Hà Nội xây dựng đô thị xanh 2 bên bờ sông Hồng theo hướng thuận thiên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết quan điểm phát triển đô thị hai bên sông Hồng của Hà Nội được tiếp cận theo hướng thuận thiên, xây dựng đô thị xanh...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong 10 Chương trình công tác toàn khóa được Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII xem xét, thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ngày 11/3, Dự thảo Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025” là chương trình quan trọng, được dư luận quan tâm, giải quyết những vấn đề nổi cộm còn tồn tại lâu nay của thành phố.

Trình bày dự thảo chương trình này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Trọng Đông nêu rõ, Chương trình 05-CTr/TU nhằm cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung thực hiện tốt mục tiêu tổng quát đến năm 2025 phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại;” đến năm 2045 Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Đối với các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đạt được đến hết năm 2025, về quy hoạch, quản lý quy hoạch, thành phố phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60-62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch phân khu đô thị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện và hoàn thành phê duyệt hoặc điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn đều đạt 100%. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch-kiến trúc-xây dựng-phát triển đô thị.

Trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phấn đấu các tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; chất thải nguy hại được xử lý; chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải đều đạt 100%. Đồng thời, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50-55%...

Để triển khai thực hiện tốt chương trình này, Thành ủy Hà Nội đã xác định 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhóm giải pháp chủ yếu. Theo lộ trình tổ chức thực hiện, trong quý 1 năm nay, thành phố triển khai phổ biến, quán triệt nội dung chương trình tới các cấp, ngành và nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh cơ bản đề án, kế hoạch.

Từ quý 2 năm nay đến quý 4/2023 tổ chức triển khai, thực hiện các đề án, kế hoạch; báo cáo đánh giá rà soát sơ kết 3 năm thực hiện và điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu chương trình.

Từ quý 1/2024 đến quý 4/2025 đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch và hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm; đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình, định hướng cho giai đoạn tiếp theo.

 

 Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)


Trao đổi với báo chí về Dự thảo Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII bên lề Hội nghị lần thứ ba, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, quan điểm phát triển đô thị hai bên sông Hồng của Hà Nội được tiếp cận theo hướng thuận thiên, xây dựng đô thị xanh... Đê sông Hồng vốn được xem là nơi bất khả xâm phạm. Đường đê như một đập tràn. Nếu xác suất 500 năm nước lũ vượt quá bờ đê nước chỉ tràn vào khu quy hoạch, không ảnh hưởng gì đến thành phố.

Với đồ án quy hoạch, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận tiện, nước vào rồi lại ra. Như vậy, việc quy hoạch thủy lợi tích hợp trong quy hoạch này hoàn toàn chấp hành Quyết định 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; trong đó, thoát lũ vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số 1, Bí thư Thành ủy khẳng định.

Việc xây dựng quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng do Nhà nước thực hiện. Nếu quy hoạch được thông qua và sớm triển khai sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn lâu nay của thành phố; đồng thời, đảm bảo sinh kế hàng triệu người dân sống hai bên sông mà bộ mặt đô thị sẽ khang trang hơn, tạo được quỹ đất để phát triển.Thành phố với điểm nhấn là dòng sông ở giữa với hành lang xanh sẽ là một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại.

Đối với hiện trạng cư dân sinh sống hai bên bờ sông, thành phố đang nghiên cứu, xây dựng tích hợp cả quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ để từng bước giải quyết. Sau khi quy hoạch sông Hồng chính thức được phê duyệt, thành phố sẽ có phân loại danh mục công trình cơ sở của cả người dân và tài sản công dọc tuyến này để có chính sách phù hợp.

Dự thảo Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, quy hoạch này trải dài 40km, từ cầu Hồng Hà ở huyện Đan Phượng đến cầu Mễ Sở thuộc huyện Thường Tín. Phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000ha thuộc địa giới 13 quận, huyện.

Theo Tuyết Mai-Lê Hồng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.