"Hiệp sĩ" Ba Lan trên đất Việt-kỳ 1: Xung phong đến Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày 19-3-2017 tròn 20 năm ngày mất của kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowsky (1944-1997, tên gọi thân mật là Kazik) - “hiệp sĩ” của những di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam.

Những câu chuyện 30 năm trước được lần giở sau đây cho chúng ta thấy sự đóng góp to lớn của Kazik như thế nào để trùng tu và giờ đây Mỹ Sơn, Hội An và Huế nổi tiếng khắp thế giới.

Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) giờ thật đẹp, từng đoàn du khách nườm nượp tới đây.

Nhưng những năm sau 1975, Mỹ Sơn vẫn còn giăng giăng bom mìn sót lại của chiến tranh, cuộc sống người dân vẫn còn đói khổ. Và lúc đó, kiến trúc sư Kazik xuất hiện.

 

Kazik bên tháp Chăm ở Mỹ Sơn những năm 1980.
Kazik bên tháp Chăm ở Mỹ Sơn những năm 1980.

Sự lựa chọn số phận

Nhắc đến mối “lương duyên” giữa Kazik và Việt Nam, GS Hoàng Đạo Kính là một trong những người am tường nhất.

Theo ông, lúc bấy giờ Liên hiệp các xí nghiệp phục hồi di tích (PKZ, Bộ Văn hóa và nghệ thuật Ba Lan) có hơn 18.000 chuyên gia, kỹ sư đi trùng tu khắp thế giới.

Khởi đầu công cuộc hợp tác Việt Nam - Ba Lan, giữa năm 1980, nhân chuyến thăm viếng, tìm hiểu về di tích và văn hóa Việt Nam, tiến sĩ Tadeusz Polak - tổng giám đốc PKZ - đã ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam trong việc trùng tu bảo tồn di tích.

Polak đã mang một khối gạch Chăm về Ba Lan làm thí nghiệm về công nghệ kết dính trong kỹ thuật xây dựng tháp Chăm và trở thành đơn vị đầu tiên thực hiện công việc này bằng phương pháp hiện đại nhất lúc đó.

Cuối năm 1980, một phái đoàn của Việt Nam sang Ba Lan để cụ thể hóa hợp tác hai bên.

GS Kính khi ấy là giám đốc Xưởng bảo quản tu bổ di tích T.Ư (Bộ Văn hóa) đã cùng TS Polak ký văn bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng.

Trong các điều khoản ký kết có việc thành lập một tiểu ban hợp tác Ba Lan - Việt Nam về trùng tu và khôi phục di tích Chăm, địa đạo Củ Chi.

Các chuyên gia Ba Lan sang làm việc, giúp trang thiết bị trùng tu ở Việt Nam hằng năm, Ba Lan trả lương, lo vé máy bay; Việt Nam lo phần chuyên gia Ba Lan nơi làm việc và điều kiện ăn ở.

TS Polak đã thông tin cho 18 đơn vị trực thuộc của mình rằng ai xung phong làm trưởng đoàn chuyên gia của phía Ba Lan.

Kiến trúc sư Kazik thuộc Xí nghiệp trùng tu di tích thành phố Lublin đã xung phong lên đường, năm đó ông mới 37 tuổi.

Ông Phùng Phu - nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - nhớ lại: “Kazik lúc ấy đang thực hiện một dự án trùng tu tại Pháp với mức lương gần 3.000 USD, rất cao lúc ấy, nhưng ông đã từ giã để tự nguyện lên đường sang Việt Nam, trong một tiên liệu sẽ rất khó khăn. Tôi cho đó là sự lựa chọn số phận”.

Kazik đến Việt Nam giữa năm 1981 trên cương vị là trưởng đoàn Ba Lan và trưởng tiểu ban hợp tác Ba Lan - Việt Nam.

Sống đời nông dân

Nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Hải Học cho biết sau khi nhìn nhận những giá trị ở Mỹ Sơn, chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đức Nam lúc đó luôn thúc giục phải tìm mọi cách để cứu vãn Mỹ Sơn.

Những cán bộ bảo tàng, trùng tu, nghiên cứu lịch sử Champa được huy động cấp tốc vào Mỹ Sơn để phát quang, dọn dẹp cây cối.

Trước khi đón đoàn chuyên gia Ba Lan, một cuộc dọn dẹp bom mìn vô cùng chông gai, chết chóc đã được thực hiện.

Ông Huỳnh Tiến Năm - nguyên xã đội trưởng xã đội Duy Tân (Duy Xuyên, Quảng Nam) - giờ phải đeo cặp kính dày cộp trên đôi mắt bị tổn thương nặng khi bom nổ trong lúc rà phá bom mìn ở Mỹ Sơn. “Mỹ Sơn lúc đó nổi tiếng không phải di sản văn hóa Chăm mà là bom mìn”, ông nói.

Tháng 9-1981, Mỹ Sơn đón Kazik bằng “đặc sản” khí hậu khắc nghiệt ngày nóng hầm hập, đêm lạnh tê người. Những trận mưa rừng khiến nước Khe Thẻ dâng cao đã cô lập Mỹ Sơn với bên ngoài.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Nam - cùng nhà nghiên cứu Trần Phương Kỳ được cử vào tiền trạm Mỹ Sơn để đón chuyên gia Ba Lan.

“Tụi tôi thầm nghĩ ông ấy vào khảo sát, kiểm tra rồi về nghỉ khách sạn sang trọng nhất ở Đà Nẵng chứ. Nào ngờ, ông ấy đề nghị làm lán trại ở lại khu đền tháp cùng công nhân”, ông Hỷ kể.

 

Một con người đặc biệt
 
Hình ảnh mặc quần đùi, ở trần quen thuộc của Kazik trong cái nắng gắt của miền Trung bên các tháp Chăm những ngày đó.
Hình ảnh mặc quần đùi, ở trần quen thuộc của Kazik trong cái nắng gắt của miền Trung bên các tháp Chăm những ngày đó.
Chiều 17-3, tại quảng trường Sông Hoài (TP. Hội An, Quảng Nam), UBND TP Hội An phối hợp với Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố kiến trúc sư Kazik.

Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, chia sẻ buổi lễ là dịp để chính quyền, nhân dân Hội An tưởng niệm và tri ân kiến trúc sư Kazik - người đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị cổ Hội An.

“Ngoài buổi lễ tưởng nhớ, tại TP Hội An cũng sẽ diễn ra hàng loạt các hoạt động nhằm kỷ niệm ngày mất của kiến trúc sư Kazik như: phát hành ấn phẩm Kazimierz Kwiatkowsky - Hồi ức một con người đặc biệt, dâng hương tại công viên Kazik (đường Trần Phú), trưng bày ảnh về quá trình công tác của Kazik tại Hội An và di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn...”, ông Trung cho biết.

Theo ông Hồ Hải Học, sở có ý định bố trí Kazik ở khách sạn, bởi ông là chuyên gia người nước ngoài, điều kiện ăn ở khác với ta. Nhưng thật xúc động, Kazik nằng nặc đòi dựng cái sạp trong lều ở gần tháp để tiện cho công việc.

Các công nhân được huy động đi đốn gỗ rừng, tre làm lán cho Kazik ngủ. Giường được đóng xong, nhưng “sáng hôm sau Kazik nói cả đêm không ngủ được vì lán quá ngắn mà chân ông thừa cả khúc ra ngoài làm mồi cho muỗi. Nghe vậy chúng tôi thấy mình thật có lỗi với ông.

Nhưng Kazik gạt đi: “Nhờ không ngủ được mà tôi có một đêm trọn vẹn ngắm Mỹ Sơn dưới ánh trăng thật tuyệt”. Có thể sau đêm đó, tháp cổ Mỹ Sơn đã chiếm trọn tình yêu ông ấy”, ông Học hồi tưởng.

Một cái lán nhỏ bên ngôi tháp D2 là chỗ ăn, ở và làm việc của Kazik. Mỹ Sơn ban ngày nắng như thiêu đốt, Kazik mặc chiếc quần soóc, ở trần và làm việc quần quật.

“Khi nào cũng thấy Kazik cặm cụi ghi chép, vẽ, đo đạc với công nhân. Trưa ông tham gia đi hốt lá khô về để đến đêm đốt lửa, xua cái lạnh ở thung lũng Mỹ Sơn.

Kazik sống như một người địa phương thực thụ, ngủ giữa lòng tháp biết bao nguy hiểm rình rập với sự thiết tha cứu lấy những ngôi tháp cổ”, ông Hỷ nhớ lại.

GS Hoàng Đạo Kính cho biết thêm từ năm 1981 - 1987, Ba Lan cử gần 20 chuyên gia luân phiên sang Việt Nam, có những chuyên gia sang 4-5 lần, có người sang 1-2 mùa.

Nhiều chuyên gia không chịu nổi sự khắc nghiệt ở Mỹ Sơn nên chỉ làm việc ở đây 1-2 mùa rồi đi nơi khác. Riêng Kazik ở lại lâu dài chung thủy nhất ở Mỹ Sơn, lên đến mười mấy năm.

“Hồi đó Kazik về Ba Lan mới phát hiện trong nách và trong bộ phận kín có con ve chui vào. Chúng tôi phải mách ông lấy dầu bôi vào để ve thấy cay, chui ra. Ông phải sống trong điều kiện như thế đó” - GS Kính cho hay.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.