Hỏa xa từ A đến Z: 'Góc khuất' nghề tuần đường, gác chắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đồng hành cả ngày lẫn đêm cùng nhân viên tuần đường, gác chắn tàu, chúng tôi có cái nhìn cận cảnh và biết thêm những “góc khuất” nghề nghiệp của họ.

Nếu chỉ nhìn bàng quan, hời hợt về công việc tuần đường, gác chắn thì rất có thể nhiều người tặc lưỡi nói gác chắn chỉ cần đóng mở barie khi tàu đến tàu đi, tuần đường tàu giống như đi bộ tập thể dục tiện thể siết mấy con bù lon. Nhưng khi chúng tôi đồng hành với nhân viên tuần đường, gác chắn thì mới vỡ ra nhiều chuyện.

 

 Anh Phan Văn Chiến nghiến răng siết bù lông trên đường ray. Ảnh: Quang Viên
Anh Phan Văn Chiến nghiến răng siết bù lông trên đường ray. Ảnh: Quang Viên


Theo chân “bác sĩ khám đường ray”

Có người ví nhân viên tuần đường là “bác sĩ khám đường ray”. 14 giờ, trời còn nắng như đổ lửa, anh nhân viên tuần đường tàu Phan Văn Chiến, thuộc tổ tuần đường ga Sài Gòn, đeo bộ đồ nghề lỉnh kỉnh gồm cờ lê, mỏ lết, ốc vít, quả pháo, cờ, đèn, gậy, nhật ký, thẻ... đi “khám đường ray”. Cung đường anh Chiến phải “khám” từ Km 1720 - Km 1726+200 và toàn bộ ghi, đường nhánh, đường đầu máy, đường toa xe thuộc ga Sài Gòn và ga Gò Vấp.

“Tôi đi theo ca. Ca sáng từ 6 - 14 giờ, ca chiều từ 14 - 22 giờ, ca đêm từ 22 - 6 giờ sáng hôm sau. Mỗi ca hành trình đi về khoảng 20 km. Cứ lủi thủi một mình đi tuần đường như thế hơn 25 năm rồi. Nắng mưa, quạnh hiu là chuyện bình thường”, anh Chiến chia sẻ. Bằng con mắt nhà nghề, nhìn đường ray, anh Chiến biết chỗ nào cần siết lại bù lon, thanh tà vẹt nào chưa đảm bảo an toàn, “bệnh” nào chữa được ngay và luôn, “bệnh” nào cần phát tín hiệu “cấp cứu”.

Lần đầu tiên tôi được nghe câu chuyện về nghề và được khám phá “bí mật” gắn với nghề tuần đường. Nhiều điểm trên đoạn đường sắt chạy qua TP.HCM rất bẩn do một số người dân dọc hai bên đường thiếu ý thức phóng uế bừa bãi. Có người vứt rác, thậm chí là xác động vật ngay trên đường sắt.

 


Nhiệm vụ nhân viên tuần đường

Kiểm tra theo dõi, phát hiện kịp thời các hư hỏng, chướng ngại và xử lý bảo đảm an toàn chạy tàu trong phạm vi địa giới được phân công và ghi chép đầy đủ vào sổ tuần tra, báo cáo cấp trên theo quy định. Sửa chữa, giải quyết kịp thời các hư hỏng, chướng ngại nhỏ, tham gia bảo trì cầu, đường, hầm theo phân công. Kịp thời phòng vệ, nhanh chóng thông tin hoặc báo hiệu dừng tàu khi phát hiện hư hỏng, chướng ngại có nguy cơ làm mất an toàn giao thông. Tham gia bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và phương tiện giao thông đường sắt trong phạm vi được phân công.


“Đôi khi mình kiêm luôn việc làm vệ sinh”, anh Chiến nói. Tôi bắt đầu bất an khi đến đoạn đường gần gác chắn đường ngang cổng xe lửa Bà Xếp. Ngay đường ray sát trạm gác chắn này là đống rác to tướng và vài người ở trần, tiều tụy, lở loét ngồi nhìn chòng chọc. Thấy tôi đi qua họ định kéo tay xin thuốc.

“Dân chơi ma túy đó”, anh Chiến thì thầm vào tai tôi. Với người tuần đường này, cái cảnh “xì ke xin thuốc lá”, thậm chí xin tiền giữa ban ngày như vậy đã trở thành bình thường. Đêm xuống, ở đoạn đường sắt khu vực cầu Hang (Q.Gò Vấp) mới làm tôi thật sự ớn lạnh vì có khá nhiều đạo chích tụ tập để “phê” ma túy. Thấy tôi hơi hồi hộp sau khi vọt qua được khu vực đó, anh tuần đường quê Hà Tĩnh này nói vui: “Tôi chộ mấy em họ Mai Thúy (ma túy - PV) này nhiều nên quen luôn rồi. Chứ không chỉ nhà báo mà bất kỳ ai đi qua đây vào ban đêm cũng phải sợ thôi”. Bất giác tôi liên tưởng đến ca 22 - 6 giờ sáng mà nhân viên tuần đường phải đi một mình. Không chỉ quạnh hiu mà bao nhiêu bất trắc trên đường có thể đến với họ.

 

Nhân viên gác chắn đường ngang
Nhân viên gác chắn đường ngang.


Tôi lên ga Bình Triệu đồng hành với “bác sĩ” khám đường tàu Phan Đình Dũng trên cung đường dài khoảng 9 km. Hôm nay anh Dũng vào ca 3 từ 22 - 6 giờ sáng hôm sau và công việc cũng không khác gì anh Chiến. Cầm chiếc đèn, người tuần đường có thâm niên 24 năm vừa bước vừa soi đường ray. Anh Dũng tâm sự: “Làm ca đêm ai yếu bóng vía thì thua. Có thể đụng rắn rết, ống tiêm còn nguyên kim. Cũng có khi gặp người say rượu phải đánh thức dậy năn nỉ họ về nhà. Còn đụng kẻ chán sống nằm trên đường ray chờ tàu đến rước về thế giới bên kia thì mình phải khuyên bảo…”.

Đêm chớm đông mà Sài Gòn vẫn nóng ran nên khi miệt mài cuốc bộ chân thấp chân cao trên đường tàu vẫn làm tôi toát mồ hôi. Nhưng đối với anh Dũng thì hôm nay trời quá đẹp vì không mưa. Anh Dũng nói đã làm cái nghề này thì phải chấp nhận đội nắng, đội mưa.

Hỏi có sợ gì khi tuần tàu xuyên đêm một mình như thế này không, anh Dũng chia sẻ: “Sợ nhất là rắn rết, hoặc đâm phải kim tiêm”. Nhưng điều mà các nhân viên tuần đường sắt lo lắng là bệnh nghề nghiệp do việc đi bộ với nhịp điệu không bình thường trên đường ray và thao tác làm việc dễ ảnh hưởng đến xương khớp. Và cuối cùng là vấn đề thu nhập. “Lương hơn 5 triệu đồng/tháng, còn thua cả công nhân may mặc thì sống làm sao”, anh Dũng trải lòng.


 

Anh Phan Đình Dũng tuần đường tàu ca đêm
Anh Phan Đình Dũng tuần đường tàu ca đêm


Nỗi lòng gác chắn đường tàu

Khác với tuần đường, nhân viên gác chắn đường sắt đóng chốt tại khu vực cố định. Thoạt trông, công việc đóng, mở barie khi tàu qua đường ngang ai cũng làm được. Nhưng nhân viên gác chắn có những nỗi niềm, vất vả riêng mà ai trong nghề mới tỏ.

Nữ nhân viên gác chắn khu vực 2 thuộc Công ty quản lý đường sắt Hà Ninh (Nam Định) Lê Thị Thanh Bình tâm sự: “Không ít chuyến tàu hàng chạy chậm đến 20 phút mà chúng tôi phải đứng ngoài trời nắng lên đến bốn mấy độ, hoặc đêm rét dưới 10 độ. Rồi những khi mưa bão cứ lo giàn chắn bị đổ. Vào dịp gần tết, trời thì lạnh buốt mà chúng tôi một đêm phải trực chắn hơn 20 chuyến tàu. Đến gần sáng người mệt phờ, chân mỏi không bước nổi, muốn gục xuống bàn. Thế nhưng, mình không thể chậm một li”.

Chị Bình cũng có kỷ niệm không thể nào quên. Đó là một lần khi vừa đóng chắn xong, nhìn phía trước cách 100 m có cụ ông hơn 80 tuổi thủng thẳng bước qua đường ray trong khi tàu đang lao tới. “Tôi thổi còi liên hồi mà cụ không nghe thấy nên phải phải giơ tín hiệu cho lái tàu. Thấy tín hiệu khẩn cấp, lái tàu giảm tốc độ từ xa, cụ ông cũng thoát chết. Trời ơi, tôi thở phào”, chị Bình bồi hồi kể lại.

Tại điểm gác chắn giáp ranh giữa Bình Dương và Đồng Nai, tôi gặp nhân viên gác chắn tên Huyên. Anh bảo: “Nghề gác chắn áp lực cả ngày lẫn đêm. Ai cũng mắc bệnh mất ngủ. Nhiều người lưu thông vào ban đêm rất chủ quan nên phóng nhanh vượt ẩu qua đường ngang. Nếu gác chắn lơ là, tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào”.

Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian “trực chiến” tại gác chắn cổng xe lửa Bà Xếp gần ga Sài Gòn. Căn phòng chật hẹp, nóng bức, lại còn bị “xông hơi” bằng đống rác ngay phía sau là chốt trực của 3 chàng trai trẻ gồm Phát, Quyết, Tình trong đội gác chắn. Cứ chốc lát tiếng chuông réo ầm ĩ báo hiệu tàu sắp đến, ngay lập tức 3 chàng trai chạy ra kéo barie ngăn người đi đường.

“Đôi khi đã đóng chắn vẫn có người cố tình vượt qua. Có người còn hung dữ đòi đánh nữa đó. Bọn em xử lý mấy ca này rất mệt”, Bùi Đình Quyết, trưởng kíp gác chắn, tâm tình. Một số nhân viên gác chắn cho biết thêm: Khi xảy ra sự cố giao thông ở chốt gác chắn như xe máy giữa đường ray thì rất vất vả. Khi đó, nhân viên gác chắn phải lập tức điện báo chỉ huy và cầm cờ đen hoặc chạy ngược về hướng tàu để “bắt tàu”. Trong khi đó, nhân viên gác chắn ở những điểm đen tai nạn luôn bị áp lực đè nặng. (còn tiếp)

 

Theo QUANG VIÊN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null