Hương trà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi từng được mời đến một không gian thưởng trà rất đẹp. Nhưng thú thật, chuyện uống trà đàm đạo đối với lứa tuổi thanh niên chúng tôi mà nói hẳn còn xa lạ bởi nhiều lẽ. Riêng tôi lại không sành, nói đúng hơn là có phần kém hiểu biết, dẫu khi nâng chén trà lên môi vẫn thấy hay hay. Chưa kể đến câu chuyện về “Trà đạo” có nhiều ý nghĩa thâm sâu. Cho đến một ngày, tôi cầm trên tay cuốn sách “Uống trà-uống cả bình yên” được gửi tặng từ một người bạn phương xa. Chậm rãi đọc, tôi chợt nhận ra đôi điều...
Thi thoảng, tôi có uống trà nhưng đó không phải là thói quen, chỉ là phút cao hứng pha ấm trà xanh để dùng sau bữa cơm với gia đình. Uống trà đã ít, thưởng trà lại càng không. Cũng chưa bao giờ lưu tâm đến chuyện “Nhất thủy-nhì trà-tam bôi...” trong cách pha trà mà nhiều bậc cao niên từng nhắc đến. Nhưng đọc sách, tôi nghiệm ra rằng đâu nhất thiết phải có không gian tuyệt đẹp, trà cụ cầu kỳ hay sở hữu một loại trà đặc biệt thì ta mới được thưởng thức trà đúng nghĩa. Chỉ cần hái một ít lá chè xanh, vò nhẹ cho vào ấm tích, đun nước sôi thật kỹ, để nước nguội bớt mới dùng pha trà. Thật giản đơn và bình dị như cái cách mà mỗi gia đình Việt xưa nay vẫn dùng. Lá chè xanh làm trà là tiện lợi hơn cả. Ngon hơn một chút thì có trà nụ, trà mạn hay trà ướp hương...
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Được biết, các loại trà nói chung đều giúp thanh nhiệt, giải độc, góp phần cải thiện sức khỏe của con người, khiến cho tinh thần phấn chấn hơn, đối với chị em phụ nữ lại giúp tăng cường sắc đẹp và chống béo phì. Chừng ấy công dụng thôi cũng đủ để chúng ta nghĩ tới việc uống trà thường xuyên hơn, không kể người trẻ hay đã già. Không phải lúc nào cũng cần công thức cầu kỳ hay tuân thủ nguyên tắc quá rườm rà, chỉ cần tự pha được một ấm trà rồi nhâm nhi, rồi cảm nhận. Đơn giản thế thôi! Quen thuộc thế thôi!
Những ngày Pleiku se lạnh mà có tách trà ấm trên tay là thích lắm. Dạo này, tôi hay dành ngày cuối tuần cho riêng mình. Buổi sớm khuấy một túi trà lọc mang ra sân nhà, ngồi đung đưa trên chiếc xích đu nhỏ, thong thả nhấp một ngụm trà nóng và nhìn ra vườn cây... Phút thảnh thơi có phải đã được sinh ra ở cái khoảnh khắc ta ngồi thưởng trà và điềm tĩnh nhìn cuộc sống? Tôi đã chịu giản đơn mình đi để đón nhận những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhất mà bấy lâu lãng quên vì mưu sinh. Hương trà thơm thoang thoảng. Ngõ nhỏ vắng lặng. Tiếng thở trong mình rất nhẹ. Nếu có thêm một cuốn sách bên cạnh thì không gì tuyệt bằng! Lúc ấy, bỗng thấy hiện tại như một món quà mà bản thân mình tự trao đi, tự đón về.
Có lẽ, uống trà bây giờ không còn là cái thú riêng của những người lớn tuổi nữa. Mỗi người trong chúng ta đều có thể uống trà, thưởng trà và nghĩ về trà như một thói quen tốt hàng ngày. Tập uống trà để trái tim khỏe hơn, tâm trí được lắng đọng hơn. Người kể chuyện trà đã nói rằng: Uống một chén trà như uống cả trăm vị cuộc đời. Và tôi hiểu ra, trong vị ngọt của tách trà ban sớm có vị đắng của nghề làm trà khó nhọc. Hiểu như thế để thêm trân trọng và nâng niu từng ngụm trà thơm.
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...