Hàng xách tay 'nở rộ' trên mạng xã hội - Kỳ 1: Nhà nhà livestream, người người livestream

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các trang livetream bán hàng xách tay online mọc lên như nấm sau mưa. Đó là chưa kể sự tham gia của nghệ sĩ, những người hoạt động nghệ thuật. Kênh livestream bán hàng xách tay nhộn nhịp khi nhà nhà livestream, người người livestream.

"Mở Facebook lên là thấy người người livestream bán hàng. Từ hàng xách tay các nước cho đến cái nghiến (thớt), con dao, mớ rau nhà trồng, rau sạch thịt sạch... Riết hổng thấy bạn bè viết cái gì vì tường facebook nhà mình tràn ngập news feed từ những người livestream bán hàng", anh Huy Đăng, một người dùng mạng xã hội cảm thán.

Chỉ cần gõ tìm cụm từ “Hàng xách tay” trên mạng xã hội Facebook, ngay lập tức, hàng trăm Trang của các nhóm chuyên bán hàng xách tay hiện lên ngay ở phần gợi ý. Nào là Bán hàng xách tay từ Mỹ, Bán hàng Mỹ và ship hàng Mỹ về Việt Nam, Hàng nội địa Nhật xách tay chính hãng, rồi Hội buôn hàng xách tay Úc, Pháp, Mỹ, Nga, Ba Lan, Nhật, Hàn, Hội chuyên ship hàng chính hãng...

Livestream bán hàng bủa vây người dùng Facebook

Lướt qua một số nhóm rao chuyên bán hàng xách tay trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi ghi nhận mỗi trang có từ vài trăm đến vài chục ngàn thành viên tham gia. Những mặt hàng xách tay được rao bán chủ yếu là thực phẩm chức năng, sữa bột, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ, túi xách, giày dép và cả những mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt gia đình như kem đánh răng, nước giặt quần áo...

Có những tài khoản livestream bán hàng mà ngoài người trực tiếp livestream giới thiệu hàng hóa thì có đến hàng chục nhân viên phụ kiểm tra tin nhắn, kiểm tra và chốt đơn hàng. Đó là chưa kể dịch vụ ship hàng cũng như các dịch vụ đi kèm livestream bán hàng online.


 

 Hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bán khá phổ biến trên Facebook - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bán khá phổ biến trên Facebook - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Thị trường hàng xách tay không chỉ có cuộc chiến về xuất xứ hàng hóa khi người bán nào cũng tuyên bố "hàng cho ba, mẹ, chồng/vợ mua tận tay, mang về", "hàng em bay và mua tận nơi" mà còn là cuộc đua về giá cả.

Trong vai khách hàng đang tìm mua túi xách của một thương hiệu cao cấp với giá từ vài chục đến hơn một trăm triệu cho một chiếc túi xách, chúng tôi tìm đến trang Facebook “Bán hàng xách tay từ Mỹ” để hỏi mua. Tư vấn cho chúng tôi, người bán cho biết dòng này cao cấp quá nên không đủ chi phí nhập về Việt Nam bán. Thay vào đó, người bán chào một số mẫu giỏ của các thương hiệu khác với giá... sốc. Đơn cử, túi xách hiệu T.H. có giá nêm yết là 1.700.000 đồng trong khi giá niêm yết trên túi gần 200 đô la Mỹ, túi xách hiệu M.K. có giá chỉ... 850.000 khi giá niêm yết đính kèm là 189 đô la Mỹ... Khi chúng tôi hỏi về hóa đơn, chứng từ xuất xứ của hàng thì người bán bảo không thể cung cấp.

Chúng tôi bày tỏ sự hoài nghi về chất lượng sản phẩm thì người bán cho biết: “Thứ nhất, chị bán hàng do chồng chị mua từ Mỹ về. Thứ hai, chị bán tại nhà (Q.Gò Vấp, TP.TP.HCM) không tốn tiền mặt bằng. Thứ ba, chị bán tự do, tự kê giá nên giá này là còn ... thấp so với thị trường. Bên chị không có hàng số lượng lớn nhưng dám đảm bảo là hàng thật”.


 

Theo công bố tại Hội thảo Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 được tổ chức vào ngày 5.6.2020, khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho thấy mức độ tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp thương mại điện tử trong giai đoạn cao điểm của đại dịch (tháng 2 - tháng 4.2020) là 14% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số rất ấn tượng trong bối cảnh khủng hoảng chung và nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác phải đóng cửa, giải thể hay phá sản.

Cũng theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt 32% và đạt quy mô khoảng 11,5 tỉ USD. Hiệp hội cũng dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2020 tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thương mại điện tử cả nước sẽ vượt con số 15 tỉ USD.

Còn Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỉ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khối ASEAN.


Chúng tôi liên hệ với tài khoản Facebook tên “Hoa Mỹ Ngọc” để hỏi mua sữa xách tay từ Mỹ thì người bán cho biết sữa Ensure giá 260.000 đồng/lốc 6 lon, sữa hộp giá 270.000 đồng/hộp, còn sữa Enfa giá 735.000 đồng/hộp. Thấy chúng tôi lưỡng lự, người bán cho biết: “Hàng em đi đường máy bay nên không so sánh với hàng đi đường biển được. Đợt hàng về Việt Nam, em còn bỏ sỉ cho các cửa hàng, sau đó họ bán ra với giá cao hơn”.

Trong khi đó, tài khoản Facebook “Ngọc Bích” rao bán sữa Ensure với giá 230.000 đồng/10 lốc và 250.000 đồng/lon với lý do nhập số lượng lớn nên giá thành rẻ.

Những người chuyên livestream bán hàng đều khẳng định "hàng người nhà em mua tại cửa hàng ở Mỹ, Úc..." nên cuộc chiến về giá cả là cuộc chiến so kè của chính người bán, còn chất lượng và xuất xứ thì không có hóa đơn, chứng từ nào ngoài khẳng định: "Cam kết hàng chính hãng, xách tay về...".

Từ kênh livestream bán hàng đến mạng lưới bán hàng qua mạng khủng

Các trang livetream bán hàng xách tay online mọc lên như nấm sau mưa. Đó là chưa kể sự tham gia của giới nghệ sĩ, những người hoạt động nghệ thuật. L.D.B.L, L.P., P., L.N... nhiều nghệ sĩ cũng tham gia livestream bán hàng. Ngoài những người nổi tiếng, có tên tuổi, các đầu nậu chuyên về hàng xách tay cũng đua nhau phát triển lực lượng cộng tác viên để phân phối hàng cho mình.

Cộng tác viên ở đây là những người bán hàng cho các trang này để hưởng chênh lệch từ những sản phẩm bán được. Lực lượng này được xem như những người phân phối hàng thứ cấp cho những trang bán hàng livestream hoặc những đầu nậu chuyên về hàng xách tay như quảng cáo của chính những đầu nậu này.


 

Trưa 22.2, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Biên Hòa, Đồng Nai) bất ngờ kiểm tra kho hàng nghi là hàng nhập lậu nằm mặt tiền quốc lộ 1 (đoạn qua P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) do ông Đ.D.D (49 tuổi) làm chủ. Thời điểm kiểm tra, trong kho hàng rộng khoảng 600 m2 đang có 20 người thực hiện bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội Facebook - ẢNH: Công an Đồng Nai cung cấp
Trưa 22.2, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Biên Hòa, Đồng Nai) bất ngờ kiểm tra kho hàng nghi là hàng nhập lậu nằm mặt tiền quốc lộ 1 (đoạn qua P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) do ông Đ.D.D (49 tuổi) làm chủ. Thời điểm kiểm tra, trong kho hàng rộng khoảng 600 m2 đang có 20 người thực hiện bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội Facebook - ẢNH: Công an Đồng Nai cung cấp


Trang Facebook “Bán hàng Mỹ và ship hàng Mỹ về Việt Nam” với 35.585 thành viên tham gia, tự giới thiệu: “Chuyên mỹ phẩm hàng nội địa Thái - Hàn - Nhật - Mỹ - Úc giá sỉ và lẻ mới, cam kết hàng chính hãng 100%, ship cod (thu hộ - NV) toàn quốc...". Ngoài kênh liên lạc là Facebook, Trang “Bán hàng Mỹ và ship hàng Mỹ về Việt Nam” còn đăng kèm số điện thoại zalo để người mua kết bạn, liên lạc. Chưa hết, Facebook “Bán hàng Mỹ và ship hàng Mỹ về Việt Nam” còn đăng tuyển cộng tác viên (CTV) toàn quốc với thu nhập 300 - 500.000 đồng/ngày, "cam kết không cần vốn, không cần ôm hàng, thời gian linh hoạt, chiết khấu hấp dẫn”...

Còn tài khoản Facebook “Lý Hoàng” đăng nội dung: “Tuyển sỉ/CTV toàn quốc có nhu cầu buôn bán đồng hồ chuẩn Mỹ Authentic (hàng chính hãng - NV). Các bạn CTV cần lấy đơn hàng đầu tiên tối thiểu 3 sản phẩm, các đơn hàng sau tùy số lượng các bạn bán được, không ép buộc số lượng.
Ngoài ra, CTV còn được hỗ trợ hình ảnh về sản phẩm mới liên tục, tư vấn nhanh, ship hàng siêu tốc, mặt hàng đa dạng. Đặc biệt là CTV không cần bỏ vốn ôm hàng vẫn có đầy đủ các mặt hàng để bán”.

Chưa bao giờ các kênh livestream bán hàng xách tay online sôi động như thời gian gần đây. Có những kênh tuyển hẳn 2 - 3 người để livestream bán hàng xách tay cả ngày lẫn đêm, có những buổi livestream kéo dài nhiều giờ đồng hồ, từ chiều tối đến 1, 2 giờ sáng... Và phía sau những trang livestream bán hàng xách tay là những câu chuyện không mấy vui khi người mua "xem quảng cáo một đằng mà nhận hàng một nẻo".

 

Đồng Nai: Công an đột kích 'sàn livestream' trong kho hàng nghi nhập lậu từ Mỹ về

Trưa ngày 22.2, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Biên Hòa, Đồng Nai) bất ngờ kiểm tra kho hàng nghi là hàng nhập lậu nằm mặt tiền quốc lộ 1 (đoạn qua P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) do ông Đ.D.D (49 tuổi) làm chủ.
Thời điểm kiểm tra, trong kho hàng rộng khoảng 600 m2 đang có 20 người thực hiện bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội Facebook, xung quanh là hàng chục nghìn sản phẩm như mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính… mang nhiều thương hiệu khác nhau... ước tổng trị giá hàng tỉ đồng.

Làm việc với lực lượng công an, ông D. chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên.

Ông D. cho biết số hàng trên được chuyển từ Mỹ về Việt Nam, do khách hàng tại Việt Nam đặt mua từ bà M. (chị ruột của ông D.) livestream bán hàng trực tiếp từ Mỹ.

Hiện số hàng hóa nghi hàng nhập lậu từ Mỹ về trên bị Công an TP.Biên Hòa lập biên bản tạm giữ để điều tra làm rõ.


Theo PHAN THƯƠNG-BÍCH NGÂN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.