Khám phá thảo dược Việt: 'Rừng' thảo dược chợ Bắc Hà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong chuyến đi Tây Bắc, khi đến chợ phiên Bắc Hà (H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), chúng tôi ai cũng bất ngờ, cứ ngỡ mình đang lạc vào thủ phủ thảo dược.
Bất ngờ vì khi nhắc đến chợ phiên Bắc Hà, chúng tôi thường nghĩ đến các mặt hàng quen thuộc như thổ cẩm, chim, ngựa, chó, nông cụ và đặc sản ẩm thực… Nhưng ở đây, còn có một “rừng” thảo dược với đủ loại thượng vàng, hạ cám.

Một cửa hàng thảo dược khô. Ảnh: Quang Viên
Một cửa hàng thảo dược khô. Ảnh: Quang Viên
Từ lộc rừng trời cho
Nhờ thời tiết trong lành, mát mẻ ở vùng Tây Bắc và thêm nửa ngày “hành xác” trên các cung đường đèo dốc, nên đêm qua chúng tôi sớm chìm vào giấc ngủ say. Bởi vậy, mới sáng tinh mơ, mọi người đã hối hả rủ nhau đi chợ phiên Bắc Hà, cách khách sạn chúng tôi lưu trú chừng 500 m.
“Thổ địa” đưa chúng tôi đi chợ là anh Giàng Seo Nhà. Tầm 8 giờ, chợ phiên Bắc Hà mới tụ hội đông đúc. Nhưng hơn 6 giờ sáng, dọc đoạn đường dẫn đến chợ, đồng bào người H’mông, Dao, Tày, Nùng… đã lục tục mang các sản phẩm thảo dược đến chợ để bán. Đồng bào các sắc tộc trong trang phục truyền thống, gùi hàng hóa sau lưng, hoặc để trên lưng ngựa hối hả lên chợ. Cũng có người thồ hàng bằng xe máy vụt qua vội vã cho kịp giờ lên chợ phiên.
Ngay từ đầu con đường dẫn vào chợ, tôi gặp chị Giàng Thị Xinh, người H’mông, xúng xính trong bộ váy rực rỡ, địu chiếc gùi đựng chừng hơn 5 kg thảo dược đến chợ. Chị Xinh cho biết mình đi từ xã Tả Phìn (TX.Sa Pa, Lào Cai) đến đây. Tôi hỏi trong gùi có thảo dược gì, người phụ nữ 50 tuổi này đặt chiếc gùi xuống đất rồi tiếp thị: “Trong này có đan sâm, hà thủ ô rừng. Bên ấy mà có vợ, mua đan sâm uống điều hòa kinh nguyệt tốt lắm đó. Còn hà thủ ô thì bổ máu, làm tóc đen…”. Tôi thắc mắc có thật các thảo dược này khai thác từ tự nhiên, chị khẳng định: “Hàng rừng đấy. Bây giờ cũng có đan sâm, hà thủ ô và nhiều thứ cây thuốc khác trồng, nhưng mình thì đi lấy trên rừng nên mất nhiều ngày mới có chừng này nè. Bác mua không, em vào chợ bán đây”.

Đủ loại thảo dược được bày bán ở chợ Bắc Hà.
Đủ loại thảo dược được bày bán ở chợ Bắc Hà.
Vừa trò chuyện, vừa theo chân chị Xinh vào chợ, từ đầu đường chúng tôi thấy nhiều cửa hàng bày bán vô số mặt hàng thảo dược, hầu hết là hàng khô. Chị Xinh tiết lộ: “Ở đây người ta mua thảo dược lại của đồng bào đi rừng hoặc thảo dược trồng về sơ chế rồi bán lại. Nhưng hàng nhập từ Trung Quốc nhiều nhất. Nó không “thật” hết như hàng mình đâu”.
Tôi dừng lại một cửa hàng để hỏi giá tam thất và nấm linh chi khô, chủ cửa hàng cho biết: “Tam thất giá 1,6 triệu/kg. Nấm linh chi giá 600.000/kg”. Tôi khá bất ngờ khi giá 2 loại thảo dược này rất rẻ so với giá trước đây từng mua, nên định mua mỗi thứ vài cân. Tuy nhiên, tiến sĩ chuyên ngành dược liệu - dược học cổ truyền Lê Thị Hồng Vân đi cùng đoàn, nói nhỏ với tôi: “Chưa chắc hàng Việt Nam đâu anh nhé”.
Ở khu vực trung tâm chợ, ngoài các mặt hàng nổi tiếng mà nhiều người biết, chúng tôi như lạc vào thủ phủ thảo dược. Đương quy, cát cánh, sâm cau, đan sâm, tam thất, ô đầu, ý dĩ, ba kích… được những người dân địa phương bày bán la liệt trên các tấm bạt trải dưới nền đất. Trong đó, có một số loại thảo dược được khai thác ngoài tự nhiên, tuy không nhiều. “Hàng này chồng mình vào tận rừng sâu, núi cao mất cả tháng mới khai thác được đó. Đều là thuốc quý tốt cho sức khỏe”, chỉ vào mớ thảo dược, chị Giàng Thị Thắm, người dân tộc H’mông, chia sẻ.

Một người bán thảo dược ở chợ. Ảnh: Quang Viên
Một người bán thảo dược ở chợ. Ảnh: Quang Viên
Anh Giàng Seo Nhà cho biết thêm: “Người dân H.Bắc Hà nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung được “trời cho lộc rừng” với nhiều loại thảo dược. Các cộng đồng dân cư thôn bản sống gần rừng và sống dựa vào rừng, và nhiều năm qua, cây dược liệu gắn liền với sinh kế của người dân”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Lào Cai có hàng chục loại cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Đặc biệt, tiềm năng đất rừng của Lào Cai với những cánh rừng già, rừng tự nhiên lâu năm có mức độ đa dạng sinh học cao, trữ lượng cây dược liệu tự nhiên quý hiếm và có giá trị y dược cao như giảo cổ lam, sa nhân tím, tam thất Bắc… khá nhiều. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các loài thảo dược quý rất khó tìm vì nạn khai thác hủy diệt.
Đến lộc vườn nhà trồng
Thảo dược bày bán ở chợ Bắc Hà rất phong phú, phần lớn là thảo dược trồng. Ngồi bên đống thảo dược to tướng gồm atiso, đương quy… bà Lù Thị Tươi (63 tuổi) đon đả rao hàng. Một vài du khách ghé lại hỏi mua đương quy, bà Tươi cho biết đương quy tươi từ 50.000 - 90.000 đồng/kg, tùy củ to hay nhỏ. “Mua bao nhiêu cũng có, vì đây là hàng trồng, số lượng rất nhiều”, người phụ nữ người dân tộc Tày này thật thà cho biết.
Cạnh “gian hàng” trên đất của bà Tươi, chị Triệu Thị Tình, 32 tuổi, dân tộc Dao, miệng tươi như hoa chào mời sản phẩm cát cánh nghe rất dễ xiêu lòng: “Anh gì ơi, mua cát cánh đi. Cát cánh là một loại thảo dược quý chữa được nhiều bệnh lắm đó”. Tôi đùa: “Có chữa được bệnh tim không?”. Chị Tình mím đôi môi đỏ như son cười chúm chím, rồi đáp cũng không vừa: “Bệnh này đằng ấy chịu về nhà mình, mình chữa khỏi luôn. Chữa khỏe có khi không muốn về xuôi đâu”. Cát cánh của chị Tình cũng là sản phẩm trồng.
Phát triển cây dược liệu chủ lực
Ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai xác định trong giai đoạn 2021 - 2025, vùng sản xuất cây dược liệu chủ lực Lào Cai tập trung tại các huyện trọng điểm là Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát với diện tích ổn định 4.000 ha. Trong đó, diện tích phát triển nhóm cây dược liệu hằng năm 1.500 ha; duy trì diện tích nhóm cây dược liệu lâu năm, cây dược liệu dưới tán rừng 2.500 ha. Xây dựng cơ sở bảo quản và chế biến sâu quy mô công nghiệp tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung đảm bảo 100% sản lượng tươi được sơ chế, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng thời Lào Cai xúc tiến, kết nối, xây dựng các điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại các vùng sản xuất dược liệu hàng hóa tập trung, liền vùng, liền khoảnh như Y Tý (Bát Xát), Tả Van Chư (Bắc Hà), Tả Phìn (Sa Pa)… và đưa các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu phục vụ nhu cầu cho du khách tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ở một góc chợ khác, chúng tôi phát hiện ngũ gia bì. Người bán thảo dược này là chị Sin Thị Thu, ở xã Na Hối, H.Bắc Hà. “Vỏ rễ, vỏ thân ngũ gia bì đem sắc hoặc ngâm rượu uống làm thuốc mạnh gân cốt, chữa đau mình, phong thấp, tổn thương, gãy xương, thận hư, giúp tăng trí nhớ”, chị Thu giới thiệu về “hàng độc” của mình rất bài bản.
Theo anh Giàng Seo Nhà, Bắc Hà là một trong những địa bàn trọng điểm trồng cây dược liệu của Lào Cai. Hiện toàn huyện có khoảng 100 ha đất trồng dược liệu. Tìm hiểu thêm thì được biết, Bắc Hà trồng tập trung 3 loại thảo dược chủ lực là atiso, đương quy và cát cánh. Những dược liệu quý trở thành cây chủ lực xóa nghèo hiệu quả, mở ra cơ hội làm giàu cho bà con vùng đất này.
(còn tiếp)
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.