(GLO)- Tại các huyện phía Đông của tỉnh-nơi có con sông Ba chảy qua, đang mất mùa nghiêm trọng do hạn hán kéo dài; còn dòng sông thì đang ngày càng khô kiệt khi gánh trên mình rất nhiều công trình thủy điện.
Hạn hán bất thường
Ông Đặng Dìa-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết: “Gần 1 tháng nay trên địa bàn huyện đã xảy ra tình trạng hạn hán khiến cây trồng bị ảnh hưởng nặng”. Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, hiện đã có gần 1.000 ha hoa màu bị thiệt hại do nắng hạn, phần lớn là bắp và bông vải. Các địa phương bị thiệt hại nặng nhất cho tới thời điểm này là xã Chơ Long, Yang Trung.
Người dân xã Chư Glong đang đối diện với việc thiếu đói do mất mùa. Ảnh: H.T |
Ông Lê Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND xã Chơ Long, cho biết: “Phần lớn diện tích hoa màu trên địa bàn xã là bắp vụ hai. Ước tính thiệt hại đến thời điểm này hàng tỷ đồng”. “Cứ tính trung bình một ha bắp từ công đầu tư, phân bón phải trên dưới 15 triệu đồng, nắng hạn thế này xem như sạt nghiệp”-bà Đinh Thị Tứt-người dân xã Chơ Long bị mất trắng 4,5 ha bắp vụ hai, cho biết.
Tình trạng khô hạn vẫn đang diễn ra gay gắt trên địa bàn huyện Kông Chro. Đây là đợt hạn hán kỷ lục từ trước tới nay tại địa phương này. Ông Đặng Dìa cho biết: “Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ có văn bản tới các xã để ghi nhận thiệt hại, trên cơ sở đó sẽ tham mưu cho UBND huyện có phương án hỗ trợ lương thực cho các hộ gia đình có nguy cơ thiếu đói cũng như hỗ trợ giống cho vụ mùa tiếp theo”.
Không riêng gì Kông Chro, các huyện khác như Kbang, Ia Pa, thị xã An Khê… cũng đang có nguy cơ bị khô hạn.
Sông Ba bị băm khúc
Dòng sông bị chặn khúc làm thủy điện, rừng bị tàn phá đang ngày càng làm cho mực nước sông Ba xuống thấp đến mức báo động. Ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: “Vừa rồi, chúng tôi đã có chuyến khảo sát tại thủy điện An Khê-Ka Nak và thấy mức nước xả ở thủy điện này là trên 4 m3/giây. Tuy nhiên, nó đã quá lỗi thời và không đủ cung cấp nước ngay cả thời điểm hiện nay chứ chưa nói là vài năm tới”.
Sông Ba đoạn chảy qua thị xã An Khê đang trơ đáy. Ảnh: H.T |
Theo thống kê, trên dòng sông Ba đoạn chảy qua Gia Lai hiện đã có 8 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang hoạt động, lớn nhất là Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng với công suất lắp máy là 173 MW.
Công trình này trái khoáy ở chỗ chặn sông đổi dòng từ sông Ba sang sông Côn khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Theo tính toán của cơ quan chức năng, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của hơn 300.000 dân sinh sống tại thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Kbang, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa là khoảng 14 triệu m3/năm; nhu cầu nguồn nước sản xuất là hơn 300 tỷ m3/năm. Ngoài ra, dọc sông Ba còn có rất nhiều nhà máy công nghiệp chế biến đường, tinh bột mì, quặng sắt… Nhu cầu sử dụng nước cho những nhà máy này là rất lớn. Đáng lo ngại là đến thời điểm hiện tại nguồn nước đang dần cạn kiệt.
Theo ông Du, mức nước xả 4 m3/giây chỉ phù hợp với vài năm trước đây, khi mà dân cư còn thưa thớt, các nhà máy công nghiệp chưa có, thủy điện chưa nhiều. Với mùa khô hạn như hiện nay thì mức nước xả ở 7 m3/giây cũng chưa đủ. Cũng theo ông Du, bây giờ phải căn cứ theo nhu cầu sử dụng nước của địa phương để buộc các nhà máy thủy điện phải xả đủ lưu lượng. “Trước mắt chúng tôi sẽ buộc các nhà máy phải xả đủ và trên 4 m3/giây, sau đó sẽ có báo cáo với Cục Môi trường nước”-ông cho biết.
Theo tính toán, tổng lượng nước trung bình dùng cho mùa khô ở 6 huyện, thị xã dọc sông Ba vào năm 2015 là gần 395 triệu m3/năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại tình trạng khô hạn vẫn đang tiếp tục lan trên diện rộng. Nếu không có biện pháp kịp thời thì việc đảm bảo nhu cầu nước tưới và nước sinh hoạt sẽ ngày một cấp bách.
Hoàng Thanh