Khấp khởi mùa dổi chín

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bám sâu vào lòng đất Kbang, dổi xanh được ví như “vàng đen” kết những chùm quả căng tròn, bóng bẩy. Chọn giống cây lạ mà quen này để trồng, nông dân nơi đây khấp khởi mong chờ những vụ mùa bội thu.
Mong giá cả ổn định
Nghe chuyện nông dân xã Sơ Pai chuẩn bị thu hoạch vụ dổi xanh đầu tiên, chúng tôi vội vã xuôi quốc lộ 19 về Kbang để được tận mắt thấy hình dáng của loại quả được ví là “vàng đen” này. Vì liên lạc từ trước nên anh Nguyễn Thế Cường-Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơ Pai đã chờ sẵn ở nhà mình. Từ đây, anh Cường dẫn chúng tôi đến tham quan rẫy của gia đình ông Nguyễn Văn Thẩm (thôn 1, xã Sơ Pai). Khu rẫy nằm cách đường Trường Sơn Đông chừng 200 m. Chọn một điểm cao nhìn xuống sẽ thấy ngút ngàn màu xanh của cây cối.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Thẩm kể: Khu rẫy này có diện tích gần 6 ha. Trước đây, ông trồng hồ tiêu nhưng thất bại. Để gỡ gạc, ông chuyển sang trồng cà phê và xen thêm chanh dây, mắc ca. Năm 2019, nghe chuyện cây dổi xanh cho thu nhập cao, một số hộ dân mua giống từ Đak Lak, Hòa Bình về trồng. “Tôi cũng mạnh dạn qua Đak Lak mua 200 cây dổi giống về trồng thử nghiệm. Tôi trồng dổi xen với cà phê, chanh dây và mắc ca. Có lẽ do chất đất phù hợp nên cây dổi phát triển tốt. Năm ngoái, nhiều cây dổi cho thu bói nhưng quả ít. Năm nay vào vụ chính, quả dổi lúc lỉu trên cành. Chúng tôi như mở cờ trong bụng vì nghe mức giá khoảng 1,2-1,6 triệu đồng/kg quả khô”-ông Thẩm phấn khởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thẩm (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) khấp khởi mong chờ vụ thu hoạch dổi đầu tiên sau 3 năm trồng. Ảnh: Hoành Sơn
Ông Nguyễn Văn Thẩm (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) khấp khởi mong chờ vụ thu hoạch dổi đầu tiên sau 3 năm trồng. Ảnh: Hoành Sơn
Quả thật là rất khó khăn để xác định cây dổi xanh nếu không có người chỉ dẫn. Nếu nhìn qua, cây dổi cũng không khác mắc ca là mấy. Cả hai đều là cây thân gỗ, lá tựa nhau. Điểm khác biệt chính là quả. Quả mắc ca tròn, còn quả dổi thì dẹt, nhìn giống... đậu phộng. Hạt dổi cũng có hình dáng và màu như hạt đậu phộng nhưng màu đỏ tươi và to hơn.
Đứng trước cây dổi sai trĩu quả, khuôn mặt khắc khổ của ông Thẩm hiện nét vui xen nỗi ưu tư. “Dổi ra quả sai lắm, lúc lỉu trên các cành nhánh. Đến đầu tháng 8 sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên sau 3 năm chăm sóc. Dù vậy, tôi cũng không tránh khỏi lo lắng khi một vài cây dổi trồng gần đường bị hái trộm và cũng e ngại về năng suất, giá cả. Tôi cũng chưa tính được sản lượng vụ năm nay là bao nhiều vì đây là vụ thu hoạch đầu tiên. Chỉ mong giá cả ổn định để cuộc sống gia đình được tốt hơn”-ông Thẩm tâm tình.
Rời rẫy nhà ông Thẩm, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Hữu Thảnh-Trưởng thôn 1. Gia đình anh Thảnh trồng hơn 80 cây dổi xanh. Trong vườn có 5 cây dổi xanh với thân cao khoảng 4-5 m, cành nhánh sum suê. Qua lời anh Thảnh, chúng tôi hiểu rõ hơn về câu chuyện bà con ở Sơ Pai trồng dổi. Anh bộc bạch: “Trong rừng Kbang, dổi tự nhiên nhiều lắm, có những cây phải vài người ôm mới xuể. Trước đây, người dân thường vào nhặt trái dổi chín rụng dưới gốc về làm muối chấm. Thời gian gần đây, bà con mới nhặt về bán cho thương lái. Cách đây khoảng 6-7 năm, tôi và một vài người dân trong thôn có vào rừng nhổ ít cây non về trồng thử, thậm chí là cắt ghép cây non trong rừng với cành nhánh của cây đã đào về trồng ở nhà nhưng chưa thấy ra quả. Những cây dổi còn lại thì tôi mới mua giống ở các tỉnh bạn về trồng và chuẩn bị thu vụ đầu tiên. Chúng tôi cũng hy vọng số dổi mới trồng đạt năng suất cao để có thêm thu nhập. Loại cây này dễ trồng, ít công chăm sóc, ít phân bón, hóa chất. Nếu thấy hiệu quả kinh tế cao thì tôi sẽ mở rộng diện tích trồng dổi xanh”.
3. Ông Nguyễn Hữu Thảnh bên 1 gốc dổi của gia đình
Anh Nguyễn Hữu Thảnh-Trưởng thôn 1 (xã Sơ Pai, huyện Kbang) bên một gốc dổi của gia đình. Ảnh: Hoành Sơn
Trong bữa cơm chiều ở nhà anh Nguyễn Thế Cường, chúng tôi giã một ít hạt dổi tươi vừa hái từ vườn nhà ông Thẩm với muối làm thức chấm. Hạt dổi tỏa hương thơm giống mùi của cây xá xị. Vị hăng nồng của dổi đã xua đi cái lạnh của cơn mưa chiều tháng 7 chợt đến kèm theo gió từ cánh đồng lúa Tám Thơm phía trước mặt ùa về. Bên mâm cơm đãi khách đường xa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơ Pai rủ rỉ chuyện trò: “Hạt dổi khô rất thơm, dùng để nấu với thức ăn ngon hơn hạt tươi. Cây dổi dễ trồng, ra quả quanh năm. Xã Sơ Pai có 5 thôn trồng dổi với tổng diện tích chừng 65 ha. Đa phần do bà con mới mua về trồng nên chưa thể khẳng định được hiệu quả kinh tế mang lại như thế nào. Tuy nhiên, qua thông tin trên báo, đài thì ở các tỉnh khác có nhiều hộ giàu lên nhờ cây này, hy vọng mở thêm một hướng làm giàu mới cho người dân nơi đây”.
Đồng hành cùng nông dân
Mùa thu hoạch dổi đang cận kề. Không chỉ người nông dân khấp khởi niềm vui, cánh thương lái cũng chộn rộn. Dạo một vòng quanh xã Sơ Pai, chúng tôi nghe bà con hỏi nhau về vụ dổi năm nay. Dừng chân ở một cửa hàng thu mua nông sản tại ngã ba đường Trường Sơn Đông và đường dẫn vào trung tâm xã, nghe hỏi chuyện mua hạt dổi, bà chủ cửa hàng tươi cười nói: “Mua chứ. Dổi rừng hay nhà trồng đều mua tất. Nhiều người hỏi mua mà không có để bán lại cho họ đây này. Có điều là nay đầu mùa, giá còn thấp. Dổi đẹp thì có giá 1,6 triệu đồng/kg, loại thường thì hơn 1 triệu thôi”.
Ảnh: Hoành Sơn
So với các loại nông sản khác, hạt dổi có giá trị kinh tế khá cao. Ảnh: Hoành Sơn
Ở thời điểm hiện tại, so với các loại nông sản khác, hạt dổi có giá trị kinh tế khá cao. Đó là lý giải cho việc diện tích trồng dổi xanh ở Kbang từng bước được mở rộng trong những năm gần đây. Ngoài xã Sơ Pai thì ở Sơn Lang và Krong, người dân cũng đã chuyển đổi những cây trồng khác không đạt hiệu quả kinh tế sang trồng dổi xanh. Để người dân không lẻ loi trong hành trình tìm kiếm loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế cao để thay thế cho loại cây đã trồng trước đây, huyện Kbang đã có những sự hỗ trợ tích cực, thiết thực.
Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ người dân mua cây dổi xanh về trồng để thay thế cho một số giống cây trồng không hiệu quả. “Những năm qua, huyện Kbang khuyến khích người dân trồng xen dổi với loại cây khác để tăng hiệu quả sử dụng đất. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật, huyện còn hỗ trợ kinh phí đối với các hộ tự mua giống về trồng. Cụ thể, với hộ nghèo sẽ hỗ trợ 50% tiền mua giống cây; 30% đối với hộ cận nghèo và hộ người dân tộc Banhar”-ông Tình cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thẩm (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) khấp khởi mong chờ vụ thu hoạch dổi đầu tiên sau 3 năm trồng. Ảnh: Hoành Sơn
Một cây dổi rừng do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak trồng. Ảnh: Hoành Sơn
Chia sẻ với chúng tôi về định hướng trong thời gian tới của địa phương đối với việc mở rộng diện tích trồng dổi xanh, Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng cho biết: Mắc ca và dổi là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Do vậy, thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ kinh phí mua cây giống đối với các hộ dân chuyển đổi sang trồng. Năm 2021, huyện đã hỗ trợ kinh phí. Hiện nay, huyện đang khuyến khích các hộ dân ở các xã phía Bắc mở rộng diện tích trồng dổi xanh trong những năm tới. 
Ngoài hỗ trợ kinh phí thì một số công ty lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện Kbang cũng đã trồng dổi để giúp nâng cao thu nhập của những người dân sống dựa vào rừng. Đơn cử như Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak. Từ năm 2001, công ty này đã trồng dổi xanh trong lâm phần quản lý. Những năm qua, hơn 200 ha dổi trồng của Công ty đã góp phần tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ dân tộc thiểu số của huyện. Ông Trần Văn Hòa-Phó Giám đốc Công ty-thông tin: “Hàng năm, Công ty trồng cây dổi xanh và một số loại cây khác để tăng độ che phủ cho diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý. Trong số 200 ha dổi đã trồng từ các năm trước thì có nhiều cây đã cho quả. Thời gian qua, người dân trong huyện vào trong đó nhặt quả về bán cho thương lái, từ đó có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình”.
HOÀNH SƠN - MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.