Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Krông Pa hiện nay là một phụ nữ Jrai ngoài năm mươi tuổi mà thời gian chưa kịp xóa hết nét xuân sắc trên gương mặt. Chị là Ksor H’Đa.
Quê H’Đa ở Ayun Pa. Chưa xong cấp 3, cha mẹ bắt chị phải nghỉ học để lấy chồng. Được hiểu biết nhiều hơn bạn bè cùng lứa, H’Đa muốn chống lại cuộc hôn nhân cưỡng ép này. Tuy vậy, khát vọng tự do không chống nổi sức mạnh luật tục, H’Đa phải làm vợ người mình không yêu. Đứa con chưa kịp lớn, H’Đa đã không chịu đựng được nữa, chị bỏ chồng, ôm con về nhà cha mẹ đẻ.
Chị Ksor H’Đa. Ảnh: T.L.H |
Cứ tưởng đã là cán bộ nhà nước thì có thể sống thoát li những tập quán lâu đời của dân tộc mình, nhưng không phải như vậy. Chị sống và làm việc ngay trên quê chồng, quanh chị là dòng họ nhà chồng mà nếp nghĩ truyền thống có lúc mạnh hơn cả tình cảm và tư duy hiện đại. Năm 2002, sau một thời gian đau bệnh, chồng chị qua đời. Mặc dù lúc đó anh là Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của huyện, dòng họ vẫn nhất quyết muốn làm ma cho anh theo phong tục người Jrai. Hiểu những hạn chế, lạc hậu của phong tục, chị từ chối nghe theo. Nhà chồng mở hẳn một cuộc họp gia đình, mời cả một số đồng chí lãnh đạo huyện đến dự để… ra quyết định phạt vạ chị. Theo gia đình chồng, chị đã phạm vào các “tội”: Lúc cưới nhau, hai người chỉ có một con gà, một ché rượu xin phép cha mẹ chứ chị không có nhiều của cải để bắt chồng, như thế là chưa đủ lễ, giờ phải đền. Chồng chết, chị không để xác anh lâu trong nhà, chưa cúng đủ mọi lễ, lại thêm một tội. Chôn cất chồng rồi, theo phong tục, vợ không được chải đầu tắm gội, không được rửa mặt đánh răng, đi giày dép. Cộng các tội, chị phải chịu phạt vạ tám con bò! Cân đo đong đếm chán rồi, mức phạt còn lại là bốn con, nhưng ngay cả chừng ấy thì chị cũng không thể nào trả nổi. Phong tục là phong tục, chị không thể nói to lên sự phản đối. Chỉ còn một cách là cắn răng chịu đựng lời ra tiếng vào. Các con chị cũng bất bình khi mẹ chúng bị kết tội vô lí như vậy. Chị điềm tĩnh khuyên các con phân biệt rõ luật tục với tình cảm để không mất đi quan hệ với bên nội. Chị cố đứng vững, tiếp tục sống, tiếp tục làm việc.
Từ khi có văn bản của Sở Văn hóa- Thông tin yêu cầu kiểm kê số lượng cồng chiêng, chị cùng anh em tỏa xuống các buôn làng. Ban ngày đồng bào đi làm vắng, chị tranh thủ ngày nghỉ hay buổi tối để đến từng gia đình. Đường sá chưa thuận tiện, nhiều buôn làng ở xa nên công việc rất vất vả. Tuy thế, đồng bào thương nên giúp chị hết lòng. Chẳng những thống kê được trên 500 bộ cồng chiêng, trong đó có 10 bộ chiêng cổ rất quý hiếm, chị và các đồng nghiệp còn thống kê được cả các dụng cụ cổ như: Khiên, giáo, ghè, rổ úp miệng ché… lâu nay vẫn được bà con cất giữ. Chị mừng vui khi thấy số lượng chiêng ché tăng nhanh, những phong tục truyền thống tốt đẹp được khơi dậy. Yêu văn hóa của dân tộc mình, chị cũng mong những hủ tục sẽ bớt dần rồi được xóa bỏ vĩnh viễn để mọi người, nhất là những người phụ nữ Jrai, sẽ có một cuộc sống văn minh, tốt đẹp.
Trương Lệ Hằng