Khẩn trương duy tu, sửa chữa hệ thống giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai và các đơn vị quản lý đường bộ đang tích cực triển khai công tác duy tu, sửa chữa một số tuyến đường trọng yếu bị hư hỏng do mưa bão.
Đơn vị thi công đang dọn dẹp khối đất đá sạt lở tràn xuống mặt đường tại đèo Tô Na do cơn bão số 9. Ảnh: Lê Hòa
Đơn vị thi công đang dọn dẹp khối đất đá sạt lở tràn xuống mặt đường tại đèo Tô Na do cơn bão số 9. Ảnh: Lê Hòa
Ông Trần Công Đại Phúc-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai-thông tin: “Mùa mưa năm nay, lượng mưa rải đều và đan xen giữa các ngày mưa nắng nên hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với phần các tuyến, đoạn tuyến do Công ty quản lý có khoảng 6.700 m2 đường Trường Sơn Đông từ huyện Kông Chro đi Ia Pa bị hư hỏng nghiêm trọng nền và mặt đường. Ngoài ra, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, khu vực đèo Tô Na (Km 111+400 thuộc địa phận xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) bị sạt lở; mưa lũ cũng cuốn trôi đường tạm để thi công cống hộp tại Km 120 quốc lộ 25 (ranh giới 2 xã Ia Sao và Ia Rtô) thuộc Dự án nâng cấp, cải tạo các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25. Với các tuyến: quốc lộ 19, đường Hồ Chí Minh (từ Km1584 đến 1609) chủ yếu là hư hỏng nhỏ, chỉ cần vá sửa mặt đường”.
Vừa qua, Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai đã tiến hành vá sửa một số tuyến đường để đảm bảo giao thông. Riêng với các sự cố trên tuyến quốc lộ 25 do cơn bão số 9, Công ty phối hợp với Sở GT-VT kịp thời khắc phục. “Việc khắc phục hư hỏng nền và mặt đường tại đường Trường Sơn Đông, đơn vị mới chỉ thực hiện được các bước xử lý móng, chưa thể hoàn trả mặt bê tông nhựa. Sau cơn bão số 10, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ để đến giữa tháng 11 sẽ hoàn thành việc sửa chữa”-ông Phúc cho biết.
Ông Phúc cũng cho biết thêm, riêng với hư hỏng nền và mặt đường trên quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đak Pơ, Công ty nhận ủy thác quản lý 3 km trong phạm vi này (từ Km 100 đến Km 103). “Trước mắt, chúng tôi đợi cho đến khi kết thúc cơn bão số 10, thời tiết ổn định mới có thể triển khai các phương án khắc phục”-ông Phúc nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hiệp-Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý-sửa chữa cầu đường Gia Lai-cho hay: “Trong mùa mưa bão, trên các tuyến đường do Công ty quản lý phần lớn chỉ xảy ra các sự cố cây ngã đổ gây cản trở giao thông, sạt lở đất, đất tràn ra mặt đường… Khi nắm thông tin, lãnh đạo Công ty đã cử lực lượng xử lý nhanh để đảm bảo giao thông thông suốt”.
Mới đây, Sở GT-VT đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo tình trạng hư hỏng xuống cấp cũng như đề nghị có phương án khắc phục 3 tuyến đường bị hư hỏng nghiêm trọng là: quốc lộ 19D, quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông.
Trong đó, trên tuyến quốc lộ 25 xảy ra xói lở nền đường tại Km 97+250 với chiều dài 12 m, xói sâu 2 m; sạt lở ta luy dương tại Km 111+400 (đèo Tô Na) với khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 1.800 m3. Đường Trường Sơn Đông bị hư hỏng trồi lún, sình lún hàng ngàn mét vuông mặt đường bê tông nhựa tại các đoạn từ Km 375 đến Km 392, Km 405 đến Km 411 và Km 440 đến Km 458. Trong khi đó, quốc lộ 19D bị sình lún, ổ gà, bong tróc mặt đường láng nhựa đoạn Km 8 đến Km 15, Km 21 đến Km 29 với khối lượng khoảng 15.000 m2; sạt lở ta luy dương một số vị trí trên tuyến... Ước tính kinh phí khắc phục các hư hỏng vào khoảng 6,6 tỷ đồng.
Ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng (Sở GT-VT) cho biết: Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất phương án khắc phục hư hỏng trên các tuyến quốc lộ. Một số tuyến tỉnh lộ như: 662B, 665, 666, 668 chỉ khắc phục tạm thời để đảm bảo lưu thông an toàn. Các tuyến: 661, 664, 670B, 667, 669 đều đã được sửa chữa, cải tạo các đoạn hư hỏng nên cơ bản đang khai thác tốt. Riêng tỉnh lộ 663 và 666 còn khoảng 21 km đường đất ở cuối tuyến, ít nhiều gây khó khăn trong đi lại của người dân.
“Về cơ bản, qua mùa mưa năm nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn được giữ vững. Với các điểm xảy ra hư hỏng, gây khó khăn trong đi lại và mất an toàn giao thông, chúng tôi yêu cầu các đơn vị quản lý tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi để xử lý sớm, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân”-ông Thái nhấn mạnh.
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.