(GLO)- Việc kết nghĩa giữa các trường học, đặc biệt là giữa các trường vùng thuận lợi và vùng khó khăn trong tỉnh, là một trong những yếu tố quan trọng để tạo sự gắn kết giữa các môi trường giáo dục. Không chỉ hỗ trợ lẫn nhau từ vật chất đến tinh thần, hoạt động mang ý nghĩa nhân văn này còn giúp cho khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng miền dần được rút ngắn.
“Các trường vùng thuận lợi luôn sẵn sàng”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Trinh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Pleiku khi trao đổi với chúng tôi về phong trào kết nghĩa giữa các trường học. “Đây là phong trào đã được ngành GD-ĐT tỉnh phát động từ nhiều năm trước. Tuy nhiên gần đây, phong trào có vẻ chững lại.
Trường Mầm non thị trấn Đak Đoa trao quà cho học sinh đơn vị kết nghĩa là Trường Mẫu giáo Hà Đông (huyện Đak Đoa). Ảnh: N.G |
Do đó, vừa qua Phòng đã gửi văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học quan tâm hơn đến hoạt động này. Chúng tôi luôn khuyến khích các trường thuộc khu vực trung tâm thành phố và các trường vùng ven kết nối với nhau. Với những người làm công tác giáo dục thì học sinh ở đâu cũng là học sinh của mình, và tôi khẳng định rằng các trường vùng thuận lợi luôn sẵn sàng hỗ trợ các trường vùng khó”-ông Trinh nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Trinh, đầu năm học 2017-2018, thông qua Phòng GD-ĐT, các trường trên địa bàn TP. Pleiku đã hỗ trợ hàng chục ngàn cuốn sách, truyện tranh cho Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Chư Á, TP. Pleiku) để làm thư viện nhằm phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Ngoài ra, các trường như: THCS Nguyễn Du, THCS Phạm Hồng Thái, Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi... đã tổ chức quyên góp quần áo cũ, đồ dùng học tập trao tặng cho học sinh các trường vùng khó. Không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất, mối quan hệ kết nghĩa giữa các trường cùng cấp học còn là cơ sở, điều kiện để hỗ trợ lẫn nhau về mặt chuyên môn. “Phải nói rằng phong trào kết nghĩa sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả đôi bên.
Là đơn vị đứng chân tại vùng thuận lợi, thông qua việc quyên góp, giúp đỡ học sinh vùng khó khăn, chúng tôi xem đây cũng là một cách giáo dục và phát triển nhân cách cho học sinh của mình, để các em hiểu rằng cho đi chính là nhận lại”-thầy Nguyễn Công Hộ-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du bày tỏ.
Thiếu sự chủ động của các trường vùng khó
Trong phong trào kết nghĩa nói trên, người hưởng lợi chính là các em học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, nhưng nhiều đơn vị trường học vùng khó còn e dè, thiếu chủ động trong công tác kết nối. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Căn-Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD-ĐT) thẳng thắn nhìn nhận: “Bản thân những trường vùng khó phải chủ động hơn nữa trong công tác kết nối, quyên góp cho học sinh, vì phải nói ra, phải bày tỏ thì người cho, tặng mới biết để mà phát động hỗ trợ cho thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều Ban Giám hiệu, nhiều thầy cô có học sinh khó khăn vẫn chưa mạnh dạn đề nghị được giúp đỡ”.
Để phong trào kết nghĩa trong trường học phát huy ý nghĩa, theo ông Phạm Văn Căn, những trường vùng khó khăn cần gạt bỏ sự e dè, chủ động kết nối với các trường vùng thuận lợi. “Ở đây, các thầy-cô giáo, đặc biệt là Ban Giám hiệu các trường vùng khó đang thực hiện việc kêu gọi hỗ trợ cho học trò chứ không phải cho bản thân nên hành động này sẽ luôn nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của đồng nghiệp và mọi người”-ông Căn nói thêm.
Là trường học đứng chân trên địa bàn thuận lợi của TP. Pleiku, lâu nay, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi vẫn thường xuyên quyên góp quần áo đồng phục, áo ấm, đồ dùng học tập... để giúp đỡ học sinh vùng khó khăn ở các xã vùng ven thành phố hoặc xa hơn như học sinh huyện Kbang. “Chúng tôi rất chia sẻ với thầy-cô giáo công tác ở những vùng khó, vùng dân tộc thiểu số nên sẵn sàng giúp đỡ khi học sinh nhà trường cần sự hỗ trợ để được mặc ấm đến trường, có bút vở để học tập. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được lời đề nghị hỗ trợ từ phía các trường này”-thầy Trương Tiến Sĩ-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ.
Nguyễn Giang