Kể chuyện bằng... bóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.

Loại hình nghệ thuật độc đáo này có tên gọi là múa bóng (Shadow dance). Dù chỉ mới xuất hiện ở Gia Lai trong vài năm gần đây, song múa bóng được nhiều người yêu thích đón nhận, đặc biệt là giới trẻ.

Không chỉ là nghệ thuật

Đã gần 4 tháng trôi qua, song câu chuyện đẹp về tình thầy-trò nơi vùng cao do nhóm học sinh lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) tái hiện bằng nghệ thuật múa bóng vẫn còn để lại ấn tượng vẹn nguyên trong lòng nhiều người.

Cả cuộc đời cùng sự nghiệp của một thầy giáo được các em khéo léo truyền tải trong hơn 7 phút với đầy đủ cung bậc cảm xúc, khiến khán giả khi thì hò reo thích thú, lúc lại lặng thinh vì xúc động.

Một phân cảnh trong tiết mục múa bóng về tình thầy-trò của học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku). Ảnh: M.T

Một phân cảnh trong tiết mục múa bóng về tình thầy-trò của học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku). Ảnh: M.T

Theo Trưởng nhóm Đào Quang Minh, vì có chút hiểu biết về Shadow dance nên em bàn với lớp chọn loại hình nghệ thuật này để dàn dựng, biểu diễn. Sau khi thống nhất ý tưởng, cả nhóm gồm 14 người tiến hành phân công nhiệm vụ, xây dựng kịch bản và chia vai diễn trên cơ sở thế mạnh của từng thành viên.

Nội dung bài múa là câu chuyện xoay quanh 1 thầy giáo với nhiều phân cảnh khác nhau. Mở đầu là lúc thầy vừa tốt nghiệp đại học, nhận nhiệm vụ đến giảng dạy tại một ngôi trường ở miền núi xa xôi. Tiếp đó là hình ảnh thầy lặn lội tới từng nhà vận động học sinh đến trường; cảnh thầy trò cùng vui vẻ dạy và học trên lớp; cảnh thầy thức khuya soạn giáo án; cảnh thầy chuyển về thành phố công tác rồi được những học sinh cũ ở ngôi trường vùng khó mình từng giảng dạy tìm về tri ân sau nhiều năm xa cách…

Đặc biệt, các em còn tái hiện một phân cảnh cảm động về tình thầy trò trong mùa mưa lũ, khi người thầy đã không quản ngại hiểm nguy cứu sống 1 học sinh không may bị trượt chân ngã xuống dòng suối.

“Không chỉ nhằm tôn vinh nghề giáo mà thông qua tiết mục này, chúng em còn mong muốn bồi đắp thêm tình yêu, lòng biết ơn đối với sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thầy-cô giáo; đồng thời, gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy cô nhân ngày 20-11”-Minh chia sẻ.

Tương tự, tại hội thi học sinh thanh lịch-tài năng của Trường THPT chuyên Hùng Vương năm học 2023-2024, tiết mục múa bóng của 2 em Huỳnh Phan Phương Hân, Lê Công Danh và 5 người bạn cùng lớp 12C1 cũng để lại nhiều cảm xúc cho người thưởng thức.

Màn trình diễn được lấy cảm hứng từ chủ đề quê hương, đất nước thông qua câu chuyện tình yêu của một đôi bạn trẻ cùng nắm tay nhau đi một vòng đến các vùng miền. Hành trình ấy được tái hiện bằng những điệu múa uyển chuyển của Hân và Danh kết hợp cùng tạo hình các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của 3 miền đất nước như: Chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long, sông Hương, tháp Chàm, nhà rông Tây Nguyên, Nhà thờ Đức Bà…

“Em và Hân lựa chọn múa bóng để trình diễn trong phần thi tài năng vì loại hình nghệ thuật này khá mới lạ, độc đáo, dễ chạm đến cảm xúc người xem. Tuy nhiên, chúng em cũng gặp nhiều khó khăn vì chỉ có vỏn vẹn 1 tuần chuẩn bị từ việc lên ý tưởng, thiết kế đạo cụ sân khấu, phông nền đến tập luyện, ghép đội hình. Trong khi đó, múa bóng lại đòi hỏi khá cao về mặt kỹ thuật, nghệ thuật hình thể lẫn âm thanh, ánh sáng”-Danh cho biết.

“Qua tiết mục này, chúng em muốn khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương Việt Nam trong lòng mỗi người, nhất là các bạn học sinh; từ đó, nâng cao ý thức chung tay gìn giữ, bảo vệ và phát triển đất nước bằng những hành động thiết thực nhất”-Hân tâm sự.

Không dừng lại ở trường học, những năm gần đây, Shadow dance cũng được nhiều doanh nghiệp, nhà hàng lựa chọn nhằm tạo điểm nhấn trong các hội nghị, tiệc cưới…

Đơn cử, tiết mục múa bóng về chủ đề tình yêu trên nền nhạc ca khúc “Là anh” (ca sĩ Phạm Lịch) đã trở thành “thương hiệu” của Trung tâm Hội nghị-Tiệc cưới Century Gia Lai từ năm 2022 đến nay. Vũ công thể hiện là anh Nguyễn Văn Cơ-Biên đạo múa của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cùng vợ mình.

Với động tác uyển chuyển đằng sau khung màn, 2 vũ công đã lột tả chân thực mà không kém phần lãng mạn hành trình yêu nhau, nên duyên và xây dựng tổ ấm hạnh phúc đến khi về già của đôi nam nữ.

Phần tập luyện múa bóng trên sân khấu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Cơ-Biên đạo múa của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (ảnh nhân vật cung cấp).

Phần tập luyện múa bóng trên sân khấu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Cơ-Biên đạo múa của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (ảnh nhân vật cung cấp).

Kỳ công sáng tạo

Shadow dance không đơn thuần là màn trình diễn của các vũ công mà còn cần đến những dụng cụ hỗ trợ để tạo nên hình bóng đẹp-yếu tố quan trọng làm nên thành công cho tiết mục. Ngoài đèn chiếu với công suất lớn và độ hắt sáng chuyên dụng, khung màn phẳng để phản xạ bóng thì còn cần đến sự kết hợp của âm thanh, hình ảnh trên các ứng dụng hỗ trợ như Powerpoint, Canva… và đặc biệt là một không gian tối để không bị bão hòa ánh sáng.

Mặt khác, dựa vào đặc thù của loại hình nghệ thuật này, người biên đạo và vũ công có thể sáng tạo ra nhiều bóng ghép hoặc cây cối, nhà cửa, con vật… từ bìa carton để hình thành nhiều chủ thể khác nhau trong câu chuyện.

Em Cao Tiến Dũng (lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho hay: Không chỉ sáng tạo về mặt biên đạo, phối hợp ăn ý từ nhiều thành viên để ghép tạo bóng về núi đồi, bàn ghế, bục phát biểu, con trâu, cánh đồng…, chúng em còn tiến hành làm các đạo cụ hỗ trợ bằng bìa carton như: đầu con trâu, bánh xe xích lô, dãy nhà cao tầng, cây cối, mái vòm… nhằm giúp tiết mục thêm chân thực và sinh động.

“Em được giao nhiệm vụ mashup những bài nhạc nền cùng âm thanh, tiếng động khác nhau sao cho phù hợp với từng phân cảnh, hành động và tâm lý nhân vật trong tiết mục. Bên cạnh đó, em còn tham gia diễn xuất trong các phân cảnh có tạo hình núi, xích lô, con trâu, học sinh…

Nhớ nhất đối với em là cảnh đóng vai học sinh bị ngã cầu trên đường đi học mùa mưa bão. Em phải tập đi tập lại rất nhiều lần sao cho dáng ngã của mình in bóng lên phông màn thật nhất”-Dũng kể.

Từng tiếp cận và gắn bó với múa bóng từ năm 2009, khi còn công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Bình Dương (nay là Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Bình Dương), anh Cơ cho hay: Anh rất yêu thích loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, để biên đạo, dàn dựng và biểu diễn thành công 1 tiết mục múa bóng đòi hỏi sự kỳ công, sáng tạo từ khâu chuẩn bị đến tập luyện, phối ráp không gian sân khấu.

Nhóm học sinh lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) sáng tạo dụng cụ hỗ trợ cho tiết mục múa bóng bằng bìa carton. Ảnh: Mộc Trà

Nhóm học sinh lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) sáng tạo dụng cụ hỗ trợ cho tiết mục múa bóng bằng bìa carton. Ảnh: Mộc Trà

Anh Cơ thông tin: Cái khó cũng là cái hay của nghệ thuật múa bóng nằm ở chỗ làm sao để người xem nhìn trong bóng nhưng biết được nội dung câu chuyện kể, hiểu được cái hồn của bóng. Bởi lẽ, múa bóng được hiểu là một loại hình nghệ thuật, kể lại một câu chuyện thông qua các hình bóng ghép từ một hoặc nhiều người. Các vũ công thường không lộ mặt, thay vào đó là ngôn ngữ hình thể. Do vậy, họ cần tạo dáng chuẩn và định vị chính xác để tạo nên những chiếc bóng đúng với ý đồ tiết mục.

Tùy theo nội dung câu chuyện muốn truyền tải mà số lượng vũ công tham gia có thể là 1 người hoặc trên 10 người; sử dụng phông màn chữ nhật to hay từng khung tròn nhỏ để biểu diễn.

Mặc dù còn khá mới mẻ ở Gia Lai, song Shadow dance với những nội dung sâu sắc, đậm tính nhân văn đã chiếm trọn trái tim của nhiều người. Anh Nguyễn Lê Mạnh Tùng-Quản lý Trung tâm Hội nghị-Tiệc cưới Century Gia Lai-cho hay: “Kể từ khi trình làng, bài múa bóng về tình yêu đã được khách hàng đón nhận nhiệt tình bởi sự mới lạ, giàu cảm xúc.

Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 vũ công cộng thêm tác động của ánh sáng và âm nhạc, màn trình diễn đã khiến người xem không thể rời mắt khỏi sân khấu. Chính vì vậy, nhiều sự kiện lớn hay đám cưới được tổ chức tại Trung tâm sau đó đã chọn tiết mục này trình diễn”.

Hình ảnh chú voi và nhà rông cùng sắc màu đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên được học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương thể hiện qua tiết mục múa bóng. Ảnh Mộc Trà

Hình ảnh chú voi và nhà rông cùng sắc màu đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên được học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương thể hiện qua tiết mục múa bóng. Ảnh Mộc Trà

Còn cô Hà Hoài Phương-Giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương-khi đề cập đến tiết mục múa bóng do học sinh của trường thể hiện đã bày tỏ: “Đó là một tiết mục múa đầy xúc cảm trên nền nhạc của bài hát “Việt Nam quê hương tôi”. Các em đã thể hiện vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam trên mỗi vùng đất, thể hiện tình yêu quê hương và niềm tự hào mãnh liệt về xứ sở. Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức một tiết mục đẹp và ý nghĩa như vậy!”.

Trong khi đó, cô Phan Thị Bích Thủy-Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám bộc bạch: “Khi xem tiết mục múa bóng về nghề giáo, về tình cảm thầy trò mà học sinh biểu diễn, tôi rất xúc động. Tuy điều kiện dạy học của tôi và các giáo viên ở thành phố không nhọc nhằn, vất vả như người thầy trong câu chuyện, song nỗi lo lắng và tình yêu thương dành cho học trò thì hệt như vậy. Tiết mục không hề có lời thoại nhưng vẫn chạm đến trái tim tôi và nhiều người xem”.

Các em học sinh lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) tập luyện phân cảnh múa bóng phía sau tấm màn trắng để tạo hình ảnh "xích lô chở thầy về phố". Ảnh Mộc Trà

Các em học sinh lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) tập luyện phân cảnh múa bóng phía sau tấm màn trắng để tạo hình ảnh "xích lô chở thầy về phố". Ảnh Mộc Trà

Theo cô Thủy, trước đây, học sinh của trường đã từng biểu diễn tiết mục múa bóng “Tình mẫu tử” và lấy đi nước mắt của nhiều người xem. Đây là loại hình nghệ thuật khá hay, phát huy sự sáng tạo cũng như bồi đắp tâm hồn cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng. Vì vậy, thời gian tới, Đoàn trường sẽ tham mưu Ban Giám hiệu tổ chức những sân chơi cho các em liên quan đến Shadow dance.

Cũng với mong muốn phát triển và lan tỏa giá trị nghệ thuật múa bóng rộng rãi đến người dân Gia Lai, Biên đạo múa Nguyễn Văn Cơ cho biết: Ngoài dàn dựng các tiết mục dành cho lễ cưới, anh cũng sẽ phát triển trở lại trong các hội nghị, sự kiện; đồng thời, tiếp cận với môi trường học đường để những học sinh muốn tìm hiểu về nghệ thuật này có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.