(GLO)- Từ nhiều năm qua, hàng chục hộ dân tại xã Trà Đa và Biển Hồ (TP. Pleiku) đã phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm từ những nhà máy tại Khu Công nghiệp Trà Đa gây nên.
Vừa qua, Báo Gia Lai đã nhận được phản ánh của các hộ dân sống xung quanh Khu Công nghiệp (KCN) Trà Đa về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng mà họ đã phải gánh chịu trong nhiều năm. Nhiều hộ dân ở thôn 3 cho biết, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mùi hôi thối phát ra từ 3 nhà máy trong khu vực gồm: nhà máy chế biến hồ tiêu của Công ty TNHH Chí Thành Long, nhà máy chế biến phân vi sinh của Công ty TNHH Hải Phong và nhà máy của Công ty TNHH Năng lượng Tái tạo FO-R Gia Lai. Đây đều là những nhà máy nằm sát đường vành đai của KCN Trà Đa. Khu vực này chỉ được ngăn cách với khu dân cư của thôn 3 bằng một bức tường.
Chất thải đen sì, bốc mùi được một nhà máy chở đến đổ tại bãi đất trống gần nhà bà Hồ Thị Khánh Vân (xã Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: V.N |
Bà N.T.T.-một người dân sống ngay sau bức tường cho hay, khu dân cư này đã ổn định từ trước khi có KCN Trà Đa. Sau đó, các nhà máy xuất hiện, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Bà T. than thở: “Trước kia có nhà máy sản xuất viên nén gì đó xả bụi mù mịt khắp nhà. Sau đó, họ không sản xuất nữa. Chúng tôi tưởng sẽ được yên ổn sinh sống, nào ngờ bây giờ lại phải ngửi mùi hôi thối của 3 nhà máy một lúc. Bất kể ngày đêm, mùi hôi nồng nặc rất khó chịu, khách đến nhà chơi chịu không nổi, nhiều người buồn nôn vì cái mùi ấy”.
Cách bức tường hơn 20 m, gia đình bà Hồ Thị Khánh Vân cũng “sống dở, chết dở” với tình trạng ô nhiễm khí thải. Gia đình bà chuyển đến khu vực này hơn 2 năm nay. “Đi làm về muốn nghỉ ngơi cũng không được vì mùi hôi xộc vào nhà, ăn cơm cũng không thấy ngon. Hôi thối thế này làm sao tránh được bệnh tật, lo nhất là sức khỏe của lũ trẻ trong nhà”-bà Vân bức xúc.
Cũng theo bà Vân, có khi nhà máy còn chở chất thải đổ sang khu vực đất trống cách nhà bà khoảng 100 m. Theo quan sát của P.V, chất thải tập kết ở gần nhà bà Vân có màu đen, đặc sệt và bốc mùi. Ông Lê Văn Vĩnh-Trưởng thôn 3 (xã Trà Đa) cho biết: “Có khoảng 20 hộ dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều có ý kiến, các nhà máy cũng tiến hành xử lý, khắc phục. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra, đặc biệt là khi có gió hướng về phía khu dân cư”.
Không chỉ người dân ở xã Trà Đa, hàng chục hộ dân ở làng Đal (xã Biển Hồ) cũng nằm trong “vùng phủ sóng” của tình trạng ô nhiễm này. Ông Ksor Nhiên cho biết: “Làng mình ở gần KCN nên ngày nào cũng phải ngửi mùi hôi thối. Vào ban đêm, mùi hôi theo gió bay vào nhà khiến tôi ho sặc sụa, không thể ngủ được. Bao nhiêu năm thế này rồi mà họ vẫn không xử lý, sao cứ để dân làng chúng tôi phải chịu cảnh ô nhiễm”.
Ông Trần Xuân Thắng-Giám đốc Công ty Phát triển Hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh: Năm 2017, khi tiếp nhận ý kiến của cử tri xã Trà Đa, đoàn kiểm tra gồm đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), UBND TP. Pleiku, UBND xã Trà Đa cùng phía Công ty đã tiến hành kiểm tra 3 Công ty TNHH gồm: Hải Phong, Chí Thành Long, Năng lượng Tái tạo FO-R Gia Lai. Qua kiểm tra thì thấy hoạt động của các nhà máy thuộc 3 doanh nghiệp này đều gây ô nhiễm môi trường ở những mức độ khác nhau. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý triệt để. |
Văn Ngọc