Hết "hành lộ nan" nhờ hội viên chung sức

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Giao thông trắc trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, người dân xã Yang Nam (huyện Kông Chro, GIa Lai) thường gọi vui tên xã mình là “Gian nan”. Giờ thì chuyện đã thành quá khứ. Với vai trò nòng cốt của Hội Nông dân, Yang Nam đã hết “hành lộ nan”, mở đường cho sản xuất phát triển để xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bao năm là “ốc đảo”
Con đường bê tông dẫn vào Yang Nam ngoắt ngoéo miên man giữa những lớp đồi điệp trùng như bát úp. Nhiều khúc cua chỉ thoạt nhìn cũng đủ sởn gáy. Tôi hình dung sự khủng khiếp của nó thuở còn là lối mòn dưới những cơn mưa cả tháng trời ròng rã. Thế mà Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Văn Đa còn bảo: Xuống các làng ngày trước còn hiểm nguy hơn thế nhiều…
Cách thị trấn huyện Kông Chro chỉ hơn 10 km nhưng bởi địa hình hiểm trở, suốt hàng chục năm qua, Yang Nam vẫn bị coi là “ốc đảo”. Củ mì, hạt lúa đã se sắt vì nắng gió mà tiêu thụ được cũng khó khăn. Mua đắt, bán rẻ là điều mà bà con phải mặc nhiên chấp nhận. Vì vậy khi bắt đầu khởi động chương trình xây dựng NTM, mục tiêu Yang Nam nhắm tới trước hết là “cuộc cách mạng” giao thông.
 Nhờ “cuộc cách mạng” giao thông, những cánh đồng mía của xã Yang Nam đã được cơ giới hóa. Ảnh: N.T
Nhờ “cuộc cách mạng” giao thông, những cánh đồng mía của xã Yang Nam đã được cơ giới hóa. Ảnh: N.T
“Đồng bào Bahnar mình xưa nay nhà cửa thường cất lộn xộn, không như người Jrai quay về một hướng thẳng hàng”-ông Đa phân trần. Thêm vào đó, bởi không có khái niệm “kinh tế vườn” nên diện tích đất ở rất chật hẹp. Mở đường tất phải đụng chạm đất đai nhà cửa của nhiều người. Rồi thì trường học, trạm y tế, sân thể thao trước đây chưa được quy hoạch đang cần một quỹ đất lớn… Kinh phí xây dựng NTM cấp về có hạn; nguồn thu của xã thì không đáng kể. Vận động bà con hiến đất do vậy là giải pháp tốt nhất để tháo gỡ nút thắt. Và Hội Nông dân xã được giao giữ vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ khó khăn này. Ông Đa nói một cách tự hào: “Trường học, trạm y tế, sân thể thao và 17 công trình giao thông liên xã, thôn rộng rãi được như hôm nay tất cả đều nhờ cán bộ, hội viên Hội Nông dân chung tay hiến đất. Thật tình mình cũng không ngờ phong trào lại thành công đến vậy”. 
Đâu khó có cán bộ Hội
Ông Đa tâm sự: “Khi được xã giao nhiệm vụ mình lo lắm. Đụng đến quyền lợi, nhất là tập quán, trong khi nhận thức của bà con còn hạn chế là điều rất khó. Bàn với anh em cán bộ hội chọn làng Krôn I làm điểm, xác định cán bộ, hội viên phải gương mẫu đi đầu; còn bản thân mình sẽ đảm nhận những trường hợp khó nhất rồi cùng bắt tay vào việc”.
Thật lắm gian nan với cái lý “đường làm ra ai cũng đi; trường học xây lên con cháu cả làng, cả xã cùng học, sao lại riêng vài người chịu thiệt?”. Phải kiên trì giải thích, vận động từng chút một để bà con hiểu thế nào là lợi ích riêng, chung mà không tự ái. Mỗi người một tính, một nhận thức, không có cái khó nào giống cái khó nào nhưng gian khổ nhất vẫn là trường hợp ông Đinh A Luych. “Mình đến lần đầu, ông ngó lơ không muốn tiếp. Lần 2 rồi lần 3 cũng thế. Biết ông làm ăn khá, là hội viên gương mẫu nhưng tư tưởng có điều gì đó chưa thông nên mình vẫn kiên trì không nản… “Bà con mình từ hồi giải phóng đến nay chưa đóng góp được gì đáng kể, trong khi Nhà nước cho mình đủ thứ. Giờ Nhà nước lại mang tiền đến làm đường, xây dựng trường học để bà con làm ăn tốt hơn, con cháu học giỏi hơn; chỉ vì chút lợi nhỏ mà làm thiệt cái lớn, cái bụng mình có bị chê là hẹp không?. Đến lần thứ 6 rồi thứ 7 thì ông Luych nghe ra. Chẳng những hiến lần 1, ông còn hăng hái hiến lần 2 với tổng cộng gần 3.600 m2 đất”-ông Đa kể. 
Đầu xuôi đuôi lọt, ông Luych đã thông thì mọi người cũng nghe theo. 12 hộ xung phong hiến đất xây dựng trường học; 2 hộ hiến đất xây trạm y tế; 65 hộ hiến đất làm đường giao thông; 25 hộ hiến đất làm sân thể thao. Nổi bật trong số họ, ngoài ông Đinh A Luych còn có ông Đinh BDet hiến hơn 3.000 m2; ông Đinh A Lưm hơn 3.400 m2… Đặc biệt là bà Đinh Thị  BYơnh hiến tới 11.650 m2.
Dù mới đi được hơn nửa chặng đường NTM (đạt 10 tiêu chí) nhưng Yang Nam vẫn là một trong những xã đạt nhiều tiêu chí nhất của huyện Kông Chro. Với một trong những tiêu chí khó nhất là giao thông sắp hoàn thành, đời sống kinh tế-xã hội của xã nhờ đó đã có nhiều chuyển biến. Từ phong trào hiến đất, tinh thần tự giác đóng góp xây dựng NTM đang lan tỏa khắp các làng. “Trong việc phấn đấu để hoàn thành các tiêu chí còn lại, Hội Nông dân vẫn đang là lực lượng nòng cốt đi đầu”-ông Đa khẳng định.
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.