Nhưng hành động này đang bị chính các học sinh phản ứng mạnh mẽ. Người dùng mạng xã hội đã quá quen thuộc với những dòng trạng thái của phụ huynh (PH) đưa kết quả học tập, giấy khen, bảng điểm… của con lên mạng với những lời nhận xét, chúc mừng… Đành rằng đây là chuyện cá nhân nhưng lại gây ra tác động, cảm xúc cho nhiều người khác. Trong số đó không ít những tác động, phản ứng tiêu cực.
Cộng đồng mạng vô cùng rộng lớn, vì thế một thông tin được viết ra, khả năng lan tỏa rất cao. Trong một kỳ thi tuyển sinh căng thẳng như lớp 10 chẳng hạn, bên cạnh những thí sinh đạt điểm vượt trội vẫn còn rất nhiều em chênh vênh chưa biết đậu rớt thế nào. PH và học sinh (HS) đang trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm thì lại càng chạnh lòng, hoang mang trước những dòng trạng thái khoe điểm con của các PH khác. Việc so sánh "con nhà người ta" cũng từ những điều này mà ra khiến không ít HS và cả PH có hành động tiêu cực vào mỗi mùa thi.
Chưa kể điểm số, hình ảnh của con cái… là thuộc về thông tin cá nhân, nên PH cần cân nhắc khi chia sẻ trên mạng xã hội. Thêm vào đó, những hình ảnh, thông tin cá nhân của HS khi đưa lên mạng có thể vô tình trở thành tâm điểm chú ý và nguồn tin đáng giá của những đối tượng có ý đồ xấu.
Ngày nay, khi công bố kết quả của thí sinh trong các kỳ tuyển sinh, các cơ quan giáo dục - đào tạo đã hạn chế cách công khai hàng loạt mà theo hướng cá nhân hóa để bảo vệ thông tin của từng thí sinh. Kết quả học tập của HS trong lớp cũng được gửi riêng cho từng người. Vì vậy, khoe điểm thi của con, nhìn ở góc độ nào đó, là PH đã vi phạm quyền riêng tư, thông tin cá nhân của con em mình. Khi con còn nhỏ, PH đưa gì lên mạng cũng không sao; nhưng khi con lớn, đặc biệt ở giai đoạn dậy thì, sẽ có những cảm xúc, quan điểm của riêng mình nên PH cần hiểu và tôn trọng con.
Không phải HS nào cũng muốn khoe điểm lên mạng và nếu có thì các em cũng có cách chia sẻ của riêng mình, rất khác với cách của PH. Chính vì vậy, vô tình việc khoe điểm của PH ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, cảm xúc của con, đôi khi khiến con áp lực, mặc cảm, xấu hổ với bạn bè hơn là hãnh diện.
Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến một số HS ngay khi có kết quả thi lớp 10 năm nay đã đề nghị PH đừng đưa điểm con lên mạng.
Khoe điểm con trên mạng cũng vô tình cổ xúy cho quan điểm xem trọng điểm số, thành tích. Mỗi HS có thế mạnh của riêng mình. Bạn này điểm cao trong học tập nhưng bạn khác lại mạnh về nghệ thuật, thể thao, kỹ năng tổ chức hoạt động lớp…, nên điểm số không phải là yếu tố quyết định giá trị của một HS.
Thật ra, là cha mẹ, đồng hành với con trong chặng đường học tập vất vả, khi thấy con đạt thành tích cao, làm sao không khỏi có niềm vui sướng, tự hào và muốn "cả thế giới" vui cùng. Tuy nhiên, việc khoe điểm con trên mạng trong nhiều trường hợp là "lợi bất cập hại".
Thay vì khoe điểm thì những lời chia sẻ, căn dặn, gửi gắm một cách tinh tế từ kết quả mà con đạt được trước hành trình mới cũng là một cách PH trao yêu thương và đồng hành cùng con.