(GLO)- Có thể nói, khai trường là ngày hội của thầy và trò, ngày có ý nghĩa thiêng liêng đối với các em học sinh lần đầu tiên tới lớp. Dường như các thế hệ học sinh khi cắp sách đến trường đều không thể nào quên tác phẩm “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh.
Đó là những dòng hồi ức đầy xúc cảm của một thời ấu thơ lần đầu tiên được mẹ dẫn đến trường: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường… Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần nhưng lần này tôi cảm thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.
Ảnh minh họa |
Từ lâu, người ta đồng nhất ngày tựu trường là ngày khai trường sau 3 tháng hè, tức vào đầu mùa thu (thường lấy ngày 5-9 hàng năm). Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945-năm đầu tiên nước nhà được độc lập, Bác viết: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã từng tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”. Chúng ta cảm nhận được tâm trạng háo hức của thầy và trò trong ngày đầu năm học mới, đúng nghĩa của không khí tựu trường.
Vậy nhưng từ bao giờ không rõ, người ta tách ngày tựu trường và ngày khai trường (còn gọi là khai giảng) làm hai thời điểm khác nhau. Bộ chủ quản cho phép tựu trường trong tháng 8 và khai giảng vào đầu tháng 9 hàng năm. Trong những ngày tựu trường, đa số các trường học thường làm công tác vệ sinh, phân lớp, ổn định nền nếp, huấn luyện các em để chuẩn bị cho ngày khai giảng. Một số trường tổ chức giảng dạy ngay chương trình năm học mới trong thời gian tựu trường sau khi ổn định biên chế lớp. Ngày khai trường được ấn định thống nhất trong một địa phương hay đồng loạt cả nước.
Những năm trước đây, ngày khai trường được tổ chức rất hình thức, cờ giương trống mở, các em tập luyện xếp hàng vẫy cờ, hoa đón khách, có khi xếp hàng mấy tiếng đồng hồ để nghe những bài phát biểu của lãnh đạo địa phương. Có trường vì đông học sinh nên chỉ chọn những lớp có nền nếp, những học sinh ngoan ngoãn để dự khai giảng, còn lại các em không may mắn thì “được nghỉ” ở nhà. Như vậy, ngày khai giảng không những mất đi ý nghĩa truyền thống mà còn tạo ra lề lối tổ chức rườm rà, giả tạo, mất đi sự vui tươi hồn nhiên của các em.
Cần xác định ngày khai trường là ngày của học sinh, ngày cha mẹ đưa con đến trường. Nhà trường chỉ nên tổ chức phần lễ thật gọn nhẹ với lời phát biểu ngắn gọn của thầy Hiệu trưởng và lời phát biểu cảm tưởng của đại diện học sinh trong năm học mới và sau đó đi vào phần hội để các em múa hát, vui chơi hay sinh hoạt tập thể dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nếu được thì tổ chức một số tiết giảng đầu tiên để chính thức mở đầu cho năm học mới.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo xem lại thời gian tựu trường liệu có còn phù hợp không? “Năm học tới, Bộ cần bàn kỹ vấn đề này để có quy định phù hợp chứ không lại thành ra khai giảng rất hình thức”-Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Hoàng Linh Việt