(GLO)- Sáng 11-8, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Trường Cán bộ Dân tộc (thuộc Ủy ban Dân tộc Chính phủ) phối hợp với Ban Dân tộc Đak Lak tổ chức hội thảo “phân vùng dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, thực trạng và giải pháp” với sự tham dự của Ban Dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên và đại diện một số sở, ngành liên quan của tỉnh Đak Lak. Ông Nguyễn Văn Tỵ-Vụ trưởng Vụ Dân tộc Tôn giáo (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) chủ trì hội nghị.
Tham gia thảo luận hầu hết các đại biểu xoay quanh những câu hỏi mà Ban tổ chức đưa ra như: Một tỉnh, huyện, xã có bao nhiêu đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được gọi là vùng dân tộc thiểu số?; có nên phân định vùng dân tộc thiểu số dựa trên cộng đồng thiểu số chủ yếu cư trú ở đó để có chính sách phù hợp hơn không? Có nên phân vùng dân tộc thiểu số thành các tiểu vùng như vùng cao, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa… không?...
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bá Thăng |
Tại hội thảo các đại biểu tập trung xoay quanh bàn về các tiêu chí để phân vùng dân tộc thiểu số, trong đó các tiêu chí quan trọng được nhiều đại biểu đưa ra đó là: Tỷ lệ dân tộc thiểu số/tổng số toàn vùng; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổng thu nhập GDP/người; tỷ lệ thiếu đất sản xuất; tỷ lệ đường giao thông (bê tông hóa, nhựa hóa…); tỷ lệ phổ cập giáo dục phổ thông; tỷ lệ hưởng thụ dịch vụ thông tin, truyền thông; tỷ lệ có nhà sinh hoạt cộng đồng; khoảng cách đến trung tâm cụm xã, huyện, tỉnh; độ cao so với mặt nước biển; khoảng cách đến biên giới….
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Y Ring Ađ’rơng-Trưởng ban Dân tộc Đak Lak cho biết: Căn cứ vào kết quả công nhận khu vực vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển của Ủy ban Dân tộc trước đây về cơ bản đã phản ánh được điều kiện kinh tế-xã hội, khó khăn của từng vùng, một số huyện khó khăn của tỉnh. Tuy nhiên, tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển chủ yếu căn cứ vào tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo là chủ yếu, tiêu chí này mang tính chất quyết định do vậy chưa phản ánh hết được khó khăn giữa các vùng, miền; việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo còn tùy thuộc vào tiêu chí phấn đấu, tiêu chí do cấp ủy Đảng địa phương giao hàng năm. Nói cách khác tiêu chí này còn tùy thuộc vào cách nghĩ, cách làm của cán bộ từng địa phương; chưa đặt vấn đề ưu tiên cho xã có đồng bào dân tộc thiểu số với xã có ít đồng bào dân tộc thiểu số… Do vậy cần phải nghiên cứu để đưa ra tiêu chí để phân vùng dân tộc thiểu số cho xác đáng.
Ông K’Bá Đô-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai lại cho rằng: Tiêu chí xác định vùng dân tộc thiểu số cần được xác định bằng số lượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở tiểu vùng đó chiếm từ 40% trở lên so với tổng số dân ở tiểu vùng đó; cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và chưa ổn định, điều đi lại còn khó khăn, khí hậu khắc nghiệt; các điều kiện xã hội không đủ điều kiện cơ bản cho cộng đồng phát triển, trình độ dân trí quá thấp, tỷ lệ mù chữ và thất học cao, vệ sinh phòng bệnh kém, tập tục lạc hậu, không có thông tin; đời sống thực sự khó khăn, nạn đói thường xuyên xảy ra, tỷ lệ hộ nghèo từ 30% đến 50%; đất đại bộ phận thuộc trên dưới 600 mét trở lên so với mặt nước biển; địa bàn cư trú gồm các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao hẻo lánh, vùng biên giới…
Còn theo đại diện Ban Dân tộc Đak Nông thì cho rằng việc xác định vùng dân tộc thiểu số gắn liền được với mục đích phục vụ quản lý nhà nước ở vùng dân tộc thiểu số, cụ thể là phục vụ cho việc thực hiện các chính sách kinh tế, văn hóa, kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó chúng ta mới có các tiêu chí cụ thể; khi xác định vùng dân tộc thiểu số đề nghị phải gắn với công tác xác định thôn, buôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi hiện nay, trên cơ sở đó tiếp tục bổ sung các tiêu chí khác như tỷ lệ dân tộc thiểu số, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc thiểu số…
Đây là hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp nhằm giúp Ủy ban Dân tộc có cơ sở đề xuất với Chính phủ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho phù hợp, phát huy lợi thế vùng vào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Bá Thăng