Hướng tuyến nào cho cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Bình Định, sẽ tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh Bình Định, tỉnh Quảng Ngãi và kết nối với tỉnh Phú Yên
Đi dọc duyên hải miền Trung, về miền Tây hay ngược lên vùng Tây Bắc của đất nước, nếu để ý quan sát và tìm hiểu thông tin, chắc hẳn mọi người sẽ định hình được những mắt xích gắn kết trong từng công trình hạ tầng giao thông quan trọng, tạo ra sự kết nối chặt chẽ, liên hoàn. Nếu phía Bắc có tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tạo kết nối qua 5 nút giao với các quốc lộ: Quốc lộ 1, Quốc lộ 279, Quốc lộ 37, Quốc lộ 31 và Tỉnh lộ 242..., thì ở miền Tây, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ khi được hoàn thành sẽ kết nối vùng Đông Nam Bộ trù phú, năng động với các tỉnh miền Tây dồi dào sản vật và thông thoáng về giao thông đường thủy...
Hạ tầng giao thông, tiên phong vai trò liên kết
Trong khi đó, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không kể lợi thế về thời gian di chuyển so với Quốc lộ 1 hiện hữu, hướng tuyến của đoạn đường cao tốc này đi qua đã và đang tạo nên những kích thích phát triển kinh tế của phía Tây các địa phương đi qua và kết nối các khu kinh tế ven biển, KCN, tạo ra hệ thống giao thông đa dạng, hữu ích cho các phương tiện vận tải và là lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Chỉ với 140 km, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã liên kết 2 khu kinh tế ven biển là Khu Kinh tế mở Chu Lai, Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN của TP Đà Nẵng.

Hầm đèo Cù Mông tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn
Hầm đèo Cù Mông tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn
Theo ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, từ khi hầm đường bộ Cù Mông đưa vào vận hành đã cụ thể hóa nhiều chủ trương của lãnh đạo tỉnh Bình Định qua nhiều nhiệm kỳ trong việc kết nối các KCN Phú Tài, Long Mỹ, Becamex Bình Định và cả vùng phía Tây rộng lớn TP Quy Nhơn. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết trong chiến lược phát triển TP Quy Nhơn, hướng phát triển TP trong tương lai là mở rộng theo hướng Đông Bắc hoặc hướng Tây. Ở hướng Đông Bắc, tỉnh sẽ dựa trên tuyến đường ven biển kết nối Khu Kinh tế Nhơn Hội với sân bay Phù Cát. Hướng Tây sẽ lấy tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 19, Đông Nam là tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn mà cánh cửa là hầm đèo Cù Mông.
Cù Mông - dự án chiến lược trên tuyến cao tốc Bắc Nam
Hầm Cù Mông, dự án chiến lược được khai thông đã mở toang cánh cửa cho Bình Định - Phú Yên, tạo ra sự lan tỏa liên kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tháo điểm nghẽn trên tuyến huyết mạch quốc gia. Đây cũng là mô hình hợp tác tiêu biểu theo hình thức xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực then chốt hạ tầng giao thông.
GS-TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho rằng: "Hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, từ đó thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển". Đầu tư theo phương thức PPP đã và đang trở thành một trong những mô hình hợp tác có hiệu quả giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam, nâng cao chất lượng sống của người dân, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương.
Đánh giá đúng thực chất và triển khai đúng chủ trương về huy động nguồn lực xã hội hóa vào các công trình hạ tầng lớn, tranh thủ nguồn lực từ khu vực tư nhân, nắm bắt cơ hội khi có dự án lớn đầu tư như tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn, mới đây, bên cạnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Bình Định, trong giai đoạn năm 2020-2025, tỉnh Bình Định cũng đề xuất luôn phương án thực hiện đầu tư xây dựng dự án này theo hình thức PPP có sự tham gia của phần vốn nhà nước.
Ông Hồ Quốc Dũng cho biết việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cho Bình Định làm chủ đầu tư đoạn tuyến này là để tổ chức triển khai thực hiện và chủ động huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư dự án đạt hiệu quả. Theo thiết kế quy hoạch, đoạn đường cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định có chiều dài khoảng 170 km (qua địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 110 km), có điểm đấu nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019), điểm cuối dự kiến nối vào hầm Cù Mông (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019) và định hướng đầu tư trong giai đoạn năm 2020-2025.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) Bùi Văn Rạng, để có cơ sở triển khai dự án và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn trên tuyến Bắc - Nam, Ban Quản lý dự án 2 đã phối hợp Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định và UBND các huyện có dự án đi qua khảo sát thực tế hiện trường toàn tuyến. Sau khi xem xét, phía địa phương có ý kiến đoạn qua các huyện Phù Cát, Tây Sơn, thị xã An Nhơn đề nghị điều chỉnh hướng tuyến và điểm cuối. Theo đó, hướng đi sát và cùng hành lang tuyến với tuyến đường sắt tốc độ cao (đã được UBND tỉnh Bình Định thỏa thuận cùng dự án đường sắt tốc độ cao) hướng tuyến đi qua địa phận huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn và kết thúc tại hầm Cù Mông nhằm kết nối đồng bộ các tuyến đường từ trung tâm TP Quy Nhơn vào đường cao tốc để phát huy hiệu quả khai thác. 
Kết nối, thúc đẩy phát triển
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Quảng Ngãi đến TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) xuống còn hơn 1 giờ, đồng thời phát huy hiệu quả khai thác của tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi và hầm Cù Mông, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh lân cận.
UBND tỉnh Bình Định cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Bình Định, là sự cần thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn năm 2021-2030, đưa vào khai thác toàn bộ tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Đồng thời tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh Bình Định, tỉnh Quảng Ngãi và phát huy hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và kết nối với tỉnh Phú Yên qua hầm đường bộ Cù Mông.
Bài và ảnh: THANH XUÂN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.