"Hạt ngọc" cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo chân người Tày ở Cao Bằng vào cao nguyên Đạ Tẻh (Lâm Đồng) gần 30 năm trước, đến nay cây nếp quýt đã cắm rễ rồi trở thành 'hạt ngọc' với thương hiệu riêng của xứ này, đồng thời luôn 'cháy hàng' vào dịp Tết.

Dù đã nghe tên nhưng chúng tôi vẫn cứ ngờ ngợ, chẳng hiểu nếp quýt là nếp gì mà nổi tiếng đến vậy. Bởi lâu nay, nếu không phải dân địa phương thì khi nghe đến địa danh Đạ Tẻh, nhiều người sẽ mường tượng ra cảnh núi rừng, khô cằn, sỏi đá chứ khó nghĩ đến đồng bằng phì nhiêu với màu xanh mơn mởn của lúa. Chúng tôi đã về Đạ Tẻh để “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” vào loại nếp được ví như “hạt ngọc” ở xứ này.

 

Cây nếp quýt đã cắm rễ rồi trở thành 'hạt ngọc' với thương hiệu riêng của cao nguyên Đạ Tẻh (Lâm Đồng).
Cây nếp quýt đã cắm rễ rồi trở thành 'hạt ngọc' với thương hiệu riêng của cao nguyên Đạ Tẻh (Lâm Đồng).

Khi đến nơi, chúng tôi khá bất ngờ với cánh đồng nếp quýt rộng mênh mông ở xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh), ngay bên hồ chứa nước Đạ Hàm trong vắt đang vào vụ thu hoạch. Thoạt đầu mới nhìn cứ tưởng đây là cây lúa bình thường; nhưng khi lại gần, sờ tận tay, té ra không phải vậy. Loài này có nhiều điểm đặc biệt khác thường. Đầu tiên là cây có mùi thơm dễ chịu, tiếp đến là thân cao cả mét nhưng lại bé tí, thế mà “cõng” được bông nếp khá lớn. Đáng chú ý, hạt lại tròn chứ không dài như các loại lúa nếp khác.

Theo chân người di trú

Theo ông Lưu Văn Phượng, Phó chủ tịch UBND xã An Nhơn, gần 30 năm trước, nếp quýt theo chân người Tày từ Cao Bằng di cư vào đây và đến nay tại xã này đã có 300 ha sản xuất nếp quýt với khoảng 70% người dân làm nông nghiệp gắn bó. “Ban đầu, đây là cây xóa đói giảm nghèo của người dân, nhưng giờ là cây làm giàu của nhiều hộ nông dân rồi. Nhiều người xây được nhà mới khang trang, sắm được xe cộ cũng nhờ cây nếp quýt này”, ông Phượng cho hay. Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc vì sao loài cây này có tên là nếp quýt, thì hầu như ai cũng lắc đầu chào thua, kể cả các cụ cao niên người Tày sống ở đây. Họ cho biết có lẽ do hạt tròn giống quả quýt và ông bà ngày xưa gọi vậy.

Nông dân Hoàng Văn Dương (57 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn 4B, xã An Nhơn) nói: “Năm 1989, gia đình tôi vào đây, mang theo giống nếp quýt này để trồng như lúa tẻ bình thường. Tôi cũng không biết giống này ở đâu ra, chỉ biết từ nhỏ đã thấy và ông bà gọi là nếp quýt. Bây giờ gia đình tôi có 3 ha trồng cây này. Gạo nếp quýt có màu trắng đục, dẻo và rất thơm ngon, nếu đã ăn loại này rồi thì ăn các loại nếp khác sẽ thấy khác một trời một vực ngay”.

 

Thay vì đốt bỏ, rơm của nếp quýt nay được nhiều người vào tận ruộng thu mua.
Thay vì đốt bỏ, rơm của nếp quýt nay được nhiều người vào tận ruộng thu mua.

Xây dựng thương hiệu

Dù theo chân người Tày vào cao nguyên Đạ Tẻh gần 30 năm, nhưng nếp quýt cứ lặng lẽ như bao loài cây trồng khác ở đây. Việc nếp quýt được chú ý phát triển mạnh ở địa phương này lại là một chuyện tình cờ. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND H.Đạ Tẻh, cho hay: “Lâu nay, địa phương không chú ý lắm đến cây nếp quýt, bởi cứ nghĩ đây là cây trồng bình thường của người dân. Mãi cách đây khoảng 5 - 6 năm, cây lúa nếp này được các thương lái ở Long An phát hiện khi họ thu mua lúa tại đây. Vì thấy gạo nếp quýt này thơm ngon nên họ tập trung săn lùng thu mua rất mạnh. Lúc này, huyện mới nhận ra vấn đề lớn, thấy cây này rất hiệu quả và sản phẩm có thể trở thành đặc sản của địa phương nên tập trung phát triển sản xuất, mở rộng diện tích và bắt đầu xây dựng thương hiệu gạo nếp quýt Đạ Tẻh”.

Cũng theo ông Hùng, năm 2014 địa phương bắt đầu làm thủ tục xây dựng thương hiệu và đến tháng 11-2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) có quyết định cấp chứng nhận nhãn hiệu “Gạo nếp quýt Đạ Tẻh” cho UBND H.Đạ Tẻh. “Đây sẽ là cơ hội để thương hiệu nếp quýt bay xa”, ông Hùng phấn khởi.

Từ vài chục héc ta ban đầu, đến nay toàn H.Đạ Tẻh đã có 350 ha trồng nếp quýt, trong đó 20 ha trồng theo hướng hữu cơ, 5 ha trồng theo hướng GlobalGAP và còn lại hầu hết trồng theo VietGAP. “Thị trường chính hiện nay chủ yếu vẫn là TP.HCM, các tỉnh miền Tây và tỉnh Lâm Đồng. Thực sự, gạo nếp quýt Đạ Tẻh đã theo chân các Việt kiều đi Hàn Quốc và Mỹ rồi. 5 ha nếp quýt trồng theo hướng GlobalGAP là địa phương đang trồng thử nghiệm theo sự hợp tác với một công ty ở TP.HCM, khi thu hoạch, họ sẽ bao tiêu toàn bộ với giá 10.240 đồng/kg tươi tại ruộng để họ chào hàng vào thị trường Mỹ. Sắp tới, huyện sẽ mở rộng diện tích trồng nếp quýt theo hướng GlobalGAP, đồng thời nâng tổng diện tích nếp quýt lên khoảng 600 - 700 ha”, ông Hùng cho biết.

“Làm nếp quýt sướng lắm”

 

Thu hoạch nếp quýt.
Thu hoạch nếp quýt.

Nếp quýt thơm ngon, mỗi năm trồng 3 vụ, năng suất cao (5 - 6 tấn/ha/vụ) nhưng việc trồng hoàn toàn không phải chuyện dễ. Theo nông dân Hoàng Văn Dương, cây nếp quýt rất khó trồng vì thân nhỏ nên dễ bị ngã đổ, hơn nữa do cây có mùi thơm, dễ thu hút dịch bệnh tấn công. Hiện nay, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nên nông dân không dùng thuốc hóa học mà chỉ sử dụng nấm vi sinh và dùng thuốc sinh học để xử lý. Vấn đề quan trọng hơn, cây này rất “lạ đời”, đất xấu quá thì không ưa, đất tốt quá cũng không được, do vậy phải lựa chọn khu vực phù hợp để trồng. Không chỉ vậy, trong quá trình trồng, khi nếp quýt sắp chín, người trồng phải lội xuống ruộng để loại bỏ lúa tạp lẫn lộn, trước khi thu hoạch ít ngày cũng phải lội vào lựa chọn những bông to, khỏe rồi cắt để riêng làm giống cho vụ sau.

Tuy nhiên, dường như để “bù” lại sự khó khăn này, mấy năm qua sản phẩm nếp quýt chưa bao giờ lo chuyện tồn kho, bởi không đủ cung cấp cho thị trường, nhất là vào dịp tết. Nông dân Hoàng Anh Tuấn (thôn 4B, xã An Nhơn) vui vẻ: “Làm nếp quýt bây giờ sướng lắm, mình chỉ lo khâu sản xuất là chính, còn thu hoạch đã có máy móc làm. Đặc biệt, vụ thu hoạch nào thương lái cũng đến sẵn chân ruộng để chờ mua, thậm chí họ lội xuống ruộng đổ lúa vào bao rồi buộc lại đưa đi cân, mình chỉ đi theo kiểm tra cân được bao nhiêu ký rồi tính tiền thôi. Đã vậy, nếu như trước kia rơm mình đốt bỏ, thì nay cũng có người đến tìm mua tận ruộng (100.000 - 200.000 đồng/sào) và họ tự thu dọn hết luôn”.

Ông Bùi Văn Hùng nói thêm: “Nếp quýt tươi bán tại ruộng hiện khoảng 8.000 đồng/kg (cao hơn lúa tẻ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg) nhưng không phải ai cũng mua được nếu không đặt hàng trước. Dịp Tết Nguyên đán, bà con ai cũng muốn mua nếp quýt về nấu xôi, gói bánh chưng, bánh tét hoặc tặng người thân, bạn bè dăm ba ký làm quà nên không đủ hàng cung cấp, thậm chí nếu không chuẩn bị trước mà để sát tết mới mua thì chúng tôi cũng không có. Mùa thu hoạch, đồng ruộng vui như hội, bởi đường nội đồng kín mít xe tải, xe công nông của người dân, thương lái chờ mua”.

Gia Bình/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.