(GLO)- Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, việc cải tạo nâng cấp thiếu đồng bộ, thiếu kinh phí bảo trì…
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, loại hình giao thông đường bộ chiếm tỷ trọng lớn. Tổng chiều dài 10.234 km, trong đó có 4 tuyến quốc lộ dài 505 km (chưa tính 255 km đường Trường Sơn Đông), 11 tuyến tỉnh lộ dài 537 km, đường đô thị 915 km, đường huyện 1.632 km, đường chuyên dùng 1.035 km và đường xã, thôn dài 5.610 km. Gia Lai trở thành địa phương có tổng chiều dài đường bộ lớn nhất khu vực Tây Nguyên.
Ách tắc giao thông trên đèo Mang Yang. Ảnh: L.A |
Mạng lưới giao thông ở Gia Lai có vai trò đặc biệt quan trọng, với tuyến quốc lộ 14 (hướng Bắc-Nam) và quốc lộ 19 (hướng Đông-Tây) chạy xuyên tâm giao nhau tại TP. Pleiku. Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới, quốc lộ 25 nối tỉnh Phú Yên. Các tuyến tỉnh lộ, đường huyện, xã kết nối tạo thành các đường vành đai có chức năng nối liền giao thông giữa các địa phương trong tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội từng bước phát triển.
Chính vì mạng lưới giao thông kết cấu đa dạng và có vai trò cầu nối, nên những năm qua mật độ phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tăng nhanh. Nếu năm 2009, lưu lượng xe con quy đổi lưu thông trên tuyến quốc lộ 14 chỉ có 5.597 xe/ngày đêm thì năm 2011 con số này tăng lên 10.083 xe/ngày đêm. Tương tự, trên quốc lộ 19 lưu lượng xe lưu thông từ 3.410 xe/ngày đêm tăng lên 7.101 xe/ngày đêm… Các tuyến tỉnh lộ, lưu lượng xe lưu thông cũng tăng từ 10% đến 30%.
Tuy nhiên, theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, hiện nay trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại Gia Lai, lưu lượng xe đã vượt quá xa so với lưu lượng thiết kế cấp đường. Với mật độ trên, nếu đối chiếu với Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng thì quốc lộ 14 phải đạt cấp I, tương ứng với lưu lượng xe từ 10.000 xe/ngày đêm đến 30.000 xe/ngày đêm, quốc lộ 19 phải đạt cấp II, tương ứng với lưu lượng xe từ 3.000 xe đến 10.000 xe/ngày đêm và quốc lộ 25 phải đạt cấp III, tương ứng với lưu lượng từ 300 xe đến 3.000 xe/ngày đêm… Khi đó mới có thể đáp ứng được thực tế lưu lượng xe lưu thông như hiện nay và đảm bảo an toàn cho phương tiện cũng như hạ tầng giao thông.
Kết quả khảo sát cho thấy, thiết kế của quốc lộ 14 mới chỉ đạt cấp IV, quốc lộ 19 đạt cấp III và quốc lộ 25 cũng mới dừng lại ở cấp IV, V. Bên cạnh đó, tuy có mạng lưới giao thông, mật độ phương tiện lưu thông lớn, nhưng kết cấu mặt đường chủ yếu là đường đất chiếm 53,82% tổng chiều dài đường bộ, đường bê tông nhựa, láng nhựa chỉ chiếm gần 28%, còn lại là đường bê tông và đá dăm, cấp phối... Vì vậy, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện qua địa bàn tỉnh Gia Lai xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Phạm Hiếu Trình-Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh cho biết: “Qua khảo sát, mật độ phương tiện giao thông hiện nay tăng quá nhanh, với thiết kế hạ tầng giao thông như hiện nay đã không còn phù hợp về cả chất lượng, chiều rộng và dòng lưu thông hỗn hợp. Vì vậy, các tuyến đường thường bị sạt lở, lún, kết cấu mặt đường dễ bị hư hỏng vào mùa mưa gây ách tắc giao thông. Trong khi đó, kinh phí bảo trì thấp hơn so với nhu cầu, làm cho các tuyến đường nhanh xuống cấp…”.
Chính vì hạ tầng giao thông không còn phù hợp và xuống cấp, nên những năm qua đây được xem là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông. Dù biết như vậy, nhưng với điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, nên đành chấp nhận “sống chung” với những tồn tại để… chờ đợi nguồn vốn đầu tư của Chính phủ và của Bộ Giao thông-Vận tải.
Lê Anh