Họ tộc "kình ngư"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở Quảng Trị, nếu nhắc đến cảng cá và làng chài lớn nhất thì đó chắc chắn phải là thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh). Và ở thị trấn cửa biển này, không họ tộc nào "hùng mạnh" bằng họ Bùi Đình, khi hàng trăm con em đang dong thuyền lớn nhắm hướng ngư trường Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ...

Giỗ tộc ngang với... hội làng

Về Cửa Việt những ngày đầu năm mới thật thích, chẳng ai buồn nhắc đến câu chuyện hậu quả của sự cố môi trường biển nữa. Đàn ông trong nhà hoặc đã ra khơi hoặc đang hăm hở sửa soạn cho chuyến biển đầu năm. Đàn bà, trẻ nhỏ cũng xắn tay chạy chợ, làm nước mắm hoặc hấp cá khô... Không khí làm việc vừa tất bật, vừa vui tươi đến lạ.

 

Ông Bùi Đình Sành, tổ trưởng tổ tự quản tàu thuyền KP.5 (TT.Cửa Việt), người được mệnh danh là cái “đài” ở thị trấn Cửa Việt.
Ông Bùi Đình Sành, tổ trưởng tổ tự quản tàu thuyền KP.5 (TT.Cửa Việt), người được mệnh danh là cái “đài” ở thị trấn Cửa Việt.

Trong cái nắng cuối tháng giêng vàng óng ánh, ông Bùi Đình Sành vỗ đùi tỏ vẻ khoái chí khi khách lạ dọ hỏi về dòng họ "hùng mạnh" Bùi Đình. Ông Sành được mệnh danh là cái “đài” ở Cửa Việt vì có công ghi nhận và liên kết các ngư phủ, đang làm tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền KP.5, TT.Cửa Việt. “Chú hỏi đúng chuyện rồi. Tính sơ sơ, họ Bùi Đình của tôi hiện nay đang làm chủ của chừng hơn 30 chiếc thuyền đánh bắt xa bờ. Nhất Quảng Trị luôn, chứ đâu phải chỉ nhất ở Cửa Việt này”, ông quả quyết.

Miên man một hồi về cụ tổ từ đời nhà Mạc, ông Sành cho hay từ làng cái (làng mẹ, nay thuộc thôn 4, xã Gio Hải, H.Gio Linh), có 4 họ lớn là Trần, Hồ, Bùi, Nguyễn di chuyển về sống sát cửa sông ở Cửa Việt cả trăm năm nay. Trong khi nhiều họ khác “rẽ” theo nghề khác thì họ Bùi vẫn bám trụ với lưới chài. Riêng tộc họ Bùi Đình nổi lên như một tộc họ hùng mạnh chuyên đánh cá ở khơi xa…

Theo ông Bùi Đình Hiệp, Trưởng tộc Bùi Đình, có chừng 500 hộ trong tộc đang ở địa phương và hầu hết mưu sinh bằng nghề chài lưới. “Rằm tháng 7 hằng năm là ngày giỗ tổ của tộc họ chúng tôi, cháu con đứng chen chúc nhau, nhà thờ tổ chứa không nổi. Nhiều đứa đi biển giã, ăn nên làm ra, dâng lễ vật linh đình tạ tổ tiên. Ngày giỗ tộc cũng chẳng kém... hội làng là mấy”, ông Hiệp tự hào nói.

Ông Hiệp mượn hình ảnh của một mạch ngầm chảy mãi để lý giải nguyên do họ tộc mình gắn bó với biển dã rồi phất liên với nghề đánh bắt xa bờ. “Hay lam chăm làm, cần cù mà nên. Cha dạy dỗ cho con, anh bày vẽ cho em... nên phàm là người họ Bùi Đình thì phải cứ cố sắm tàu xa bờ, làm ăn lớn, đi khơi xa. Kiểu như đã là dân miền biển thì phải... biết bơi vậy”.

Gia đình tàu “khủng”

 

Thuyền trưởng Bùi Đình Mười theo đuổi giấc mơ chinh phục biển từ nhỏ.
Thuyền trưởng Bùi Đình Mười theo đuổi giấc mơ chinh phục biển từ nhỏ.

Để làm nên tộc Bùi Đình hùng mạnh, nhất thiết trong tộc cần những gia đình hùng mạnh, mà 2 đại gia đình của các ông Bùi Đình Chình và Bùi Đình Chính là điển hình.

Ông Chình năm nay đã 82 tuổi, thuộc thế hệ bô lão của họ Bùi Đình còn sống. Trong 6 người con trai, chỉ có 2 anh Bùi Đình Nam và Bùi Đình Cam chung nhau 1 con tàu, còn lại ai cũng có tàu riêng, chiếc nào chiếc nấy trị giá vài tỉ bạc. Lần giở dòng ký ức cũ, ông Chình kể: “Là con một nên lớp 4 tôi đã phải chèo xuồng đi đánh bắt ven bờ. Năm 1960, cào cấu đủ kiểu và đi vay nóng bên ngoài 2 chỉ vàng tôi mới mời thợ về đóng được chiếc tàu be bé, chỉ quanh quẩn từ ngư trường Cồn Cỏ trở vào… Có ai ngờ nay tôi lập "kỷ lục" khi 6 đứa con làm chủ đến 5 chiếc tàu cá xa bờ”. Con cái làm ăn khấm khá, sở hữu tàu “khủng” phần nhiều do ông dạy dỗ nghiêm khắc từ nhỏ. “Tôi đi biển đến gần 70 tuổi mới nghỉ. Tôi nghỉ không phải vì sức yếu, mà do con cái không cho đi nữa. Hồi xưa, tính tôi nóng lắm, đứa nào nói không nghe tôi… xô xuống biển, khi hết giận mới vòng lại vớt lên. Tôi luôn dạy chúng rằng “cơm một rá, cá một thì”, mần nghề biển phải nhanh. Ăn với sóng, nói với gió thì không lang thang, không chơi nhởi được”, ông nói cứng.

Chị Lê Thị Mai, con dâu ông Chình, cũng bảo đi biển mà có eng tam (anh em) thì còn gì bằng. “Anh em đi kèm nhau, có sự cố thì kịp thời hỗ trợ, gặp đàn cá lớn thì vây lại cùng đánh bắt, lọt sàng cũng xuống nia. Giống như hôm qua đây thôi, chuyến biển đầu năm, cả 5 tàu cùng nổ máy đi ra cửa thật oai vệ...”, chị Mai tấm tắc.

Dù “thua” gia đình ông Chình về “số lượng con cái”, nhưng cả 3 con trai ông Bùi Đình Chính - một gia đình hùng mạnh khác cùng họ - cũng được xếp vào hàng “sát ngư” và là thuyền trưởng có tiếng ở cửa biển này. Ngoài con cả Bùi Đình Chiến (43 tuổi) đang sở hữu một chiếc tàu khá lớn, người con thứ Bùi Đình Huệ (40 tuổi) sắp trở thành người sở hữu tàu vỏ thép lớn nhất tỉnh Quảng Trị được đóng bằng vốn vay Nghị định 67. Riêng con trai út Bùi Đình Mười (30 tuổi) từng là thuyền trưởng trẻ nhất tỉnh Quảng Trị cầm chịch những chuyến biển Hoàng Sa bằng tàu riêng của mình, từ khi mới 25 tuổi.

Trò chuyện chớp nhoáng với tôi ngay tại cầu cảng trước khi nổ máy vươn khơi, giọng của thuyền trưởng Bùi Đình Mười đầy nội lực: “Dòng máu của họ Bùi Đình chảy trong huyết quản, lớn lên tôi đã sớm muốn lao ra biển để đánh bắt cá tôm như bao bậc cha chú mình. Trúng mẻ lưới này to, tôi lại sẽ mơ trúng thêm những luồng cá lớn khác... Mỗi chuyến biển với tôi mang theo sự hưng phấn bất tận”.

Viết tiếp giấc mơ chinh phục biển

 

Một góc cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị).
Một góc cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị).

Đi một vòng Cửa Việt, hễ thấy nhà nào to, đẹp thì phần nhiều đó là nhà của họ Bùi Đình, có con cháu làm chủ tàu xa bờ. Nếu căn nhà 2 gác của anh Mười (con ông Chính) trị giá khoảng 1,3 tỉ đồng thì nhà anh Bảo (con ông Chình) cũng đẹp long lanh với chi phí xây dựng gần 2 tỉ. Khi ghé vào nhà ông Chính, tôi mới biết ông đang được 3 con trai “đài thọ” một chuyến đi Thái Lan nghỉ dưỡng.

Những ấm no đó không tự nhiên mà đến. Nói như anh Mười, chuyện biển giã đâu biết trước được điều gì, có chuyến 2 ngày đã trúng 3 tấn cá thu bán được 250 triệu đồng, nhưng cũng có lúc “treo niêu” mà về. Đấy là chưa nói ngoài khơi xa bão tố chức chờ và không ít rủi ro khác. “Bao nhiêu thế hệ dòng họ Bùi Đình chúng tôi đã quăng quật trên biển, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được như ngày hôm nay. Chứ nào phải nhờ ai mang đến dâng tận miệng”, ông Bùi Đình Sành cảm thán.

Nhưng lớp lớp người của họ Bùi Đình vẫn không thôi viết tiếp giấc mơ chinh phục biển. Như anh Bùi Đình Huệ, chiếc tàu vỏ thép “khủng” của anh vừa xuất xưởng, vươn khơi hồi tháng 2 Với chi phí lên tới 20 tỉ đồng, công suất 890CV và chịu được gió cấp 10, đây là chiếc tàu vỏ thép lớn nhất tỉnh Quảng Trị. “Chi phí đóng tàu cũng... lớn đến khủng khiếp. Làm sao tôi không run? Nhưng may có hỗ trợ của Nhà nước nên tôi vững tin hơn”, anh Huệ quệt mồ hôi trán khi đứng bên trong xưởng đóng tàu trò chuyện với khách, vẫn không thôi kỳ vọng con tàu sẽ thành kình ngư mới trên biển.

Lại một mùa biển nữa bắt đầu, hàng chục ngàn con tàu của ngư dân Việt đang vươn khơi. Ở đâu đó ngoài biển Đông, cũng có những người con của dòng họ Bùi Đình đang quăng quật. Họ lo chuyện cơm áo cho gia đình và tự nguyện làm “phên dậu” của đất nước trên biển.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.