợ đau điếng, lẩn thẩn nhặt từng mảnh vụn. Lâu sau mới nói được, mà chỉ một lời đanh gọn: “Người như anh chỉ hợp với đồ nhôm”. Hối hận, anh chồng mua cái mới với giá tiền gấp ba. Vợ vẫn không vui, vì “trong cái bình cũ có kỷ niệm, có yêu thương, có cả vân tay của người thân đã khuất”. Gốm yêu hòa bình. Người thiếu tao nhã chớ nên chơi.
Lại có chuyện rằng chồng yêu gốm sứ hơn… yêu vợ, rảnh là nâng niu, ngắm nghía. Vợ hỏi ba cái đồ gốm vô tri có gì trong đó mà anh o bế? Chồng nói có chứ em. Gốm sứ âm thầm mà sâu sắc, càng lâu càng đẹp, và chỉ nói bằng im lặng. Không hiểu vợ “liên hệ bản thân” thế nào mà ấm ức, giận chồng cả tháng trời.
“Kết nối” với người xưa
Làng quê thuở trước dù nghèo nhưng nhà nào cũng có vài chục món gốm sứ gồm chén, bát, đĩa… dùng trong những ngày giỗ tết hoặc nhà có khách. Còn nhỏ không được cầm, tôi bò ra mê mẩn ngắm từng nét vẽ. Mục đồng thổi sáo trên lưng trâu, hai ông tiên đánh cờ, phong cảnh làng mạc đẹp hút hồn. Bức vẽ nào cũng thanh thoát, uyển chuyển. Rồi bom đạn. Nhà ai cũng vùi đồ sứ trong những bao trấu giấu kỹ trước khi chạy giặc. Lúc về thấy đồ đạc bị lục tung, những mảnh sứ vương vãi, “máu” của sứ trắng đến xót xa. Cả nhà ngồi lặng, tiếc ngơ tiếc ngẩn. Như con người, gốm sứ căm ghét chiến tranh. Tương đồng vậy nên gốm vỡ thì người đau lắm.
Nhớ những năm cuối cấp 3, bàn học của tôi gần bàn khách của ông nội nên được nghe nhiều về gốm sứ. Riêng cái chuyện ông kể với bạn mua cái độc bình ở đâu, đẹp như thế nào, giá bao nhiêu, đi lại mấy lần, thương lượng mấy buổi… tôi nghe thuộc luôn. Hai mái đầu bạc, hai chòm râu trắng, hai cốc rượu con, một cái độc bình “long phụng tranh châu” mà tốn hết mấy buổi chiều. Tôi hiểu và yêu gốm từ những lần như vậy. Ông nói gốm và người khi đã “duyên” với nhau thì xa mấy cũng gặp được nhau, tìm được nhau, gọi được nhau và bước vào bên trong đời nhau. Còn vô duyên thì món đồ trước mắt đó nhưng nó… không cho mình thấy.
Chơi gốm sứ thường là người già? Không hẳn vậy! Nhiều bạn trẻ tất bật với áo cơm nhưng vẫn yêu những khoảng lặng khi tìm đến sự tĩnh tại cùng gốm sứ. Họ hiểu, khi đất đi qua lửa, qua mồ hôi và bàn tay sáng tạo của người thợ, đất ấy đã hóa tâm hồn. Hình ảnh thiên nhiên trên gốm sứ gợi lên nhiều mỹ cảm. Ngắm một bông hoa dại rũ mềm, một cây tùng cứng cỏi, một khóm trúc thanh cao… trên đồ gốm sứ, trẻ hay già đều “kết nối” được với “những người muôn năm cũ”.
Trần Cao Duyên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.