Cả nước vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021 thật vui tươi, an lành và bắt đầu trở lại nhịp độ công việc, học tập thường ngày.
Năm nào cũng vậy, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cũng chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, cơ quan, địa phương phải xử lý, giải quyết công việc ngay ngày làm việc sau tết, nhất là những công việc tồn đọng từ trước tết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công việc của người dân.
Nhìn lại năm Canh Tý 2020, vừa chống chọi thiên tai, vừa chống dịch Covid-19, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91%, là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất thế giới. Việt Nam còn đạt kỳ tích trong xuất khẩu, với mức xuất siêu 20,1 tỷ USD. Về GDP đầu người, năm 2020 đạt 2.750 USD/người; quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt khoảng 268,4 tỷ USD.
Bối cảnh trong nước và trên thế giới hiện có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta. Kinh tế nước ta tuy có bước phát triển vượt bậc, song chưa tương xứng với tiềm năng; sự tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao.
Công tác lãnh đạo, quản lý ở một số nơi còn lỏng lẻo; vẫn còn có những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, nhũng nhiễu người dân. Việc bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân. Năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế; chất lượng luật pháp, chính sách trong một số lĩnh vực còn thấp. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đồng bộ; hiệu quả chưa cao…
Nhận thức rõ những yếu kém, hạn chế, khó khăn và thách thức, trong mùa xuân mới Tân Sửu 2021, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Phát biểu tại đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII không chỉ xác định mục tiêu phát triển đất nước trong 5-10 năm tới mà còn đưa ra tầm nhìn, định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045.
Các mục tiêu cụ thể đã được đại hội nhất trí là: Năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Có lẽ chưa có đại hội nào mở ra một tầm nhìn xa như vậy!
Với quyết tâm và ý chí cao độ, bắt đầu từ ngày làm việc đầu năm mới Tân Sửu 2021 này, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp tăng cường sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, làm tốt chức trách, nhiệm vụ, nỗ lực đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, tin chắc chúng ta sẽ gặt hái những thành tựu đầy ngoạn mục, phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
(Dẫn nguồn SGGPO)