Hạnh phúc mới trên nóc Lâng Loan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau gần 5 năm, làng Hạnh Phúc đúng như tên gọi đã hiện hữu trên đỉnh núi Lâng Loan với những nóc nhà của đồng bào Xơ Đăng được quy hoạch, sắp xếp khoa học, gắn kết thuận lợi với các công trình phục vụ sản xuất, an sinh xã hội và đảm bảo môi trường, sức khỏe cho người dân.
Trẻ em ở Lâng Loan trong niềm vui có sách mới để học tập. Ảnh: Tiêu Dao

Trẻ em ở Lâng Loan trong niềm vui có sách mới để học tập. Ảnh: Tiêu Dao

Những người dời làng trên đỉnh núi

Người Xê Đăng trên nóc Lâng Loan đang hạnh phúc đứng ở đó, giữa mênh mông núi rừng cùng đám mây du lãng treo lơ lửng ngang đầu với tia nắng hồng luồn qua song cửa. Bà con hạnh phúc khi đã hết những đêm lạnh co ro ngồi cạnh nhau bên bếp lửa lo lắng, sợ hãi bị “núi đè”; hạnh phúc khi người dân cảm thấy đây là nhà mình, là nơi mình gắn bó, bảo vệ, an cư và nối tiếp những thế hệ. Nóc Lâng Loan thuộc thôn 3 (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nằm sâu trong những dải núi Tây Trường Sơn. Trên con đường đầy sình lầy, giữa những đợt núi lở ấy, người Xê Đăng đã làm một cuộc “thiên di” dời làng vì sợ “núi đè” cách đây gần 5 năm.

Nơi ở cũ của đồng bào những năm trước được gọi là nóc Măng Lâng, vào mùa mưa, cả nóc gần như bị cô lập với khu vực xung quanh, nhà chưa kiên cố, điện, nước sinh hoạt còn thiếu, trang thiết bị cũng thiếu thốn trăm bề. Các hộ dân sống ở nóc Măng Lâng nằm nép mình dưới chân dãy núi Ngọc Linh, nhưng tình trạng sạt lở, lũ lụt đã gây ra nhiều thiệt hại và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Vì vậy, chính quyền địa phương đã vận động người dân di chuyển tới khu tái định cư nóc Lâng Loan, nơi có địa hình an toàn hơn cho việc sinh sống, cách làng cũ hơn 1km để bắt đầu xây dựng một ngôi làng mới.

Làm thế nào để giúp người dân đến nơi ở mới có cuộc sống bền vững hơn, hạn chế được những nguy cơ khắc nghiệt của thời tiết và giữ cho văn hóa của họ được tồn tại theo thời gian. Đó là những trăn trở trong hành trình tái định cư cho người dân nơi nóc Lâng Loan. Ngay khi các gia đình di dời nhà cửa, vật dụng sinh hoạt xuống làng mới, bà con đã được chính quyền hỗ trợ nhanh chóng dựng lại nhà để ổn định cuộc sống. Với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ của Nhà nước, đồng thời Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ thêm tấm lợp nên bà con đã nhanh chóng định cư. Địa điểm đặt ngôi làng mới mang tên nóc Lâng Loan có địa hình bằng phẳng, ít đồi dốc, rất thuận tiện cho việc định cư, làm đường giao thông, kéo điện quốc gia cũng như xây trường học kiên cố.

Gần 5 năm qua, từ một ngôi làng tái định cư bị đứt gãy về văn hóa truyền thống, dần dần những đứt gãy ấy được nối liền lại bởi chính nỗ lực của người dân với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cùng sự thúc đẩy và hỗ trợ của các chuyên gia và cán bộ của dự án làng Hạnh Phúc, bây giờ, người dân nóc Lâng Loan đã có nhiều thay đổi. Cột điện hạ thế đã được kéo về giữa làng, để người dân không còn ngóng điện từng ngày, những bóng điện chiếu sáng khắp làng được dựng lên. Nhà nhà đã có tivi với truyền hình để nắm bắt thông tin, học cách làm ăn. Ngay cả những thói quen trong đời sống hằng ngày cũng đã có nhiều thay đổi. Người làng đã chí thú làm ăn, những thửa ruộng lúa nước đã được khai phá ngay cạnh làng để có lương thực. Nhà vệ sinh đã được dựng lên ở nhiều điểm để gìn giữ vệ sinh chung, nước sạch đã được nối ống đến trước cửa nhà để người dân sinh hoạt, không còn phải đi lấy nước rất xa nữa.

Làng Hạnh Phúc trên đỉnh mờ sương

Làng tái định cư mới được dựng lên, người dân Lâng Loan cùng nhau đi gần hơn với những hạnh phúc ấy. Lúp xúp lặng lẽ trong trùng điệp những núi non, 72 hộ dân nóc Lâng Loan với 303 nhân khẩu và các cán bộ đã lặng lẽ cùng nhau đi qua núi lở và mưa dầm, vun đất, vót nang, đắp đường cho ngôi làng tái định cư mới. Với thật nhiều niềm tin và hy vọng gọi tên ngôi làng là làng Hạnh Phúc, 72 ngôi nhà được phủ mái lồ ô, nẹp gỗ tránh nóng, mưa ồn, gió lùa... được hoàn thành sau 5 năm triển khai.

Nước sạch được nối ống tới từng nhà, mọi người không còn phải xuống suối lấy nước nữa. Ảnh: Tiêu Dao

Nước sạch được nối ống tới từng nhà, mọi người không còn phải xuống suối lấy nước nữa. Ảnh: Tiêu Dao

Rời khỏi làng cũ, người Xê Đăng đặt tên cho ngôi làng mới bằng địa danh của ngọn đồi này. Người Lâng Loan sau gần 5 năm dời đến, dưới góc núi đã mọc lên những ngôi nhà xinh xắn bên cánh đồng ruộng lúa nước bậc thang quyến rũ, hình thành một khu tái định cư nhộn nhịp giữa rừng. Anh Hồ Văn Vừa, cán bộ văn hóa xã cũng là người trong làng thủ thỉ, dù mỗi căn nhà ước chỉ rộng 100m2, nhưng bù lại, không gian rất thoáng mát. Khoảng đất trước nhà, các hộ dân tận dụng trồng ít rau, vài luống sả, chăn nuôi thêm gà hay heo đen, vừa tăng thu nhập, vừa góp thêm hương vị cho bữa ăn gia đình. Không chỉ Hồ Văn Vừa, nhiều người khác trong làng đều đã thắp lên hy vọng rằng, vài năm nữa khi sâm Ngọc Linh đến thời kỳ thu hoạch, người dân ở Lâng Loan sẽ không còn những hộ nghèo như bây giờ.

Nóc Lâng Loan cuộc sống đã êm đềm trở lại, chiều chiều thanh niên trong làng không còn tụ tập uống rượu, họ chơi thể thao để gắn kết tình làng. Trong những gia đình đã vang lên những tiếng cười, không còn cảnh cãi vã và đói nghèo. Những đứa trẻ đã hạnh phúc hơn khi được đi học, được nhận những cuốn sách mới. Ngôi nhà Chai Quật được dựng lên từ chính bàn tay của người làng và sự giúp đỡ của các cán bộ dự án xây dựng làng Hạnh Phúc. Cuộc sống của người dân nóc Lâng Loan giờ đã khác xưa rất nhiều.

Lãnh đạo huyện Nam Trà My trong buổi tổng kết dự án làng Hạnh Phúc ngày 14/6/2023 chia sẻ: Làng Hạnh Phúc ở Lâng Loan là dự án hỗ trợ các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, giúp hình thành những ngôi làng an toàn, đồng thời cải thiện môi trường sống và thúc đẩy gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa. Trong định hướng của huyện, ngoài ổn định sắp xếp dân cư, Lâng Loan sẽ trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách. Homestay sẽ được dựng lên, các món ăn dân dã, các vũ điệu văn hóa truyền thống của đồng bào Xê Đăng sẽ lần lượt được mang ra thành các sản phẩm du lịch dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia nghiên cứu và phát triển cộng đồng.

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ: “Mô hình này, sau khi hoàn thành sẽ gắn với sinh kế của làng, vừa hướng đến nâng cao ý thức cộng đồng trong phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên mà người dân chính là chủ thể quan trọng. Vì thế, từ Lâng Loan, Nam Trà My kỳ vọng trong tương lai, nhiều làng kiểu mẫu khác sẽ được hình thành, giúp địa phương giải quyết dứt điểm mối lo về “họa núi đè” và định canh, định cư, từng bước mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái dưới chân núi Ngọc Linh”.

Dự án làng Hạnh Phúc bắt đầu triển khai từ năm 2019, hoàn thành vào tháng 6/2023 với tổng mức đầu tư gần 10,7 tỷ đồng. Sau khi thỏa thuận và ký kết bàn giao, huyện Nam Trà My sẽ có kế hoạch quản lý và duy trì dự án, trong đó quán triệt theo dõi, hỗ trợ bà con nhân dân trong suốt quá trình sinh sống tại làng, để dự án làng Hạnh Phúc phát huy tối đa hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.