Huyền thoại Lý Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mong ước lâu nay mới tổ chức được một chuyến đi thực tế về các biển đảo miền Trung. Cả đoàn gồm 16 thành viên của Hội Nhà văn TP Cần Thơ ai cũng phấn khởi, náo nức, nhất là khi những cái tên như đảo Bình Ba, Lý Sơn được nhắc đến trong lịch trình. Cuộc hành trình khá dày điểm đến, nhưng riêng Lý Sơn, biển đảo tiền tiêu này đã để lại trong tôi những ấn tượng rất đặc biệt không thể quên.

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý tính từ cảng Sa Kỳ. Muốn đến đây chúng tôi phải đăng ký vé trước một ngày. Vậy mà khi vào cảng đã thấy người đứng chờ lấy vé đông nghẹt. Rõ ràng, Lý Sơn mấy năm nay đã trở thành điểm đến du lịch khá hấp dẫn. Có lẽ những ngày Khao lề thế lính hàng năm với những hồi ức về người lính Hoàng Sa Bắc Hải được thờ nơi đây đã tạo cho Lý Sơn một không gian tâm linh đặc biệt khiến mọi người tìm đến chăng?

 

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Tàu cao tốc chứa khoảng 300 người với 3 khoang bên trong xé nước hướng về Lý Sơn một cách êm ả. Biển mở ra trước mắt xanh ngắt một màu. Tàu đi khoảng một giờ đã thấy bến tàu hiện ra. Vậy là chuyến khám phá của chúng tôi bắt đầu.

Xe lam thú vị

Mới bước lên cầu cảng, giữa cái nhốn nháo thường thấy ở bến tàu đưa rước khách, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những chiếc xe lam. Đúng kiểu xe lam Sài Gòn trước đây khiến tôi thấy rất thú vị như gặp lại người quen. Nghe nói ở cù lao Ré này (tên dân gian của Lý Sơn) phương tiện di chuyển độc nhất là xe lam, bởi trên địa hình đường độc đạo với diện tích 10km² của Lý Sơn thì chỉ loại xe này là cơ động, thích hợp nhất. Xe chạy ngoằn ngoèo trên con đường mới tráng nhựa còn chưa hoàn chỉnh, nhiều đoạn phải đi vòng để đưa đoàn chúng tôi về khách sạn ở gần cuối đảo. Dọc theo con đường duy nhất vòng quanh đảo có thể thấy rõ tiến độ xây dựng khẩn trương của vùng huyện đảo.

Khách sạn Cát Tường nơi chúng tôi ở mới được xây dựng, cảnh quan thoáng rộng, mặt tiền hướng ra biển, lưng tựa vào núi, phòng ốc tinh tươm, rộng rãi như một khách sạn 3 sao ở các thành phố ven biển vậy. Một điều thú vị nữa là ngay quầy tiếp tân, nhiều bọc tỏi trắng ngần bên cạnh các bọc hành tím đỏ được chất đầy trên bàn để chào mời du khách. Hỏi cô quản lý ở đây mới biết cả hành và tỏi đều từ ruộng nhà, trồng chỉ cách đó chừng trăm mét.

Đến Lý Sơn vào buổi sáng, chúng tôi có trọn buổi chiều để thăm thú đảo bằng xe lam. Những anh tài xế rất nhiệt tình đưa đoàn đi khắp các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các bãi tắm của đảo.

Chùa Đục, nơi chúng tôi đến đầu tiên đúng như tên gọi là một ngôi chùa được… đục từ trong đá núi. Vùng biển này được hình thành từ những miệng núi lửa đã tắt nên nhìn lên các ngọn núi có thể thấy rõ đặc điểm địa chất này, không kể trên đỉnh núi còn có một hồ lớn do miệng núi lửa để lại. Tên chính thức của chùa được ghi trên cổng vào là “Đỉnh Liêm Tự”. Đường lên chùa là hàng trăm bậc đá ngoằn ngoèo, uốn lượn theo vách núi với hai bên tay vịn cũng màu trắng nổi bật trong ánh nắng chiều. Cảnh vật có vẻ hoành tráng nhưng có lẽ chùa còn đang xây dựng nên chúng tôi không lên được chánh điện. Xe lam tiếp tục đưa chúng tôi đến “cổng Tò Vò”. Thoạt đầu cái tên gợi rất nhiều hình dung trong đầu nhưng đến nơi và đi xuống một con đường dốc thoai thoải đã thấy một mái vòm đá hiện ra, bên dưới trống rỗng hướng ra biển.

Đi vào con đường hẹp, chỉ cần 2 xe qua lại là rất khó, mới thấy Lý Sơn đã quá tải trong việc làm du lịch và nhiều thứ còn phải thực hiện lắm. Khách du lịch đổ về đây khá đông, dù chỗ này ở xa chụp hình cũng khá đẹp, nhưng độ sâu - rộng thì còn thua chùa Hang ở Hà Tiên (Kiên Giang) nhiều. Đáng chú ý là sự phát triển du lịch đã kéo theo nhiều dịch vụ cho dân xứ này. Dài theo các điểm du lịch, hàng lưu niệm từ vỏ sò, vỏ ốc bán đầy, những quầy bán nước giải khát cũng vậy. Đặc biệt, tới đâu cũng thấy ly sương sa nấu từ rong biển, thêm ít nước đường gừng thắng kẹo rồi đập đá vào rất thơm ngon như một thức uống riêng ở đây.

Bãi tắm Hang Cau chúng tôi ghé lại trên đường về là bãi tắm đẹp và đông nghẹt khách. Tuy bãi nhiều đá sỏi vì không phải bãi tắm nhưng nước rất trong, rất mát đủ để chúng tôi lặn hụp cả buổi trời, thoải mái và êm ả làm sao!

Nói về cảnh quan, điều lôi cuốn, hút hồn chúng tôi đến đây chính là lịch sử hình thành và quá khứ hào hùng của vùng đất thiêng này.

Vạn lý Hoàng Sa

Chiều đã dịu nắng khi chúng tôi ghé vào Khu lưu niệm Hoàng Sa Bắc Hải. Ngay giữa sân là tấm bia nổi lên cao ngút có hai phần. Phần đế là một tảng đá hình vuông vững chãi ghi chữ “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”, trên bệ có phù điêu tạc hình 3 người. Vị đứng giữa mặc tướng phục chỉ tay về phía trước, 2 người lính hai bên. Trong đó, một người lính cầm giáo, còn người kia quấn vào tay một mảnh chiếu. Tôi chợt nhớ lại đã đọc được trong tư liệu rằng, người lính Hoàng Sa, Trường Sa ngày xưa lúc nào cũng vác theo chiếc chiếu để khi hy sinh thì cuộn chiếu thủy táng.

Trong một phim tư liệu về Lý Sơn tôi cũng thấy hình ảnh người lính nhận sắc chỉ ra đi cũng cắp mảnh chiếu trên tay. Nghĩ đến điều đó sao cứ xót xa, ngậm ngùi. Nhìn lên bức phù điêu, tay 3 người còn đặt lên phiến đá mỏng trên có khắc chữ Hán “Vạn lý Hoàng Sa”. Vòng ra phía sau tấm bia, cảm xúc trong tôi lại dâng trào khi đọc được hàng chữ đắp nổi dựng đứng vừa chữ Hán vừa chữ Hán - Việt: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa Xứ tối thị hiểm yếu”. Từng chữ đắp nổi màu xanh của đá rạn mới đẹp làm sao! Bởi cạnh đó có ghi: “Minh Mạng thứ 17 năm Bính Thân 1836”. Thế mới biết sự kiên cường, lòng quyết tâm của ông cha ta trong việc giữ nước mới hào hùng, đáng kính biết bao!

Vào khu nhà trưng bày bên trong, hình ảnh chiếc ghe câu ở giữa phòng gợi nhớ một thời đạo quân Hoàng Sa Bắc Hải phải chèo chống ra biển khơi giữ nước. Bên cạnh đó là hàng linh vị đỏ thẫm, bên trên dán bảng danh sách ghi đủ họ tên của 20 người là “cai đội, chánh thủy quân, suất đội và thủy thủ đội kiêm quân Trường Sa” thuở trước. Đứng bên chiếc ghe câu chụp một “pô” hình, lòng ai cũng trào dâng cảm xúc. Ôi Hoàng Sa, Trường Sa! Tưởng như xa ngái mà giờ gần gũi, thân thương biết mấy!

Từ hình ảnh của đội Hoàng Sa Bắc Hải, chúng tôi tìm về cội nguồn của Lý Sơn (tức mái đình An Hải - nơi tiến hành lễ Khao lề thế lính hàng năm). Ngôi đình 300 năm tuổi vẫn nguyên vẹn vẻ cổ kính, trang nghiêm với mái ngói âm dương, ba gian giản dị. Ông lão hộ đình tóc bạc phơ nhiệt tình cho biết, từ đời ông cố, ông nội rồi đến đời cha lão vẫn giữ đình này, chỉ có ngôi đền bên cạnh kiểu dáng cũng y vậy là mới xây để thờ 7 ông tiền hiền của xã An Hải này thôi. Ông lão còn dẫn tôi ra xem ngôi mộ gió và mộ cá Ông ở gần bên. Trên đảo này mộ gió rải rác đến mấy nơi nên huyện có ý định sẽ gom về một chỗ cho tiện việc thờ phụng. Đúng rồi, phải vậy chứ! Chẳng phải ông cha một thời hy sinh giữ nước, dù thân xác vùi chôn nơi biển cả, hồn vẫn trở về trong những mộ gió này để hòa vào khí thiêng sông núi hay sao?

Và tôi lại hình dung ra lễ Khao lề thế lính tại mái đình An Hải này. Trong không khí trang nghiêm, hương trầm bay tỏa, tiếng trống đình lại vang lên. Những người dân địa phương với cuộc sống ngày càng sung túc ở vùng biển này, cả những cư dân cả nước tìm về đây nữa, tất cả cùng nghiêng mình thành kính thắp nén hương lòng nhớ về những chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa xưa mà bùi ngùi rưng rưng. Những giây phút ấy thật đẹp biết bao!

Phấp phới ngọn cờ

Nắng đã lụi dần khi xe chúng tôi leo lên đỉnh Thới Lới, nơi ngọn cờ Lý Sơn tung bay trong gió như cột mốc tiền tiêu. Chiều đã muộn mà dòng người cứ tiếp tục lên núi. Đứng trên dốc núi nhìn xuống, biển xanh trải dài trước mặt. Nhìn lên cao, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật khiến ta có cảm giác như bồng bềnh. Có lẽ chưa bao giờ cảm nhận trong tôi về nơi địa đầu phía biển của Tổ quốc rõ như vậy. Bởi để có ngọn cờ bay giữa màu xanh mây trời ngút mắt mọi người đang nhìn ngắm, chiêm ngưỡng hôm nay đã có biết bao máu xương của tiền nhân đổ xuống. Bất chợt hình ảnh những chiếc ghe câu, những người lính Hoàng Sa Bắc Hải, tay giơ cao ngọn giáo, tay chỉ thẳng về phía trước cùng một bên tay vắt ngang manh chiếu trong bức phù điêu lại hiện ra trong đầu.

Ôi, Lý Sơn hào hùng, Lý Sơn huyền thoại! Những ruộng hành tím đỏ, những ruộng tỏi ngọt thơm trên mảnh đất núi lửa đã nguội tắt này không thể làm ta quên một thời gian khổ, hy sinh. Bởi sâu tận bên trong đất vẫn âm ỉ, nóng rực và gió biển nữa. Biển xanh vẫn rì rầm sóng vỗ kể mãi chuyện ngày xưa…

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.