Hết tết, hoa lê vào mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tết vừa qua, đào mãn khai, cũng là lúc hoa lê từ rừng kéo về phố, đáp ứng nhu cầu chơi hoa sau tết của người Hà Nội.

 

Chợ hoa lê thưa vắng khách so với những năm trước do dịch Covid-19 - Ảnh: Lam Phong
Chợ hoa lê thưa vắng khách so với những năm trước do dịch Covid-19 - Ảnh: Lam Phong


Sau tết, chỉ qua đến mùng 3, hoa đào nở hết, những cành đào rác ngập khắp phố phường. Đây cũng là thời điểm hoa lê trên các vùng núi như Lào Cai, Lai Châu... vào mùa, khởi phát thú chơi hoa lê rộ lên trong quãng 3 năm trở lại đây ở thị trường Hà Nội.

Thú chơi hoa lê

So với đào, hoa lê có phần đơn điệu khi cánh chỉ độc sắc trắng, trong khi đào có đào phai, đào bích, đào thất thốn, đào rừng..., mỗi loại một vẻ đẹp khác biệt ngay trong sắc màu của cánh hoa. Người chơi hoa đào chú trọng nhiều vào chất - lượng - sắc của hoa rồi mới đến cây, cành, dáng thế. Người chơi hoa lê ưu tiên về dáng thế của cây hơn, còn hoa được xếp vào hàng thứ.

 

Vẻ đẹp tinh khiết của hoa lê được nhiều người ưa chuộng - Ảnh: Lam Phong
Vẻ đẹp tinh khiết của hoa lê được nhiều người ưa chuộng - Ảnh: Lam Phong


Hoa lê, với người miền cao Đông - Tây Bắc, cũng là loài hoa của mùa xuân, được ví là bông tuyết của núi rừng bởi màu trắng tinh khiết độc đáo của nó. Nguyễn Thương Hiền, chủ shop hoa tươi trên đường Trường Chinh, cũng là người chuộng cắm hoa lê ngày tết, chia sẻ: “Cụ Nguyễn Du tả: Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, chỉ nhiêu đó thôi cũng đã thấy không khí xuân rộn ràng rồi. Từ khi Hà Nội có bán hoa lê sau tết, năm nào tôi cũng tìm chọn một cành ưng ý để về chơi. Ưu điểm của hoa lê là “bền” hơn so với đào, thường phải từ hai tuần cho đến cả tháng sau. Hoa tàn rồi vẫn tiếp tục cắm để chơi theo cành, chơi lộc”.

Nhờ đặc tính của hoa lê, với xù xì, rêu mốc, từ thân gốc cho đến các chi - nhánh, khiến những cành lê chừng độ 2 - 3 năm tuổi, thân to bằng cổ tay hoặc hơn, nhưng trông già nua, không khác gì một cây rừng đại thụ. Trên cái cổ quái, rêu phong ấy, nổi lên những chùm hoa 5 cánh, trắng muốt. Mỗi mắt lá, đốt thân, nảy ra một chùm, đếm trên đó có khi lên đến cả chục bông, nở chen nhau, khoe sắc trắng thật dịu đẹp. Vẻ đẹp hoang dã, nguyên sơ ấy khiến người chơi hoa mê mẩn, hoa lê dần được thị trường đón nhận, bởi vừa có thể chơi được dáng thế của cây cành, cộng thêm độ tương phản cổ quái với vẻ đẹp tinh khiết của hoa, đó cũng là một lý do khác để người chơi hoa lựa chọn.

Tâm đắc với cành hoa lê vừa mua được chỉ với giá 200.000 đồng từ chợ hoa Quảng An, chị Thu Nguyệt, cư dân khu Royal City, cho biết: “Hoa lê dễ trang trí, cắm vào các loại bình hay bày góc nào trong nhà cũng hợp. Năm nay hoa lê cành to giá tương đối mềm, tầm 3 triệu đồng đổ lại là có một cành đẹp lắm rồi. Những cành nhỏ, cao chừng 1 m nhánh nhiều, dao động từ 300.000 - 500.000 đồng chưa trả giá”.

 

 Góc bày bán hoa lê trên vỉa hè đường Nghi Tàm chiều mùng 6 tết - Ảnh: Lam Phong
Góc bày bán hoa lê trên vỉa hè đường Nghi Tàm chiều mùng 6 tết - Ảnh: Lam Phong



Nghe ngóng thị trường

Từ mùng 4 tết, thương lái chợ hoa Quảng An bắt đầu chuyển hoa lê về bày dọc vỉa hè quanh khu chợ để phục vụ người chơi. So với các năm trước, lượng hoa năm nay đổ về khá dè dặt, chưa bằng 1/3 so với năm ngoái. Vừa xuống hơn chục cành hoa lê từ Mộc Châu về trên chuyến xe tải chiều muộn mùng 6 tết, lái xe Đỗ Hữu Thiện bảo: “Năm nay Covid-19 nên đi lại cũng khó khăn, khách mua không nhiều nên từ sau tết giờ em mới chuyển được 2 chuyến, như năm trước thì phải được 4 - 5 chuyến mà không có đủ bán. Năm nay, đúng đợt bán thì nghe đóng cửa hàng quán vỉa hè, sợ ảnh hưởng dịch bệnh, bọn em lấy hàng về cũng cầm chừng thôi”.

 

 Hoa lê tỉa nhánh được thương lái tận dụng cắm bình, bán với giá rẻ - Ảnh: Lam Phong
Hoa lê tỉa nhánh được thương lái tận dụng cắm bình, bán với giá rẻ - Ảnh: Lam Phong


Các dịch vụ ăn theo thú chơi hoa lê cũng giảm hẳn, nhất là đội quân giao hàng. Do hạn chế tụ tập đông người, khu vực bán hoa lê ở chợ đầu mối Quảng An những ngày mùng 4, 5, 6 tết, không khí khá trầm lắng. Tài xế GrabBike Đức Hùng vừa nhận đơn hàng vận chuyển cành hoa lê có giá bán 2,5 triệu đồng về tòa nhà SME ở Hà Đông, nói về nghề chuyển hoa tết: “Em loanh quanh đây hai hôm rồi, chuyển được 5 chuyến. Thường tết em cũng hay chuyển đào, quất, nhưng làm hoa lê thì đơn giản và dễ hơn, vì không bị vướng chậu nặng nề, cứ cột cành chắc chắn là quanh Hà Nội chỗ nào chở cũng được tất. Giống hoa lê nở rải rác chứ không ra một đợt nên có đi xa cũng không ngại hoa rơi rụng. Cành hoa này khách đặt chuyển với giá 200.000 đồng, nhưng thường khi mang hoa đến, khách hay lì xì thêm. Tết mà!”.

Ở chợ hoa, phần đa chỉ thấy cành lê khẳng khiu thân nhánh, một số ít có hoa nở đều. Hỏi một thương lái bán hoa lê trên đường Nghi Tàm về cách làm thế nào biết được cành sẽ nở hoa, anh chia sẻ: “Khách đến có người chọn mua cành phải có cả lộc, hoa, quả, có người chỉ cần cành dáng đẹp, sau mới chú ý hỏi đến hoa. Vì bây giờ chỉ mới chớm mùa hoa, nên phần đa các cành ra hoa ít, đem loại này về cắm được cả tháng sau mới hết hoa. Cành nào có nhiều hoa sẽ thấy các mắt gần nhau, đấy là những điểm mà hoa sẽ nở. Giống này cũng đơn giản, chỉ cần cắm vào nước là tự khắc nó ra hoa, ra lộc”.

 

 Hoa lê được vận chuyển dễ dàng bằng xe máy đến người mua - Ảnh: Lam Phong
Hoa lê được vận chuyển dễ dàng bằng xe máy đến người mua - Ảnh: Lam Phong


Nhìn cành hoa lê, ngay trong tạo dáng thiên nhiên đã thấy ở đó những nét đẹp rất dễ đứng độc lập hoặc phối hài hòa với các dòng hoa khác. Ngay ở chợ hoa, những cành lê nhỏ, rời rạc, nếu như các năm trước thường bị vứt thừa mứa, xin cho, năm nay được thương lái gom, cắm chậu nhỏ, bán với giá hữu nghị từ 100.000 - 200.000 đồng để người chơi lựa chọn.

Hoa lê, chưa thành phong trào sôi động như đào, quất, nhưng cũng dần định hình thành một thú chơi hoa đang lan tỏa dần trong đời sống người Hà Nội những ngày sau tết.

 

Theo LAM PHONG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.