Hồi sinh vùng rốn lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trở lại vùng lũ Quảng Bình, nơi bị trận đại hồng thủy tháng 10-2020 vùi dập, màu xanh mướt mắt của lúa thì con gái đang mơn mởn. Những tang thương chỉ còn là quá khứ. Từ vườn tược đến cánh đồng, mọi thứ hồi sinh mạnh mẽ.
Trúng đậm vụ hoa đông xuân
Rốn lũ Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy bên bờ phá Hạc Hải vừa hoàn thành vụ thu hoạch hoa đông xuân bán tết và rằm tháng Giêng, trúng giá hơn năm trước.
Theo ông Châu Văn Song, Chủ tịch HĐND xã Hồng thủy, cả xã có hơn 200ha chuyên canh rau và hoa. Vụ hoa đông xuân sau lũ gầy giống chỉ 2,5 - 3 tháng, bà con chủ yếu ươm hoa cúc, lay ơn, thược dược và bán rất được giá vì nhu cầu các loại hoa này khá cao. Nhiều hộ trong 3 tháng đã thu hoạch 50 triệu đồng, gỡ gạc những gì lũ lụt cuốn trôi. 
Ông Phạm Văn Thìn, thôn An Định, vừa xới lại chỗ đất đã thu hoạch hoa để trồng rau xanh, vui nói: “Lũ rút là bà con xắn tay vực dậy sản xuất. Ai cũng biết thiệt hại vô cùng do trận lũ lịch sử, nhưng nó để lại đất đai tốt tươi nên bà con trồng hoa lên rất đẹp và bán được giá, ai cũng ưng. Gia đình tôi, vụ hoa này được 50 triệu đồng, có vốn để quay vòng sản xuất. Thế là ổn”.
Kề đó là xã Gia Ninh, ông Đinh Duy Minh, Chủ tịch UBND xã, nói: “Mỗi sào Bắc bộ (370m2/sào) cho thu nhập 10 triệu đồng từ hoa, nên bà con rất mừng. Cùng đó là người dân được mùa rau tươi vụ đông xuân, được thu nhập đáng kể trong ngày đông tháng giá, mùa ra Giêng không ám ảnh khó khăn”.

Cảnh thanh bình ở rốn lũ phá Hạc Hải, thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh
Cảnh thanh bình ở rốn lũ phá Hạc Hải, thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh
Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, nói: “Với sự giúp đỡ của bà con cả nước, chính quyền các cấp, người nông dân vùng lũ đã tận dụng mọi nguồn lực và ổn định làm ăn. Vất vả là thật vì mưa lũ quá lớn, nhưng vụ hoa đông xuân đã đưa lại niềm tin bám đất, bám làng, có vốn sản xuất ngắn ngày, thu được tiền triệu là ấm cúng rồi”.
Lúa xanh mướt
Ở thôn Phú Thọ, xã An Thủy, nơi sâu nhất của huyện Lệ Thủy, người dân đang chuẩn bị bón đợt mới chất dinh dưỡng cho lúa chuẩn bị thì con gái. Trưởng thôn Lê Văn Thương nói, Phú Thọ có 235ha ruộng, sau lũ đã gieo cấy toàn bộ, bây giờ lên xanh mơn mởn. Trong số này, huyện hỗ trợ 50% giống lúa chất lượng cao nên bà con rất phấn khởi.
“Chú xem, cả cánh đồng là vùng đầm phá Hạc Hải giờ xanh mơn mởn. Chắc chắn năm nay được mùa, vì lũ lớn tuy tác hại nặng nề nhưng để lại lượng phù sa dày đặc mà nhà nông rất ưng, khiến bờ xôi ruộng mật xanh ngát, thích mắt lắm. Chắc chắn vụ đông xuân năm nay được mùa, còn được như thế nào thì tùy vào từng giống lúa được gieo cấy”, ông Lê Văn Thương khấp khởi. 
Bà Nguyễn Thị Liễu, ở rốn lũ thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, nói thêm: “Lúa lên xanh tốt từng ngày vì lượng phù sa ngoài đồng rất nhiều. Bà con không chăm sóc nhiều lúa cũng đẹp hơn, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Lũ lụt đi qua, để lại cho đồng ruộng ích lợi rất lớn là chuột bọ, sâu đục thân, các loài tác hại cho lúa và hoa màu chết sạch. Mọi năm không lũ, chuột sinh sôi diệt không xuể. Bao nhiêu lần thôn xã phát động phong trào diệt chuột mà làm không hết; nay chuột bị lũ nhấn chìm, lúa không bị chuột cắn phá nên bà con càng yên tâm”.
Sâu trên xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Muôn, Trưởng bản Sắt, thông báo: “Hơn 50ha ruộng lúa trong thung lũ Sắt, bà con đã gieo cấy thành công. Lũ lụt để lại phù sa nên giờ xanh tốt. Bà con lao vào sản xuất để kịp mùa vụ, tuy cuộc sống còn khó khăn do chưa có nhà mới, nhưng phải cày ruộng, gieo lúa để mong có vụ mùa ổn định nhằm tránh căng thẳng cái ăn vào mùa mưa cuối năm 2021”.
Ông Nguyễn Văn Tráng, xã Trường Sơn, kể thêm: “Hai bên sông Long Đại là bãi bồi của người dân trồng ngô và nhiều hoa màu khác. Năm nay, phù sa phủ cả mét đất, sau lũ đi lại khó khăn, ngược bùn phờ mặt, nhưng chừ thấy hoa màu và ngô lên xanh, bà con hy vọng có một vụ mùa bội thu để chống chọi với mùa mưa lũ tới”.
Nhà mới sau đại hồng thủy
Ông Phan Văn Hoa, trưởng thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, nói vui: “Bây giờ lúa ngoài đồng xanh mướt thì tình anh em với các đơn vị tài trợ nhà chống lũ cho người dân trong thôn cũng ánh lên màu xanh hy vọng. Căn nhà tránh lũ, chống bão cộng đồng hơn 3 tỷ đồng do cán bộ nhân viên Tập đoàn Trường Thịnh xây dựng đã đưa vào sử dụng.
Thôn Hữu Tân thường xuyên bị lũ ngập sâu, là làng sống giữa ốc đảo phá Hạc Hải nên sóng đánh rất lớn, nhà dân sập và thiệt hại nặng. Việc có nhà tránh lũ, chống bão cộng đồng là một ước mơ rất lớn của gần 400 người dân ở đây. Mùa mưa lũ 2021 và về sau chắc chắn nhà này rất hữu dụng”.
Ông Võ Hoàng Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh, nói: “Nhà tránh lũ chống bão cộng đồng thôn Hữu Tân là căn nhà đầu tiên trong chuỗi 6 nhà chúng tôi tặng các địa phương ở Quảng Bình. Mỗi căn nhà có diện tích sàn sử dụng gần 300m2, xây cao hơn lũ lịch sử năm 2020 gần 2m, có sức chứa hơn 300 người khi thiên tai ập xuống. Nhà có bếp ăn, hệ thống vệ sinh khép kín, mái đổ bê tông, chịu đựng siêu bão giật cấp 17…”.
Ông Nguyễn Trọng Trới, trưởng thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), ngắm căn nhà, cười tươi: “Nếu có lũ lịch sử lặp lại thì bà con vào đây trú, đỡ nguy hiểm hơn phải chạy đò lên đường Hồ Chí Minh, vượt sóng gió nhiều khi muốn lật thuyền”.
Bà Nguyễn Thị Liễu, thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, vui mừng: “Tết năm nay nhà tui rất vui, vì bà con khắp nơi thấy nhà tui sập đã đóng góp dựng lại căn nhà kiên cố. Tui vay mượn thêm thì dựng căn nhà hơn 450 triệu đồng. Cuối đời có nhà thế này, dù có nhắm mắt cũng yên tâm cho con cháu hương khói”.
Vùng lũ bây giờ đi đến đâu, bà con ân cần đón tiếp, kể về những ngày trong gian khó đại hồng thủy. Nhưng vẫn tin vào cuộc sống tiếp diễn phía trước. Những cánh đồng đang lên xanh ngát, là dấu ấn của bà con vùng lũ thức khuya dậy sớm cố công lao động cho cuộc sống ổn định, vượt qua thiên tai.
Từ thông tin trên Báo SGGP, anh Đỗ Quang Ngọc và chị Võ Thị Hương ở thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) được bạn đọc cả nước và các mạnh thường quân giúp xây dựng lại ngôi nhà lũ cuốn sập. Đón chúng tôi trong ngôi nhà mới, anh Ngọc tâm sự: “Năm nay chúng em đón tết trong nhà mới. Sau tết, gia đình mượn thêm làm cái chòi tránh lũ trên cao, thế là yên tâm với những mùa mưa bão sau này”.
Theo MINH PHONG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.