Kăn Xoang, Akay và nước mắt của núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không gì lớn lao bằng sự giải phóng con người khỏi những rào cản tâm lý. Và Kăn Xoang đã làm được điều phi thường đó.

Kăn Xoang gọi các con mình là tương lai. Một tương lai, hai tương lai, ba tương lai... Người đàn bà dân tộc Pa Cô, sinh năm 1977 (ở tại thôn Amor, xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có tất cả “8 tương lai”. Trong những cái “mầm xanh” hi vọng đó Hồ Văn Sở, sinh năm 1996 làm đôi vai cho Kăn Xoang. Mặc dù con thứ nhưng Sở gánh vác mọi trọng trách trong gia đình, từ tiền mua gạo cho đến trả nợ ngân hàng. Trong trái tim của Kăn Xoang, a kay (con) Hồ Văn Sở là “mặt trời của mẹ”...

 

Kăn Xoang cùng với “tương lai” Hồ Văn Sở và Cu Xéo trong căn nhà của mình tại thôn Amor, xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Kăn Xoang cùng với “tương lai” Hồ Văn Sở và Cu Xéo trong căn nhà của mình tại thôn Amor, xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Nước mắt, mồ hôi của núi

Tình cờ tôi gặp Kăn Xoang tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong những ngày giáp tết. Người đàn bà tóc vàng hoe, da rám cháy và thân hình gầy rộc. Giữa chốn thị thành cũng dễ nhận ra người đến từ vùng bản xa xôi. Hết mấy ngày trời Kăn Xoang ngồi lặng im để chờ đến lúc vào vệ sinh cho đứa con trai đang nằm trên băng ca. Người đó không ai khác, đó chính là Sở. “Mặt trời của mẹ” nay nằm trên giường. Kăn Xoang khóc khi thấy con lặng im, Kăn Xoang khóc khi thấy tương lai của mình thoi thóp thở “mẹ hạnh phúc khi biết tương lai của mẹ không bị chết, mẹ ưng khóc, mẹ muốn khóc ngày khóc đêm, mẹ có thể khóc đến mù mắt, miễn tương lai của mẹ sống lại...”.

Gần cả tháng trời ở bệnh viện, trong giá lạnh cuối đông, tôi vẫn thấy Kăn Xoang cầm một mẫu tã bỉm “Caryn” để đi mua cho con. Từ tiếng Anh “Caryn” Kăn Xoang đọc không được; “có đôi tay thì cầm, cứ tới chỗ bệnh viện bán đồ ăn và hàng hóa đưa lên cái tã, họ bán đúng cái tã”- Kăn Xoang nói như thế trong điệu cười ấm áp, trải qua bao đớn đau giờ trái tim dần hồi sinh trở lại. Dòng máu anh hùng của đồng bào Pa Cô ở núi rừng Trường Sơn vẫn chảy trong huyết quản của Kăn Xoang, nếu không, tôi cược rằng, giữa những sợ hãi, yếu mềm, đôi tay người đàn bà ấy không thể nhấc đứa con trai 67kg thoát ra khỏi sợi dây thòng lọng. Và lưỡi hái tử thần đã gặt mất hạt niềm tin của Kăn Xoang.

Từ trung tâm xã A Xing đến thôn Amor chừng 5-7 phút đi xe gắn máy. Chị Hồ Thị Chanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã dẫn chúng tôi đi theo con đường hướng tây. Trời A Xing buổi sáng trong xanh đến lạ thường. Con đường không mấy xa xôi đó những suy nghĩ của tôi chồng lên nhau, những xáo trộn và cả xót xa khi nghe chị Chanh bảo rằng, Sở giờ chỉ nằm một chỗ, không đi được nữa rồi, trước 67kg giờ chỉ còn chưa đầy 50kg. Tội nghiệp Kăn Xoang.

 

Kăn Xoang và người thân bên ngôi nhà của mình.
Kăn Xoang và người thân bên ngôi nhà của mình.

Và ngôi nhà Kăn Xoang hiện ra trước mắt chúng tôi, Sở vẫn nhận ra tôi và cố gắng  rướn cổ ngồi dậy. Chúng tôi đã lặng im, rất lâu. Có lẽ không thể nói được gì, khi bao kỳ vọng sau hơn bốn tháng gặp lại (Sở nhập viện ngày 21.2.2018) tôi cứ ngỡ Sở đã bước đi trên những nẻo đường về bản. Nhưng từ câu nói của Kăn Xoang khiến chúng tôi có niềm vui trở lại “giờ mẹ thấy vui, vất vả mấy cũng thấy vui, con không chết, tương lai không chết, mẹ không chết...”.

Nhựa sống của người đàn bà 41 tuổi này là những đứa con, cho nên, cái cây nơi Sở treo mình đã bị Cu Xé, bố của Sở chặt đứt, còn Kăn Xoang hốt hết lá khô, rơm rạ mọi nơi về chất thành đống đốt tận gốc cây. “Mẹ không để cái cây sống dậy, nó làm hại tương lai của mẹ. Biết là chống lại con ma cây cũng sợ, nhưng thương con thì phải làm”.

Sở, Kăn Xoang và Cu Xé

Xin được trích đăng nội dung cuộc trò chuyện giữa người viết bài này với Kăn Xoang tại bệnh viện.

Câu chuyện về Sở: Sở đi làm thuê, đi làm sắn, làm mây tre... được bao nhiêu tiền Sở đưa về cho mẹ, để tiền mua thức ăn, để tiền trả lãi ngân hàng, bố không bằng lòng vì điều này, bố muốn Sở đưa tiền cho bố, mấy lần đưa tiền bố đi uống rượu, say bố trách Sở chuyện không đưa tiền, Sở càng thấy buồn và kết thúc nó bằng sợi dây.

Mẹ nghe mấy người đàn bà trong bản hét lên “Kăn Xoang ơi, tương lai của mi chết rồi”. Và mẹ chạy, có một đoạn đường ngắn từ nhà ra vườn mẹ chạy ngất, đứng nhìn con treo lủng lẳng trên cây. Mẹ ôm ngực khóc, rồi mẹ không khóc, vì khóc tương lai mẹ có sống lại không? Và mẹ đỡ con mẹ xuống, mẹ tháo dây, mẹ thổi hơi vào miệng cho con như trên tivi, thổi một lần đến bảy lần, mẹ đè ngực con, con thở, mẹ khóc, mẹ đem ra viện huyện, huyện chuyển về tỉnh. Lúc sáng Quỳnh Xoang (tức Cu Xé, bố của Sở) điện thoại, bảo về, bỏ Sở lại bệnh viện hoặc đem về nhà. Mẹ không về, mẹ về ai nuôi con. Nếu con mẹ chết thì mẹ chết, mẹ không sống nổi. Con là tương lai của mẹ con ơi.

Tại nhà riêng, lúc chúng tôi đến, Cu Xé bảo không biết vì sao Sở tự vẫn. Cu Xé nói rằng “hôm trước đi thăm người bà con chết do tự sát bên Palin (xã A Túc - huyện Hướng Hóa), hôm sau về hắn ưng chết thì hắn chết. Đoạn đó bố đang ngủ, lúc dậy họ tự sát rồi, lúc đó 10h nghe mấy người chăn dê gọi, bố đi báo pháp luật để họ xác minh cái chết”.

Chúng tôi lặng im khi nghe Cu Xé kể câu chuyện này. Và chúng tôi nghĩ, có lẽ còn giọt rượu nào đó đang lưu lạc trong dòng máu của người đàn ông 48 tuổi này. Kăn Xoang thì ngồi lặng im không nói. Sau Kăn Xoang nói riêng với chúng tôi, những gì mẹ đã nói với con ở bệnh viện, nói hết rồi.

Căn nhà tạm bợ của Kăn Xoang chừng 80 mét vuông nhưng là nơi trú ngụ của 13 con người, vợ chồng Kăn Xoang, 8 đứa con, 1 đứa con dâu và 2 đứa cháu nội. Nhưng điều đó không làm tình yêu của họ trở nên túng quẫn. Họ quây quần bên nhau trong những ngày hè nóng rát.

 

Cây sung, cách nhà chừng 150m, nơi Sở tự vẫn được Kăn Xoang canh giữ nó từng ngày, tận diệt nó từng ngày.
Cây sung, cách nhà chừng 150m, nơi Sở tự vẫn được Kăn Xoang canh giữ nó từng ngày, tận diệt nó từng ngày.

Chị Hồ Thị Chanh, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã cho chúng tôi hay rằng “toàn xã A Xing có 336 hội viên, hộ phụ nữ nghèo là 49, ở miền núi đàn bà vất vả hơn nhiều so với đàn ông, nhờ công tác tuyên truyền nên ngày nay đàn ông có nhiều chia sẻ hơn trong công việc đối với đàn bà. Hộ gia đình Cu Xé và Kăn Xoang là hộ nghèo, con đông, đời sống vất vả”.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp Kăn Xoang cứu con trai mình, chị Chanh cho hay “tính từ năm 2015 trở lại đây trên địa bàn xã có 3 trường hợp tự tử bằng treo cổ, trong đó có 2 người chết, họ không giải tỏa được tâm lý của mình. Trường hợp của Sở được cứu sống bằng sự dũng cảm và hiểu biết của người mẹ đó là Kăn Xoang. Là phụ nữ, tôi thấy vui và tự hào bởi việc làm này. Khi có tình yêu thì sức mạnh lên, nhất là tình yêu của mẹ đối với con”.

Mẹ sẽ dựng con trai mình đứng dậy

Đó là nỗ lực trong tương lai của Kăn Xoang. Nhìn cái cây nơi con trai mình tự sát bị đốt cháy từ ngày này qua ngày khác chúng tôi nhận thấy được rằng sự dai dẳng của người đàn bà này trong nỗ lực bảo vệ cho con trai mình và sự trừng phạt đối với vật đã gây ra tai nạn đó. Không gì lớn lao bằng sự giải phóng con người khỏi những rào cản tâm lý. Và Kăn Xoang đã làm được điều phi thường đó.

Tận nguồn của sự việc này Kăn Xoang có hiểu được hay không? Chúng tôi thắc thỏm như thế, và câu hỏi này được đặt ra đối với Kăn Xoang, chị nói rằng: “Mẹ biết, cái cây chỉ là nơi treo cổ, lâu hơn là con trai mẹ buồn, mệt nhọc... mẹ biết, cái cây nào khiến con mẹ buồn. Nếu để con treo trên cây chờ xác định cái chết thì cũng bằng nhận cái chết”.

Gốc cây không được phép đào lên, phải dùng lửa đốt mỗi ngày, và khi nó lên chồi non đốt tiếp, từ năm này sang năm khác cho đến khi nó chết hoàn toàn. Đó là sự tận diệt của con người đối với thứ tạo hóa sinh ra không có lợi. Với Kăn Xoang, đốt chừng nào chết cái cây thì con trai của mẹ sẽ đứng dậy.

“Bác sĩ nói Sở bị tổn thương não, mẹ sẽ dành tiền để đưa con trai đi viện trung ương”, Kăn Xoang nói như thế, Cu Xé cũng gật đầu. Khi tiễn chúng tôi ra đến sân, nghe tiếng Sở gọi mẹ trong nhà, Kăn Xoang chạy vào thay bỉm cho con, Cu Xé cũng vào theo giúp vợ đỡ đứa con trai một cách khéo léo. Giờ thì Kăn Xoang đã thôi những nhọc nhằn, những bối rối khi phải lột cái tã ra, đeo vào và dán chúng. Cái khó ngày mai của Kăn Xoang còn nhiều, trong ngôi nhà lợp tôn đó Sở vẫy tay chào tôi, nụ cười của mọi người khiến chúng tôi bùi ngùi xúc động.

Rời xa Amor khi mặt trời gác lên đỉnh núi, Kăn Xoang không quên dẫn chúng tôi ra cái cây, chỗ Sở treo cổ mà rằng “đây, có một cái mầm nhỏ vừa lên, đến chiều mẹ sẽ đốt chúng”. Những khó khăn sinh tồn và nỗ lực của người đàn bà Pa Cô tên là Kăn Xoang cùng người thân của họ cho chúng tôi những hạt niềm tin. Và không lâu cuộc sống an vui sẽ trở lại với gia đình họ, với bản làng Amor, chúng tôi tin như thế.

Hoàng Hải Lâm/laodong

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.