Hoàng hôn sau mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Anh mở tung cánh cửa sổ màu xanh. Nắng chiều len vào căn phòng nhỏ. Nắng kéo dài thành vệt xuyên qua những hạt bụi mỏng đang lơ lửng bay. Nắng đậu trên những chiếc lá vàng bất động trên tường, có khi nào khẽ lao xao bởi một cơn gió tưởng tượng.  

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ


Phía nhà đối diện, xuất hiện một ông già gầy, tóc bạc, mặc bộ pijama màu xám tư lự nhìn ra ngoài ô cửa sổ. Anh nhìn ông già rồi nhìn đám mây trắng lững lờ trôi như những hoài niệm cũ.

Anh chẳng rõ thời gian trôi qua trong bao lâu cho đến khi nghe tiếng gió đập mạnh vào khung cửa sổ như tiếng những mảnh vỡ. Cửa sổ nhà bên vội khép. Nắng rủ mây trốn mất. Trời sắp đổ mưa dông.

Những cơn mưa thường đến đi bất chợt ở thành phố này. Nhanh thôi, mưa sẽ dội xuống những tòa cao ốc trong thành phố như những thác nước. Anh thích khoảng hoàng hôn sau mưa, cả bầu trời sẽ bừng lên thứ ánh sáng lấp lánh đầy nuối tiếc.

Có lần, anh đứng cùng D trên hành lang giảng đường mải mê nhìn sự lấp lánh ấy. Khi đó, cả hai đang là sinh viên năm cuối. D rất thích nghe bản nhạc “Song from a secret garden”.

Khi bản nhạc cất lên, D ngồi lặng yên, khuôn mặt trầm tư hơi cúi xuống, những ngón tay gầy đan chặt vào nhau. “Cậu thấy bản nhạc thế nào?”. “Mình không hiểu về nhạc lắm đâu nhưng nghe âm điệu thật da diết.

Bản nhạc nói về điều gì vậy? “Mình cũng không biết. Chỉ biết âm điệu đó gợi mình nhớ về thuở nhỏ. Một khu vườn bí mật. Mình hay trốn mẹ lủi thủi một mình vun lá khô dưới gốc cây hồng chín mọng những trưa hè…”.

Anh nhìn sang gặp đôi mắt D mênh mang. Thành thật mà nói, nhiều thứ trong trí nhớ anh giờ đây chỉ còn mường tượng mơ hồ hoặc là đã quên. Giống như những hạt bụi trên đường, chỉ cần một cơn mưa rào ngang qua đã gột rửa tẩy trôi mọi thứ từ lúc nào anh không hề hay biết. Nếu không nhìn lại, anh không biết mình vẫn nhớ được rõ ràng những chi tiết như thế. Nhớ cả chiếc áo xanh màu trời hôm ấy D mặc. Một hình dung khá đậm nét.

Tuần trước anh mới gặp lại T trong quán Bụi. T nói nhờ có cơn mưa chiều mới tình cờ gặp lại anh ở đây và biết giữa phố ồn ào có quán yên tĩnh thế. Quán nhỏ. Hương thơm là lạ từ trà bay loanh quanh. Và những chiếc bình gốm giản đơn, màu rêu tàn, được cắm vài nhánh hoa khô dường như chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là để mặt bàn đỡ phần đơn điệu.

Nhiều người đến đây có thể nghĩ Bụi là ý tưởng của một ông chủ không mấy sành sỏi về gốm sứ, sắc màu. Nhưng anh lại thấy mọi thứ ở Bụi gợi lên cảm giác lạ lẫm. Một nét buồn rất xưa. Ngay cả cái tên Bụi cũng làm anh thắc mắc.

“Tớ nhận ra P ngay dù P khác thời sinh viên khá nhiều”. “Ừ, mười hai năm rồi, T”. “Lần cuối cùng tụi mình gặp nhau ở buổi liên hoan chia tay lớp phải không? Lúc chụp hình P chạy đi đâu, không thấy P trong hình kỷ niệm lớp?”. “Có chuyện đó à. Mình đi đâu được nhỉ? Giờ ký ức như cái kho lộn xộn mình chẳng thể nào nhớ ra…”.

“Ừ. Công việc P thế nào?”. “Cũng bình thường lo kiếm sống thôi T”. “Mình thì từ lúc ra trường làm vài việc nhưng chẳng có cái nào liên quan đến ngành học. Sau lấy chồng thì nghỉ mở một tiệm hoa trên phố. Từ tiệm hoa nhỏ mở thêm hai tiệm khác.

Mà này P có gặp lại ai lớp mình không? Mình nghe nói K giờ thành đạt lắm có vị trí cao trong một tập đoàn lớn. S đi nước ngoài, cả gia đình định cư bên đó rồi…”. “Vậy à. Mình không gặp ai cả”. “Lớp mình ở lại thành phố cũng nhiều mà chẳng gặp được nhau nhỉ. Cỏ vẻ ai cũng bận rộn hay sao ấy. D thì sao, P cũng không gặp à? Năm cuối thấy hai bạn hay đi cùng nhau tụi mình có chút tò mò đấy.

Hồi đó P lúc nào cũng mặc quần áo rộng thùng thình nhỉ. Trông rất bụi. Và luôn có vẻ gì khó gần, xa cách lắm. Thật đó. Mấy năm học mà mình chỉ nói chuyện với P vài lần. Nhớ nhất lần P giữ hộ chỗ ngồi cho mình trên thư viện.

Ngày đó vui thật. Lũ học trò lười biếng đợi thầy điểm danh xong là tìm cách trốn học nhưng cứ đến gần ngày thi thì thư viện đông hơn trẩy hội”. “Có chuyện đó à. Chuyện giữ chỗ trên thư viện ấy. Quả thực, trí nhớ mình đã xuống cấp quá. Nhưng mình nhớ chuyện nói với T trong quán cơm bà Béo về món canh “đại dương” chỉ lõng bõng có nước và lá me chua”.

“Tụi mình lũ sinh viên quê nghèo thấy món canh đó cũng ngon. Bà Béo nghỉ bán cơm lâu rồi. Bữa mình có việc chạy qua khu đó, khác lắm. Mấy năm ăn cơm bà nấu mà chẳng biết tên. Gặp lại P mình rất vui. Giờ mình phải về đón lũ trẻ tan học rồi. Hẹn gặp P bữa khác nhé”.

Bóng T khuất dần sau những bậc cầu thang gỗ. Anh vươn tay ra ngoài ban công nắm lấy mấy chiếc lá sao vừa rụng. Những chiếc lá vẫn xanh khỏe khoắn, chắc hẳn cơn gió mạnh vừa nãy đã cuốn chúng lìa cành. Anh ngồi chắp nối lại từng mảnh ký ức rời rạc. Không có ký ức nào nguyên vẹn. Tất cả đã nhòe lẫn vào nhau.

Cuối cùng sau mười hai năm và một cuộc gặp chỉ cho anh biết chút ít nhận định của người khác về mình. Có thể hồi đó anh có cái vẻ bụi, buồn và khó gần thật. Nhiều chuyện đã xảy ra… Giữa tập thể hơn sáu mươi con người ấy, anh thấy mình có phần chìm đi và lạc lõng. T rời đi rồi anh mới nhớ cả hai chưa hề hỏi số điện thoại, cũng như địa chỉ nhà nhau…

Anh tựa lưng xuống chiếc ghế sofa màu mận rất mềm và êm. Ngoài trời vẫn đang mưa. Những giọt nước mưa rỉ xuống gờ ô cửa sổ. Anh chăm chú nhìn những chú cá vàng sặc sỡ màu sắc đang bơi tung tăng trong bể.

Chúng ve vẩy cái đuôi nhỏ. Chúng lượn lờ xoay vòng giữa đám rong tảo. Mấy thứ đồ chơi be bé và chiếc máy lọc nhả ra những bọt bong bóng đủ khuấy động khiến chúng thích thú vây quanh. Chắc chúng không biết đâu là cái bể, cái ao, hay hồ rộng…

Ở đâu thì chúng cũng vui vẻ vậy thôi, phải không? Anh không phải là cá nên làm sao biết được. Nhưng anh có tìm đọc những bài viết về trí nhớ của loài cá vàng. Đầu tiên họ nói với nhau rằng trí nhớ của chúng không lâu hơn 3 giây.

Sau khoa học nói chúng có thể nhớ được nhiều tuần, nhiều tháng hoặc hàng năm nếu những hành động ghi nhớ thường xuyên được lặp lại. Nhưng anh chắc chắn chúng không bao giờ ghi nhớ đủ lâu để hoài niệm. Lúc ngủ hay thức mắt chúng đều mở. Không biết chúng đang bơi trong lúc tỉnh hay chúng nằm mơ mình đang bơi. Và cứ thế chúng trôi đi… trôi đi…

Rời mắt khỏi đám cá, cảm giác mỏi mệt tâm trí dần bắt đầu xâm chiếm anh. Trong cuộc họp buổi sáng, anh đã tranh luận gay gắt với sếp về những lỗi bất ngờ xảy ra trên website. Rõ ràng lỗi không thuộc trách nhiệm của anh.

Anh không còn muốn lặng im và giải quyết mọi vấn đề như đã từng nữa. Có thể ngay sau cuộc tranh luận đó, sếp sẽ quyết định gạt bỏ anh ra khỏi những dự án khác. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng việc anh nhận ra điều gì đó sâu thẳm trong mình cứ dần chìm đi, chìm đi và biến mất…

Tự nhiên lúc này anh muốn nghe lại bản nhạc “Song from a secret garden.” Bản nhạc da diết chạm sâu vào tâm hồn, anh đã cùng D nghe bao lần. D giờ thế nào? Mười hai năm đi qua, D đã trở thành người phụ nữ ngoài ba mươi, đằm thắm?

“Ra trường cậu về quê hay ở lại thành phố?”. “Quê mình chỉ là một làng núi nhỏ bé. Đàn ông ngoài làm nông còn làm nghề đập đá. Đá được chủ thầu khai thác sau đó đổ về cho người làm thuê. Họ đập những tảng đá to bán cho công trình xây dựng và làm các đồ thủ công mỹ nghệ từ đá.

Có khi trong giấc mơ mình cũng nghe thấy tiếng búa đập chát chúa từ sáng sớm tới tối giữa cái nắng gay gắt. Lớp lớp bụi đá nhuộm trắng những bàn tay chai sần thô ráp, nhuộm trắng những con đường, những ước mơ con trẻ… Cậu thì sao?”. “Mình sẽ về quê. Mình thích những khu vườn như khu vườn của mình thuở nhỏ. Ở đây mình sẽ chẳng bao giờ có những khoảng trời xanh như thế”.

D nói đúng. Thành phố thì ngày càng nhiều bụi và những ồn ào. Thành phố đan chật những tòa nhà cao tầng và mọi người trốn mình vào trong đó như vỏ ốc… D mở một quán cà phê nhỏ ở quê tên Lữ Quán.

Lữ Quán ngập tràn sắc hoa cùng những chiếc rèm cửa xanh suốt bốn mùa. Mùa này, những đóa hải đường hẳn đã trổ bông rực rỡ. Lữ Quán vài lần xuất hiện trên trang cá nhân của D với cỏ hoa, không có bất kỳ thông tin nào về đời sống cá nhân được D chia sẻ. D vẫn vậy. Kín đáo và trầm lặng.

Ngày ấy, anh luôn cảm thấy D đối xử với anh như một người đặc biệt mỗi lần D nán lại bên ngồi nghe anh kể chuyện, những chuyện mà giờ nghĩ lại anh không thấy có gì quan trọng. Nhưng chỉ vậy thôi. Cũng có lần D xuất hiện trong giấc mơ không đầu không cuối của anh, bước ra khỏi giấc mơ chỉ còn lại những dư âm nuối tiếc…

Mưa dần tạnh, anh đứng lên bước ra khỏi quán. Không khí ngoài trời sau mưa dịu mát hẳn. Nước mưa cuốn rác trên lòng đường đổ tràn về các nắp cống. Kẹt xe. Tắc đường. Những tiếng còi xe inh ỏi đập vào màng nhĩ, rung lên trong hốc tai anh.

Anh tiếp tục đi bộ đến ngã tư đèn đỏ thấy một người đàn ông mù đứng thổi sáo, cậu con trai nhỏ bước chậm cầm rổ hàng trên tay với tăm bông, kẹo cao su, móc chìa khóa… mời chào từng người.

Anh cố đón nghe tiếng sáo nhưng tiếng sáo mỏng mảnh dần chìm trong biển âm thanh huyên náo như những số phận nhỏ bé lặng lẽ trôi bên lề cuộc sống… Anh châm điếu thuốc, rít hai hơi liên tiếp rồi nhả khói lên trời.

Anh dụi điếu thuốc đang cháy dở xuống dưới mũi giày. Anh muốn đi nhanh tới tòa cao ốc phía trước mặt, ở trên cao đó, biết đâu anh sẽ gặp hoàng hôn sau mưa, cả bầu trời bừng lên ánh sáng lấp lánh nhiều nuối tiếc…

 

Theo NGÔ NGỌC HẠNH VY (QNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.