Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 10-1, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác giảm nghèo bền vững năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018.  

Nhiều tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều đạt thấp

Báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2017 và định hướng công tác năm 2018, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: “Theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh còn 45.340 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 39.217 hộ, chiếm 86,5% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Số hộ cận nghèo là 33.406 hộ, trong đó hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 24.868 hộ, chiếm 74,44% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2017 còn 13,34%, giảm 3,21% so với cuối năm 2016”.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh. Đ.Y
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh. Đ.Y

Theo báo cáo, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều dựa trên các tiêu chí thu nhập và theo mức độ thiếu hụt tiếp cận 10 dịch vụ xã hội cơ bản năm 2017 của nhiều địa phương đạt thấp. Trong 10 dịch vụ xã hội cơ bản thì dịch vụ nhà vệ sinh trong hộ nghèo, cận nghèo phần lớn chưa sử dụng, cụ thể như các huyện: Đak Đoa, Krông Pa, Ia Pa, Chư Pưh và Chư Sê… Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của một số địa phương đạt thấp, đơn cử huyện Đức Cơ: chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2017 là 2% nhưng chỉ đạt 1,6%. Phân tích nguyên nhân, đại diện lãnh đạo huyện Đức Cơ cho rằng: Do hạn hán, một số diện tích hồ tiêu, cao su, cà phê giá trị sản lượng giảm, giá thấp. Kinh nghiệm và trình độ canh tác của người dân còn thấp. Việc tiếp cận các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều còn hạn chế...

Tập trung vào những việc làm cụ thể

Theo ý kiến của các đại biểu, vấn đề đặt ra hiện nay của tỉnh là cần tìm ra giải pháp căn cơ để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Ngoài những giải pháp chung của tỉnh thì mỗi địa phương cần có những cách làm riêng phù hợp với tình hình thực tế. Kông Chro là huyện khó khăn nhất tỉnh nhưng năm 2017 lại có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao nhất tỉnh: 6%. Đại diện lãnh đạo huyện Kông Chro cho rằng: Kinh nghiệm của huyện là gắn trách nhiệm cho huyện, xã; phân công từng thành viên giúp từng hộ, thiếu dịch vụ xã hội cơ bản nào thì hỗ trợ dịch vụ đó thông qua các chương trình hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ. Đồng thời, phân ra các chiều, thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản nào thì tập trung giải quyết các dịch vụ xã hội cơ bản đó.

Còn bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho rằng: Vấn đề đặt ra là công tác giảm nghèo của các địa phương chưa thật sự quyết liệt. Trong đó, cần xem xét lại cách hỗ trợ, hướng dẫn các hộ nghèo vay vốn ưu đãi sản xuất để từng bước thoát nghèo bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đánh giá: Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đầu tư nên tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh ta còn cao, đứng thứ 14 so với cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Đây đó vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại không chỉ đối với người dân mà còn “bén rễ” cả trong cán bộ. Vậy trách nhiệm của huyện, xã là gì? Trong tổng số 45.340 hộ nghèo thì còn 21.000 hộ khó khăn về nhà ở. Con số này không lớn nếu chúng ta vào cuộc quyết liệt và huy động được sự chung tay của cộng đồng. Trong 10 dịch vụ xã hội cơ bản thì dịch vụ nhà vệ sinh trong dân chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương làm chưa tốt.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Năm 2018, ngoài những giải pháp chung của tỉnh, tôi đề nghị các ngành, địa phương phải quyết liệt triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo bằng các nguồn lực; đến cuối năm, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh không còn khó khăn về nhà ở. Kèm theo đó là nhà ở phải có nhà vệ sinh, nhà tắm hợp vệ sinh. Trách nhiệm này giao cho Sở Xây dựng và các địa phương. Tổ chức lại đất sản xuất, rà soát các nguồn lực để bố trí hợp lý cho người dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nghèo biết được các chính sách ưu đãi của Nhà nước, như: chính sách vay vốn ưu đãi sản xuất, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên… Gắn với việc này là tuyên truyền về tác hại của “tín dụng đen” để giúp người nghèo giữ đất sản xuất. Các địa phương phải vào cuộc xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai các giải pháp giảm nghèo cho từng đối tượng, ưu tiên hộ gia đình chính sách. Huy động tất cả các nguồn lực để thoát nghèo. Không nên chia bình quân theo đầu hộ mà phải có chương trình mục tiêu hỗ trợ cụ thể theo từng hộ. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất không để hộ nghèo nào không có Tết.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.