(GLO)- Nhiều năm trở lại đây, sự xuất hiện của các chương trình gameshow nhí trên truyền hình như The voice Kids, Đồ Rê Mí, Bước nhảy hoàn vũ nhí…đã giúp phát hiện nhiều tài năng nhỏ tuổi. Tuy nhiên, khi con trẻ nổi tiếng quá sớm sẽ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy như lơ đễnh trong học tập, trau chuốt hình thức quá sớm, tự mãn và có lối sống thiếu hòa đồng...Vì vậy, việc chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ trước, trong và sau khi tham gia các chương trình là không thừa.
Dưới ánh đèn sân khấu
Bằng sự quan tâm dành cho thế hệ măng non, ngày càng có nhiều chương trình gameshow phiên bản “nhí” dành cho các bé. Người hâm mộ chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí 2015 chắc hẳn vẫn còn ấn tượng với cô bé Phan Thùy Dương (7 tuổi) đến từ vùng đất Tây Nguyên với lối trình diễn đầy tự tin, đẹp về kỹ thuật lẫn thần thái. Em đã thuyết phục được 3 cặp giám khảo cùng nhiều người xem ngay từ vòng thi đầu tiên. Kể từ đó, cô bé Thùy Dương (phường Ia Kring, TP. Pleiku) nhận được nhiều sự ưu ái từ người hâm mộ và tên của em cũng được công chúng chú ý hơn trước. Chọn về đội của ca sĩ Minh Hằng và dancer Phan Hiển, tài năng của em ngày càng được khai thác và phát triển. Thế nhưng cô bé Thùy Dương buộc phải dừng bước ở vòng thi thứ 3. Cảm giác hụt hẫng đến rơi nước mắt là không thể tránh khỏi.
Các em nhỏ học thanh nhạc tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai. Ảnh: T.U |
Thời gian gần đây, các thí sinh nhí đến từ Gia Lai tham gia các cuộc thi tài năng ngày càng nhiều. Tại sân khấu chương trình Giọng hát Việt nhí 2016, Gia Lai có 4 thí sinh dự thi đều đã lọt qua vòng sơ tuyển là Quốc Hưng, Duy Lân, Gia Uyên và Thùy Trang. Trong đó, Thùy Trang đang chuẩn bị cho vòng thi giấu mặt đầy căng thẳng; Quốc Hưng cùng với Duy Lân và Gia Uyên đã lọt vào vòng sơ tuyển 2 của chương trình cùng với 80 bé xuất sắc để tiếp tục đi vào vòng trong. Các em chính là niềm tự hào cho gia đình, nhà trường khi vừa là con ngoan, trò giỏi, lại là những hạt giống tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật.
Còn nhớ, cái tên Phạm Lê Quốc Hưng (10 tuổi đến từ huyện Chư Pah) cũng đã để lại ấn tượng cho các vị giám khảo và người hâm mộ trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí 2015 bằng sự tự tin của mình. Nhiều bạn nhỏ hâm mộ chương trình cũng đã nhận ra Hưng và trầm trồ khi gặp em trên xe buýt từ Chư Pah về Pleiku. Sau khi trở về với giải thưởng không như mong đợi, Quốc Hưng vẫn tiếp tục trau dồi kỹ năng để mạnh dạn tham gia một sân chơi ở lĩnh vực khác-thanh nhạc. Chia sẻ về quyết định tham gia các cuộc thi lớn, Hưng vui vẻ cho biết: “Con thích dự thi vì được gặp nhiều bạn bè và thầy cô. Sau khi bị loại có thể con sẽ không vui nhưng ngay sau đó sẽ cố gắng quên đi và tập trung vào việc học văn hóa trên trường”.
Đối diện với nhiều hệ lụy
Gần đây, truyền thông đăng tải nhiều tin tức và hình ảnh về các ngôi sao trong làng giải trí, mà ở đó, những ngôi sao nhí bằng cách này hay cách khác nổi tiếng quá sớm đã phải dở dang chuyện học hành.
Đây luôn là bài học để các bậc phụ huynh nhìn vào trước khi quyết định cho con mình đi sâu vào con đường nghệ thuật.
Vì thế, quyết định cho con tham gia những cuộc chơi với sân khấu lớn, mức độ thử thách cao là điều không dễ. Đối với những đứa trẻ còn đang trong độ tuổi ăn học, hồn nhiên trong sáng thì việc chịu sức ép tâm lý hay dư luận xã hội là điều ngoài khả năng. Để con em mình đủ bản lĩnh vượt qua những hệ lụy ấy thì các bậc phụ huynh phải là người vạch ra cho con hướng đi đúng đắn, chuẩn bị hành trang là tâm lý vững vàng bên cạnh những kỹ thuật chuyên môn đã được trau chuốt.
Là người trực tiếp giảng dạy và tiếp xúc thường xuyên với thanh-thiếu niên, nhi đồng, nhạc sĩ HMai-phụ trách lớp thanh nhạc Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai, cho biết: “Khi các bé có năng khiếu trong nghệ thuật, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn để các cháu được phát triển tài năng thì việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ là vô cùng cần thiết và quan trọng. Vì thế, gia đình cần có sự kết hợp giữa giáo viên và nhà trường để giúp cho bé nhìn nhận đúng đắn về con đường nghệ thuật, có tâm lý vững vàng kể cả khi thất bại lẫn khi thành công. Đặc biệt là không được tự mãn với bản thân mình”. |
Trở lại với câu chuyện cô bé Thùy Dương, mặc dù rất buồn vì không thể đi đến cuối cuộc thi nhưng sau khi quay lại với việc học em vẫn không hề xao nhãng. Và dù nhận được rất nhiều lời khen từ bạn bè và phụ huynh, song cô bé không hề tự mãn hay có thái độ xa cách bạn bè. Chị Thu-mẹ Thùy Dương, tâm sự: “Lo ngại con sẽ bị ảnh hưởng bởi sức ép tâm lý, tôi luôn nhắc nhở bé phải chuẩn bị tư tưởng từ sớm vì cuộc thi nào cũng phải có kẻ thắng, người thua. Vì thế, sau khi trở lại việc học, bé không bị sa sút tinh thần và vẫn hòa đồng với mọi người”. Xác định rằng con trẻ rất dễ vướng phải những phiền toái kể cả khi bé thành công hay thất bại tại mỗi cuộc thi, chị Nguyễn Thị Kim Chi-phụ huynh bé Phạm Duy Lân (học sinh lớp 7 Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) chân thành chia sẻ, trước khi dự thi các cuộc thi lớn như Giọng hát Việt nhí, gia đình đã giúp bé xác định ngay từ đầu rằng dự thi để trau dồi thêm kỹ năng, để bé được giao lưu và vui là chính. Vì thế, Duy Lân đến cuộc thi lần này với tinh thần thoải mái nhất để em có thể tự tin đứng trên sân khấu.
Tương tự, chị Lê Thị Kim Sen-phụ huynh bé Quốc Hưng, cũng cho hay: “Sau mỗi cuộc thi, Hưng luôn giữ được tinh thần tốt nhất và cháu xác định rõ việc học là quan trọng nhất trong thời điểm này, còn về tham gia nghệ thuật chỉ mang tính giải trí. Vì thế cháu luôn duy trì thành tích cao trong học tập. Cháu đã từng chia sẻ, học khiêu vũ là để sau này dạy lại cho các bạn nhỏ nghèo không có cơ hội được tiếp xúc với nghệ thuật như mình”. Chính vì những suy nghĩ chín chắn đó mà sau thi dừng cuộc chơi ở sân khấu này, Hưng lại mang một tinh thần thoải mái để sẵn sàng cho một sân khấu khác “khó” hơn…
Tú Uyên