Trồng nấm ăn đã khó, trồng được nấm linh chi để chữa bệnh hiểm nghèo càng khó hơn. Thế mà, ở Quảng Ngãi có một nông dân duy nhất đã kiên trì học và trồng được loại nấm này. Anh là Lê Giang Phong ở xã Đức Nhuận, Mộ Đức.
Trại nấm của anh Phong nằm giữa đồng thuộc thôn 4 xã Đức Nhuận (Mộ Đức). Mùa này nắng gắt, đồng khô nhưng bước vào bên trong trại là cảm thấy mát rượi. Nhìn quanh, nơi chất phôi nấm, nơi để nguyên liệu, nơi treo dây phôi nấm. Các loại nấm mèo, nấm sò và nấm đầu khỉ nở búp, nở xòe trắng toát. Phong vui vẻ nói: “Đây là nấm bình thường làm để bán kiếm tiền. Còn "thần dược" ở phía bên trong".
Nấm linh chi và nỗi khát khao được sống
Gian phòng dùng để trồng nấm linh chi bố trí sâu ở một góc nhà, kín gió, không nắng hanh. Những bịch phôi để tạo nấm to hơn các loại nấm khác. Mỗi phôi ra đúng một hoặc hai chiếc ngay trên đầu miệng phôi chứ không mọc tua tủa ở thân như các loại nấm đầu khỉ, sò, nấm mèo. Mặt trên của nấm linh chi phủ màu trắng đục và phía dưới phủ dày một lớp màu nâu sậm. Nhìn vào chiếc nấm như khô ráp. Nhưng, khi sờ có cảm giác mềm mại như nhung.
Anh Phong hướng dẫn cách trồng nấm ăn cho bà con nông dân. Ảnh: Mai Hạ |
Ươm được mầm nấm linh chi là cả một sự nỗ lực của anh Phong. Học dở dang THPT anh tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 2 năm trở về lập gia đình. Như nhiều người ở vùng quê ven sông Vệ anh chỉ còn biết xới đất lật cỏ, làm ruộng và cuộc sống thật khó khăn.
Những năm 2004, anh "tậu" chiếc máy ảnh để chụp hình dạo kiếm sống. Sau một thời gian anh thường bị xây xẩm mặt mày rồi ngất đi. Anh vội vàng đi khám bệnh và đã nhận được kết quả: "Gan nhiễm mỡ, thiếu máu cơ tim". Từ đó, mỗi ngày uống cả "vốc" thuốc mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ý nghĩ về cái chết đã choáng hết trong đầu anh. Nhưng khi nhìn vợ đang mang bầu, một ngày kia sinh nở, nếu mình chết lấy ai đỡ đần cho vợ và con của mình chào đời sẽ sống ra sao. Thế là anh nung nấu ý nghĩ phải tìm mọi cách để sống. Anh hỏi thăm, hễ ai bày loại thuốc gì có tác dụng cho sức khỏe thì anh đều uống. Cả thời gian dài, uống thuốc tây, nam, bắc đều không đúng bệnh. Anh đành nằm ở nhà đọc báo Sức Khỏe rồi đến tiệm internet mở mạng ra xem tìm những phương thuốc mới...
Trong lúc bế tắt thì có trang web nói về một tiến sĩ (mà sau này mình theo học) ở tận Hà Nội trồng được loại nấm linh chi chữa các căn bệnh hiểm nghèo. "Dừng lại đọc thật lâu. Mỗi câu, mỗi dòng trên trang mạng đều cho mình sự hy vọng...". Anh Phong nhớ lại.
Thế là vợ chồng anh gom góp được vài triệu đồng gửi vào TP Hồ Chí Minh mua nấm linh chi về sắc uống. "Mình hồi hộp uống từng ngụm một và mong bệnh thuyên giảm"- Anh Phong kể. Rồi, sau khoảng thời gian hơn tháng thứ dược liệu kì diệu này đã làm thông suốt các mạch máu của anh. Nhưng, còn uống thì bệnh giảm, hết uống thì lại mệt, thở khó. Trong khi đó 1 kg nấm mất đến 2,1 triệu đồng chỉ đủ dùng sắc uống trong vòng 2 tháng mà thôi. Biết vậy nên anh nghĩ phải đi tìm cách trồng nấm linh chi.
"Tầm sư học đạo"
Qua mạng anh biết Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học ở Hà Nội đã trồng được loại nấm này. Mùa hè năm 2008, anh Phong quyết định vượt gần 1.000 km để ra Hà Nội tìm đến nơi đây với hy vọng được học cách trồng nấm linh chi. Khi đến Hà Nội người nông dân chân đất này đã choáng ngợp trước cảnh xe cộ, dòng người tấp nập. Anh lo ngại vì mình người quê, có sao nói vậy liệu có thuyết phục được các nhà khoa học để họ giúp mình không. Khi gặp PGS. TS Nguyễn Thị Chính- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học, anh chưa nói được lời thì đã choáng ngợp, tím người, vì quá mệt. Tiến sĩ đã rót cho anh một ly nước được chưng cất từ nấm linh chi. Sau 30 phút, dược liệu đã ngấm vào cơ thể làm anh tỉnh hẳn. Câu chuyện giữa một anh nông dân và tiến sĩ được cuốn hút bởi một bên là khát khao được sống, một bên là tấm lòng thương cảm của người học thức cao trước nghị lực của một con người ở quê nghèo. Thế là từ đó, trong một lớp học đặc biệt diễn ra tại nhà TS Chính là ngoài những người được hướng dẫn luận án thạc sĩ, tiến sĩ, chỉ có mỗi mình anh là nông dân chính hiệu đi học nghề trồng nấm.
Trồng được nấm linh chi trên đất Quảng. Ảnh: Mai Hạ |
Rời Hà Nội về quê làm nấm anh sợ vi khuẩn xâm nhập, (bởi lúc học đều sử dụng phương tiện hoàn toàn vô trùng) nên anh lấy chính phòng "uyên ương" của mình dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ để ươm mầm nấm. "Làm 10 lọ mới có một lọ phôi phát triển. Mà cứ một đợt hỏng là mất 10 ngày. Sáu tháng ròng rã thực nghiệm, cứ 10 lọ, 15 lọ chọn một, cuối cùng chỉ có vài chiếc nấm linh chi nở ở miệng chai"- Anh Phong kể.
Mùa hè năm 2009, lúc này, kinh tế gia đình anh gần như kiệt quệ. Anh đành chạy vay bà con xóm làng được vài triệu đồng tức tốc ra Bắc nhờ Phó Giáo sư Chính giải thích một số thắc mắc trong quá trình trồng nấm mà bị hỏng. Đúng một tuần lắng nghe và tham quan các mô hình trồng nấm lân cận, anh về huy động anh em, cha mẹ, người hốt bột cưa, người mua bao, dồn bịch, chặt tre, chẻ lạc, pha trộn nguyên liệu... trồng nấm.
Trong vòng 3 tháng, trong căn nhà nhỏ của anh những chiếc nấm linh chi đã vươn mầm phát triển đều. Sự mong đợi của anh, của cả gia đình đã được đền đáp. Đến kỳ thu hoạch anh hái nấm sắc uống theo cách hướng dẫn của Giáo sư Chính. Sau khoảng thời gian, anh đi xét nghiệm, bác sĩ bảo: Các mạch máu đã thông suốt. Không còn thấy dấu hiệu của gan nhiễm mỡ và sức khỏe của anh đã hồi phục. Anh thầm cảm ơn Tiến sĩ Chính, nhà khoa học đã bỏ công sức giúp anh- một nông dân thứ thiệt tìm được “thần dược”, còn bà con trong xóm vui mừng vì biết anh là người kiên trì trên đường đi tìm “thần dược” chữa bệnh cho chính mình.
Không chỉ trồng được nấm linh chi, hiện nay anh Lê Giang Phong đã thành lập trang trại sản xuất nấm với thu nhập bình quân mỗi ngày trên 400 nghìn đồng. Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi thấy anh làm có hiệu quả đã mời anh tập huấn hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật trồng nấm. Nhiều người như ông Lê Thanh Bình xã Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh) các hộ ông Hà, ông Phước, ông Bửu cùng quê ông Bình nhờ đó mà sản xuất được nấm ăn bào ngư, tai mèo. Trước nhu cầu của thị trường, đầu năm 2011, anh Phong tham gia thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nấm Đức Nhuận và được bầu làm chủ nhiệm. Hợp tác xã có 12 xã viên, vốn điều lệ hơn 2 tỷ đồng. HTX đã trích 1 tỷ đồng để đầu tư mua máy sàn trộn bột cưa, máy đóng bịch, lò hấp công suất lớn (5.000 phôi/ngày), máy đánh tơi đầu bịch, máy lạnh trong phòng cấy giống để sản xuất nấm sò, nấm mèo, nấm đầu khỉ và nấm linh chi cung cấp cho các siêu thị Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. |
Mai Hạ