Hơn 74.000 đại biểu tham gia hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 3-2023

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 9-3, tại TP. Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 3-2023 bằng hình thức trực tuyến, kết nối đến 2.185 điểm cầu trên cả nước với sự tham gia của hơn 74.750 đại biểu. Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Xuân Thủy-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Tham gia tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc cùng các báo cáo viên Trung ương; báo cáo viên Tỉnh ủy khóa XVI; lãnh đạo các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh; Tuyên giáo MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh. Hội nghị được kết nối đến 18 điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố và Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh với hơn 2.000 đại biểu tham dự.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Phan Lài
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Phan Lài

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ-Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thông tin chuyên đề: “Xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đây là yêu cầu khách quan và mang tính cấp thiết. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và ban hành Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã xác định một trong những mục tiêu quan trọng đầu tiên phải thực hiện là: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.

Kế thừa và phát triển các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng qua các kỳ Đại hội và các Hội nghị Trung ương về lĩnh vực văn hóa trước đây, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Các giá trị cơ bản của quốc gia hiện nay có thể thống nhất với các mục tiêu mà Cương lĩnh nêu ra là xây dựng quốc gia thịnh vượng với các đặc trưng là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hệ giá trị văn hóa Việt Nam được xác định là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Hệ giá trị con người Việt Nam gồm: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, sáng tạo, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương…

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến-Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thông tin chuyên đề: “Những kết quả nổi bật của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng thời gian gần đây, định hướng thời gian tới”. Cụ thể, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng ngày càng sâu rộng và thực chất trên công tác tham mưu, triển khai quan hệ quốc phòng song phương và trên bình diện đa phương. Năm 2022, Bộ Quốc phòng đã chủ trì tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng lớn, quan trọng, lần đầu tiên được triển khai, để lại những dấu ấn tốt đẹp cho các đối tác và bạn bè quốc tế như: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022; chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” và việc cử đoàn cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất…

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác định cần tiếp tục tích cực đổi mới, sáng tạo, vừa tham mưu, vừa triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai toàn diện công tác đối ngoại quốc phòng theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược trong hoạt động đối ngoại quốc phòng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Chú trọng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi triển khai hoạt động đối ngoại quốc phòng. Xây dựng, phát huy vai trò của cơ quan và đội ngũ cán bộ đối ngoại quốc phòng chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ.

Định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị: Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị-xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền nội dung 2 chuyên đề trên, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tập trung tuyên truyền về tình hình kinh tế-xã hội trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, thu ngân sách Nhà nước trong tháng 2-2023 tăng hơn 10,6% so với cùng kỳ.

Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuyên truyền việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nêu bật việc tổ chức lấy ý kiến được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành sâu rộng, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân. Tuyên truyền Nghị định số 07 ngày 3-3-2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98 ngày 8-11-2021 về quản lý trang thiết bị y tế; tuyên truyền Nghị quyết số 30 ngày 4-3-2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023); biểu dương những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiên tiến trong xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa, con người Việt Nam. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng như: Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch); kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Chu Huy Mân (17/3/1913-17/3/2023)-lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023).

Có thể bạn quan tâm

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.