Hồ sơ… lột xác: Đổi mặt, đổi đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phẫu thuật thẩm mỹ giúp sửa lỗi của tạo hóa, làm con người tự tin hơn. Tuy nhiên, lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ hoặc lợi dụng nó để hái ra tiền bất chính sẽ gây hệ lụy khó lường.
 
Cao Thị Lan sau phẫu thuật đã kết thúc những ngày tháng u buồn. Ảnh: LAM NGỌC
Cao Thị Lan sau phẫu thuật đã kết thúc những ngày tháng u buồn. Ảnh: LAM NGỌC
“Xấu như Thị Nở, như quỷ Dạ Xoa” là những lời chê bai nặng nề với bất cứ cô gái nào. Vì gương mặt xấu xí mà nhiều cô gái phải tủi hờn, thậm chí còn tìm đến cái chết.
Sống đời Thị Nở, Dạ Xoa
Lan “khỉ đột” là một trong những cái tên rất “hot” trên mạng xã hội thời gian qua bởi sự thay đổi chóng mặt về ngoại hình. Từ một cô gái có gương mặt xấu xí, Lan “khỉ đột” (tên thật là Cao Thị Lan, 24 tuổi, quê H.Yên Thành, Nghệ An) đã “trút lốt” trở nên xinh đẹp và tự tin hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để có được thành quả như hiện tại, Lan từng chết đi sống lại với những khen chê của người đời.
Mẹ bị tâm thần, Lan sinh ra mà không biết cha mình là ai. Nhà nghèo nên 6 tuổi Lan được cậu mình là ông Cao Văn Châu gửi vào làng trẻ SOS (Nghệ An). Do ngoại hình xấu nên cô bị đặt biệt danh “khỉ đột”, bị bạn bè chế giễu, xa lánh, xin việc làm thêm cũng không nơi nào chịu nhận, đến nỗi nhiều lần cô nghĩ đến cái chết. “Nhưng em chết thì mẹ và em của em nương tựa vào ai? Người ta chê mình xấu thì mình đeo khẩu trang thôi”, Lan tâm sự.
Cùng cảnh như Lan, Quách Thị Phượng (23 tuổi, quê H.Đắc R’Lấp, Đắk Nông) có ngoại hình xấu xí đến nỗi ai cũng nói: “Xấu như mày ai mà thèm lấy”. Vì thế cô buộc phải lấy người cô không yêu, chưa từng nói chuyện. Khi về nhà chồng cô mới vỡ lẽ: chồng bị tâm thần. Phượng buông tiếng thở dài: “Họ bảo em là Thị Nở, đâu có quyền kén chọn, có người chịu lấy đã là may”.

Lấy người chồng tâm thần, ăn, ngủ, đi đâu, làm gì cũng phải dỗ, nhiều lúc Phượng thấy mình bi đát hơn Thị Nở bởi tuy xấu nhưng Thị Nở còn được Chí Phèo yêu. Đằng này, chồng cô lúc nào cũng ngây ngô như đứa trẻ.

Cao Thị Lan trước khi phẫu thuật. ẢNH: NVCC
Cao Thị Lan trước khi phẫu thuật. ẢNH: NVCC
Suốt những ngày tháng ở nhà chồng, vì ngoại hình xấu xí Phượng chịu không ít những lời dè bỉu từ hàng xóm khiến cô luôn bị stress. Phượng nhớ mãi một lần được cô em chồng tặng đôi bông tai, cô đeo vào vừa đi ra đường thì có anh hàng xóm hỏi: “Đeo bông tai mới hả? Có soi gương chưa? Có nghe câu “chuột chù đi giữa đồng hoa, tô son trét phấn vẫn ra chuột chù” chưa?”.
Gánh nặng còn đè thêm khi Phượng biết tin mình mang thai. Suốt 9 tháng mang bầu, điều cô lo nhất không phải là con mình có thể bị tâm thần giống ba mà cô sợ con sẽ có ngoại hình xấu xí giống mẹ. Phượng nói: “Bị điên nhưng có gương mặt đẹp dù sao cũng đỡ hơn là có một khuôn mặt ma chê quỷ hờn. Khổ lắm chị ạ”.
Cuộc hôn nhân của Phượng kết thúc sau 3 năm đằng đẵng ở nhà chồng. Đêm mùng 2 tết, bố chồng Phượng nhậu say, nhìn Phượng vẻ khinh bỉ rồi nói với con trai: “Mày bỏ nó đi. Tao lấy cho mày 5 - 7 vợ”. Sự tổn thương đã vượt quá ngưỡng chịu đựng, Phượng bồng con rời khỏi nhà chồng ngay đêm đó.
22 giờ khuya giữa vùng núi Tây nguyên rét mướt không một ánh đèn, Phượng ôm con trên đôi chân trần về nhà mẹ đẻ. Trong đầu cô không ngưng câu hỏi: “Xấu có tội gì? Và làm sao để hết xấu?”.
 
Sau khi phẫu thuật, Quách Thị Phượng đã tìm được hạnh phúc cho mình
Sau khi phẫu thuật, Quách Thị Phượng đã tìm được hạnh phúc cho mình
Tái sinh
Sau khi bị nhà chồng chê bai đến mức phải bỏ về nhà mẹ đẻ, Quách Thị Phượng bắt đầu tìm hiểu các phương pháp làm đẹp. Cả mùa tiêu năm 2018, Phượng làm việc cật lực để kiếm tiền phẫu thuật thẩm mỹ. “Chỉ khi có được gương mặt đẹp hơn thì đời mình mới có cơ hội đổi thay”, Phượng nghĩ.
Cũng từng bị bạn bè bỉ bai bởi hàm răng hô “như bàn nạo dừa”, mẹ Phượng hiểu những đau khổ của con nên thuyết phục chồng gom 120 triệu (số tiền ban đầu) cho con “đại phẫu”: chỉnh hàm hô, cắt mí mắt, sửa lại cấu trúc khuôn mặt...
“Em lên bàn phẫu thuật lúc nửa đêm, tỉnh dậy đã là buổi sáng. Em thấy mặt đau nhức nhưng vẫn cố tìm cái gương để biết chắc mình không còn là Thị Nở của ngày xưa nữa”, cô kể.
Tuy vậy, khuôn mặt băng bó, sưng phù chưa thành hình. Phải hơn tháng sau khuôn mặt của Phượng mới lộ diện. Tấm ảnh chụp trước và sau khi phẫu thuật mà Phượng đưa lên mạng xã hội trở thành một cơn sốt. Số lượng người theo dõi trên Facebook của Phượng tăng từ con số 0 lên đến... hơn 100.000.
Hàng loạt hãng mỹ phẩm, spa, bệnh viện thẩm mỹ chú ý đến Phượng và mời cô về để họ chỉnh sửa những bộ phận còn lại cho thật hoàn hảo... Những tưởng cuộc sống của cô sẽ chỉ quẩn quanh nơi xó rẫy với người chồng điên, nhưng nhờ có một số tiền cộng một chút may mắn và rất nhiều nỗ lực, cuối cùng cô đã “trút lốt”, có cuộc sống tươi sáng hơn.
Sau tất cả, Phượng chọn học về thẩm mỹ để có thể giúp những người chung cảnh ngộ thay đổi bản thân. Trong khi đi học về spa Phượng kiếm tiền bằng cách livestream bán mỹ phẩm.
 
Quách Thị Phượng trước khi phẫu thuật. ẢNH: NVCC
Quách Thị Phượng trước khi phẫu thuật. ẢNH: NVCC
Khác hẳn với hình ảnh cô gái xấu xí tự ti ngày nào, giờ đây Phượng tự tin, cười nhiều hơn, hòa đồng... Cô khoe: “Em đã có nhiều bạn hơn, có những người chị, người em tốt hỗ trợ công việc, có tiền để mua quần áo đẹp cho con và... đã có người theo đuổi”.
Với trường hợp của Lan “khỉ đột”, vì đã chìm trong trạng thái trầm cảm quá lâu, nên khi may mắn trở thành người được chọn phẫu thuật miễn phí của một bệnh viện thẩm mỹ, Lan lúng túng. Hôm đại phẫu đầu tiên cô chỉ khóc, không ngừng run rẩy khiến cả ê kíp bác sĩ tạm gác ca mổ, cử người tư vấn tâm lý cho cô. Sau 6 tiếng phẫu thuật cấy mỡ phẫu thuật hàm mặt, cắt đẩy xương hàm... khuôn mặt Lan đã hoàn toàn thay đổi. Ba tháng sau, chính Lan cũng ngạc nhiên với sự thay đổi trên gương mặt mình. “Tôi không còn là Lan “khỉ đột” của ngày xưa”, cô nói.
Chính người mẹ tâm thần cũng không nhận ra con gái mình khi cô về nhà thăm mẹ sau phẫu thuật. Sau nhờ người thân giải thích mẹ Lan như tỉnh ra. Bà ôm con gái vào lòng rồi khóc như mưa. Lan cũng khóc, cô khóc vì tủi cho phận mình, vì thương mẹ và vì mình vừa trải qua một hành trình chết đi sống lại. Cô khóc để quá khứ trôi qua, để kết thúc những ngày tháng u buồn.
(còn tiếp)
13 lần tự tử
Với bề ngoài “quái tướng”: đầu hói, hàm hô, da đen nhẻm, Trần Thị Thương (29 tuổi, quê Quảng Ninh) bị bạn bè xa lánh, nhiều người gọi cô bằng biệt danh “Dạ Xoa”.
Cú sốc năm lên 9 tuổi đã làm Thương mất hết niềm tin vào người xung quanh và cả người thân. “Lần đó, cả nhà đi ăn đám cưới. Nhìn mọi người chuẩn bị quần áo đẹp đi ăn cưới em cũng háo hức lắm nhưng cuối cùng cả nhà kiên quyết bắt em ở nhà vì sợ tới nơi lạ người khác xì xào vì ngoại hình xấu xí”. Điều đó đã làm tổn thương cô sâu sắc. Ở nhà một mình, Thương lấy gương soi rồi tủi thân khóc, cô đập vỡ gương và lấy mảnh kính cắt tay. Nhờ người họ hàng qua mượn cuốc đi đồng phát hiện nên đưa cô đi cấp cứu kịp thời. Từ đó, Thương thu mình không gặp gỡ người lạ và liên tục nghĩ đến cái chết.
Từ năm 9 - 27 tuổi, cô đã 13 lần tìm đến cái chết vì nghĩ “chết để bắt đầu kiếp khác và kết thúc đau khổ từ ngoại hình xấu xí”.
Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.