Huyền thoại đường Hồ Chí Minh-Bài 1: Tuyến lửa bất tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
60 năm trước có con đường đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc mang tên: Đường mòn Hồ Chí Minh.
Đây vừa là cầu nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện sức người và của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là điểm tựa, mắt xích lớn nối các chiến trường ba nước Đông Dương, lại vừa là nơi những người lính cụ Hồ anh dũng, trí tuệ, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. 
60 năm sau, con đường huyền thoại ấy mang một sứ mệnh mới: Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có tầm quan trọng đặc biệt trong tạo đà phát triển cho khu vực rộng lớn phía Tây đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu chùm 4 bài viết về con đường Hồ Chí Minh huyền thoại này.
 
Dọc tuyến đường Trường Sơn, Mỹ sử dụng các loại bom từ trường, mìn vướng nổ, bom bi, bom lá, chất độc hóa học ... dày đặc, chà xát, cày xới, tàn phá rừng, nhưng không đè bẹp được ý chí, tinh thần, sức chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của bộ đội Trường Sơn. Các đoàn xe vẫn ngày đêm vượt Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ảnh: Văn Bảo/TTXVN
Bài 1: Tuyến lửa bất tử
Ngày 19/5/1959 tạc vào lịch sử Việt Nam khi những người lính công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong… bổ những nhát cuốc, nhát xẻng đầu tiên khai thông, mở rộng hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Sự ra đời và phát triển của tuyến vận tải chiến lược này, theo văn bản lịch sử chính thức của cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ ghi lại, được quân đội Mỹ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX”.
Nhưng với những người mở đường, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, đây là “tuyến lửa”. Ở đại ngàn này, mỗi cung đường, mỗi cây cỏ đều nhuộm đỏ xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ. Họ nằm xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, để làm nên con đường huyền thoại…
 
Lực lượng Thanh niên xung phong Trị Thiên mở đường Trường Sơn, nối liền hệ thống giao thông liên tỉnh phục vụ sản xuất và đời sống vùng giải phóng. Ảnh: TTXVN
Trời Trường Sơn những ngày tháng 5 xanh thẳm. Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tại thôn Bến Tắt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nằm cách không xa Đường Hồ Chí Minh. Khu trung tâm Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi cao 32,4 mét, Đài Tổ quốc ghi công bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng. Trên các phần mộ là những đóa hoa, nén hương tỏa ngát. Đây là nơi yên nghỉ của hơn mười nghìn liệt sỹ trong 16 năm khai mở đường mòn Trường Sơn, mà tên tuổi họ đã hóa thành bất tử cùng những Ngã ba Đồng Lộc, bến phà Xuân Sơn, Khe Ve, Cổng Trời, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 - Khe Sanh…
Trong dòng người đến đây tưởng niệm, có những người vợ tới thăm chồng, các con tới viếng cha, những người cựu binh da mồi trở về chiến trường xưa thăm đồng đội. Có người sau khi thắp nén hương, nghiêng mình trước những người hy sinh vì Tổ quốc, lại lặng lẽ lần trong từng thửa đất, lùm cây, mong tìm lại một phần dấu tích của thời lửa đạn.
Hoài niệm về quá khứ, ông Nguyễn Viết Hồng, thương binh 2/4, Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, không nén nổi cảm xúc về sự khốc liệt của chiến tranh. Phút chốc ùa về trong ông là những hình ảnh, những gương mặt đồng đội, niềm vui và cả nỗi đau, mất mát hơn bốn mươi năm trước.
“Đồng đội tôi ở Tiểu đoàn 27, Binh trạm 311 thuộc Đoàn 559, là Thiều Minh Sơn, quê Hải Dương, nằm ở đây. Cậu ấy vào Bộ đội Trường Sơn khi 17 tuổi, được 1 năm thì hy sinh. Đêm cuối năm 1970, Tiểu đội chúng tôi phá 5 quả bom từ trường để thông tuyến, một mảnh bom đã xuyên qua cổ cậu ấy”, ông Nguyễn Viết Hồng xúc động nhớ lại.
 
Giai đoạn đầu hoạt động trên con đường bí mật xuyên rừng rậm, núi cao, trên tuyến vận tải chiến lược này, quân ta đã vận chuyển thô sơ bằng gùi, xe thồ, nhỏ lẻ với cung ngắn. Ảnh: TTXVN
Ký ức sâu đậm trên tuyến lửa Trường Sơn trong ông Nguyễn Viết Hồng là những năm 1968 - 1972, thời kỳ ác liệt nhất trên con đường huyền thoại này. Để ngăn chặn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến, đế quốc Mỹ đã xây dựng phòng tuyến hàng rào điện tử McNamara dọc theo khu phi quân sự ở Vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh. Hàng rào điện tử McNamara gồm hệ thống 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản; hệ thống thu phát tín hiệu tinh vi có nhiệm vụ phân tích tiếng động để phân biệt người hay xe, xác định chính xác tọa độ; các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không. Trên trời, máy bay Mỹ lượn suốt ngày đêm sẵn sàng diệt mục tiêu. Ngoài ra, chất độc màu da cam cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác được rải xuống làm trụi lá cây, các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường Trường Sơn.
Trước tình thế đó, nhiệm vụ của ông Nguyễn Viết Hồng cùng đồng đội là vô hiệu bom mìn Mỹ ném xuống các tuyến giao thông huyết mạch trên dãy Trường Sơn ở vùng Hạ Lào, Savannakhet (Trung Lào) và đặc biệt là tại “túi bom” Quảng Trị. Từ tháng 2/1968 đến tháng 7/1972, chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, tự chế, cùng sự quả cảm của người lính, ông Hồng đã cùng đồng đội tham gia hàng trăm trận phá bom. Riêng ông đã trực tiếp vô hiệu hóa hơn 100 quả bom từ trường, bom nổ chậm.
“Máy bay Mỹ quần thảo, cày xới, chà đi xát lại nhằm chặt đứt tuyến đường huyết mạch. Gian nan, nguy hiểm, ác liệt đến tận cùng, không thể đo đếm nổi. Nhưng để thông tuyến, đưa hàng hóa, chiến sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến, sự bền bỉ, sức chịu đựng của Binh đoàn cũng nhân lên gấp bội. Bom phá đường ở đâu, chúng tôi lại có mặt ngay ở đó để san, lấp, mở đường cho xe vào tuyến kịp thời”, ông Nguyễn Viết Hồng nhớ lại.
 
Đoàn xe ra tiền tuyến qua chặng đường đầy hố bom của địch ở khu vực ngã ba Đồng Lộc (Nghệ Tĩnh) - trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ suốt ngày đêm. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN
Cũng trong những ngày này, chặng đường 16 năm cả dân tộc “đi” trên tuyến lửa huyền thoại cứ xoắn xuýt tâm can Đại tá Phan Hữu Đại, nguyên Chính ủy Sư đoàn Ô tô cơ động vận tải 571 (Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn). Hình ảnh những đoàn xe cơ giới băng đại ngàn, các cuộc giao tranh hết khu vực này đến khu vực khác, những mưa rừng, nắng hạ triền miên rồi đói rét, ốm đau, bom rơi, đạn nổ, chiến đấu và hy sinh, tổn thất và thắng lợi, cứ liên tục dội về.
Đại tá Phan Hữu Đại nhớ lại, nhận định cần thiết có một con đường để hành quân, vận chuyển khí tài cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, ngày 19/5/1959, Bác Hồ đã cho mở đường mòn Trường Sơn. Từ con đường đi bộ, gùi, thồ vũ khí, đạn dược những ngày đầu, Trung ương quyết định “phải cơ giới hóa chi viện cho cách mạng miền Nam”. Đồng thời, trước yêu cầu khách quan cần gấp rút chi viện cho chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia, hai Đảng, Chính phủ Việt Nam - Lào đã thống nhất mở thêm đường phía Tây Trường Sơn. Binh đoàn Trường Sơn là đơn vị triển khai lực lượng, đảm bảo hoạt động của hệ thống giao thông này.
Sau vài năm, đường mòn đã phát triển thành một hệ thống đường vận tải quân sự hiện đại với nhiều trục dọc, trục ngang phức tạp có độ dài lên đến 17.000 km; có đường ống xăng dầu dài 1.400 km, đường giao liên và tải thương dài 1.200 km. Tuyến đường hoàn chỉnh và hiện đại đến mức nước Mỹ, dù huy động trí tuệ, sáng chế ra các chương trình chiến tranh tự động, chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học nhằm chặn “động mạch chủ” của cơ thể Việt Nam kháng chiến, nhưng vẫn bất lực.
 
Tuyến đường 20 Quyết Thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt, bị địch đánh phá liên tục. Bất chấp bom đạn ác liệt, lực lượng công binh và thanh niên xung phong đã bám trụ mặt đường, lao động cật lực suốt ngày đêm để đảm bảo thông xe. Đường 20 có đến 8 trọng điểm, được gọi là những "tọa độ lửa". Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN
Đứng vững và vững chắc nối Đông với Tây Trường Sơn, đảm bảo sức người, sức của thông suốt ra tiền tuyến lớn miền Nam, con đường là cầu nối các chiến trường ở ba nước Đông Dương trong gần 6000 ngày đêm tính đến ngày Thống nhất, đã làm nên tuyến lửa huyền thoại. Nhưng nỗi đau, mất mát ở đại ngàn này cũng quá lớn khi Bộ đội Trường Sơn phải kiên cường chịu đựng hơn 730.000 trận oanh kích của giặc Mỹ với hơn 4 triệu tấn bom đạn, trên 23.000 người hy sinh, trên 30.000 người bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam. Đau đáu nữa là mới quy tụ được hơn một vạn/hai vạn liệt sỹ trên tuyến lửa huyền thoại, số còn lại vẫn là điều nhức nhối với người đang sống.
“Trường Sơn là thế đấy. Dù đi đâu, về đâu, nhưng Trường Sơn và đồng đội của tôi đang nằm lại ở đó, thiêng liêng và bất tử”, Đại tá Phan Hữu Đại bùi ngùi nói.
Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.