Gương sáng người thầy -Kỳ 1: Vượt núi cao đưa trò đến lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có những hôm phải gửi tạm xe máy, leo qua ngọn núi thật cao rồi lội qua con suối Tơ Tung, mất mấy tiếng đồng hồ mới đến nơi học sinh đang giúp gia đình chặt mía thuê. Đó là một trong những hành trình vất vả để vận động học sinh ra lớp của thầy Hoàng Quốc Phong-giáo viên môn Lịch sử kiêm Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học và THCS Đào Duy Từ (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, Gia Lai)
“Học trò cũng như con em mình”
“Nhiều giáo viên cũng đi đến từng nhà học sinh, cũng làm việc với chính quyền địa phương nhưng chỉ khi thầy Phong đến, tụi học trò mới đồng ý đi học trở lại. Mà đã đi học lại rồi thì không nghỉ học nữa”-thầy Lý Giang Hùng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đào Duy Từ khẳng định.
Bí quyết của thầy Phong không gì khác ngoài phương châm “coi học trò như con em mình”. Gần gũi và thường xuyên trò chuyện với học trò nên chỉ cần nhắc đến tên, thầy Phong đã biết ngay em đó đang học lớp nào, ai chủ nhiệm, nhà ở làng nào, thậm chí biết cả rẫy của gia đình các em ở đâu. Hơn 10 năm gắn bó, thầy đã quá quen với từng con đường dẫn xuống làng, tới từng ngôi nhà học sinh từ những lần đi tìm để vận động các em đến trường. Như trường hợp của em Hiền (lớp 9, làng Krông Hra, làng xa nhất của xã Yang Bắc, cách trường 12 km), thầy Phong đều tìm đến nhà ít nhất mỗi năm 3 lần. Đầu năm, Hiền đi học được vài bữa rồi lại nghỉ liền một mạch vài tuần. Thầy Phong kể: “Sau khi nghe giáo viên chủ nhiệm báo lại, mình liền chạy vào làng tìm Hiền. Nếu em không có ở nhà, mình lại lên rẫy để nói chuyện, tìm hiểu lý do và khuyên em tiếp tục đến trường. Thế rồi Hiền đi học đều đặn cho đến cuối năm”. Khi Hiền đã tiến bộ, thầy Phong vẫn dành thời gian ghé thăm nhà, trò chuyện với học sinh, gia đình và không quên nhắc em không được bỏ học.
 Thầy Hoàng Quốc Phong trò chuyện cùng học trò. Ảnh: P.L
Thầy Hoàng Quốc Phong trò chuyện cùng học trò. Ảnh: P.L
Thêm một ví dụ khác về tấm lòng đối với học trò của thầy Phong. Lần ấy, chuẩn bị thi cuối kỳ năm lớp 8, em Mơ (lớp 9, làng Jro Dơng, xã Yang Bắc) bỗng dưng bỏ thi 2 môn. Biết tin, thầy Phong lập tức đến tận nơi tìm hiểu. Nhưng Mơ không có nhà. Vậy là thầy để xe máy lại, trèo núi, lội suối đi tìm đến tận nơi Mơ đang chặt mía thuê. Thấy thầy tới, Mơ quá bất ngờ và xúc động. Mơ ngập ngừng nói: “Em đã bỏ thi 2 môn rồi, khó  được lên lớp nữa, em nghỉ học thôi”. Thầy Phong nhẹ nhàng khuyên Mơ cố gắng ôn tập và thi các môn còn lại. Thầy còn cam đoan: “Nếu em tin thầy thì sáng mai em đến trường gặp thầy, thầy sẽ giúp. Hoặc thầy vào làng đón em đến trường”. Mơ đã bật khóc khi nghe thầy nói. Sáng hôm sau, em đi bộ đến trường thật sớm. Và thầy trò đã cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Bây giờ, cô bé ấy đã tốt nghiệp THCS và tiếp tục theo học bậc THPT.
Lại một ví dụ khác về tấm lòng người thầy vùng sâu. Nhà không có đất sản xuất nên em Đinh Thị Bái (làng Krong Ktu, xã Yang Bắc) chỉ có thể cùng mẹ đi làm thuê kiếm sống. Quá khó khăn nên năm lên lớp 6, Bái đã tính nghỉ học để ở nhà giúp mẹ. “Thầy Phong đến nhà nói với em rằng nếu em không muốn khổ nữa, muốn sau này tìm được việc tốt để có khả năng chăm sóc cho mẹ thì phải cố gắng đến trường học chữ. Trước tấm lòng của thầy, em đã nghĩ lại và quyết tâm đi học”-em Bái tâm sự.  
Quên đi bản thân
10 năm công tác tại Trường Tiểu học và THCS Đào Duy Từ cũng là chừng đó thời gian thầy Phong rong ruổi tìm cách đưa học trò đến lớp. “Không hiểu sao khi nhìn thấy học trò bỏ học, mình không chịu được. Em nào bỏ học đến ngày thứ 3 là mình phải tìm đến nhà để vận động. Hầu hết gia đình các em đều rất nghèo, cha mẹ lại thiếu quan tâm đến việc học của con nên khi các em nói muốn nghỉ học thì liền đồng ý. Vì vậy, cách duy nhất là phải gần gũi, tạo được sự tin cậy với các em và gia đình”-thầy Phong chia sẻ.
 
Thầy Lý Giang Hùng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đào Duy Từ: “Thầy Phong khiến mọi người khâm phục bởi tấm lòng đối với học trò. Thầy luôn gần gũi, trò chuyện thân thiện và hiểu rõ từng học sinh như con em của mình. Nhờ có thầy mà công tác vận động học sinh bỏ học đến trường đạt kết quả tốt, tỷ lệ duy trì sĩ số trong năm của trường luôn đạt từ 98% trở lên”.

Sau khi vận động được các em đến trường, thầy Phong tiếp tục kết nối với chính quyền địa phương, trưởng thôn, già làng, Bí thư chi bộ, Bí thư chi đoàn để nhờ hỗ trợ trong việc nhắc nhở, khuyên răn, tạo “cú hích” giúp các em có thêm động lực đến trường. Ở trường, thầy Phong cũng dặn dò học sinh không được trêu chọc những bạn cùng lớp đã từng bỏ học để các em không cảm thấy ngại ngần, xấu hổ.
Đến giờ, thầy giáo 33 tuổi này không nhớ rõ mình đã bao nhiêu lần đi vận động học sinh bỏ học, chỉ biết rằng những cô cậu học trò nhỏ ấy đã quay lại trường, tiếp tục theo đuổi con chữ, nhiều em tiếp tục học lên cao, người đi bộ đội, người được kết nạp vào Đảng… Vậy là thầy vui lắm rồi. Đó là niềm vui, là động lực để thầy Phong tiếp tục bền bỉ trên con đường làm cầu nối con chữ cho học sinh.
Gia đình thầy Phong hiện ở phường An Bình, thị xã An Khê. Mỗi ngày, thầy phải đi 20 km để đến trường. Buổi trưa ở lại trường thường chỉ có mì gói dằn bụng. Nhiều khi mải vào làng tìm học trò, khi thầy về tới nhà thì trời đã tối mịt. Tôi hỏi: “Anh đi nhiều thế, vợ anh có nói gì không?”. Gãi đầu rồi cười, thầy Phong trả lời: “Đi riết nhà mình cũng quen và hiểu. Tại mình không bỏ học sinh được”. Anh kể, có nhiều ngày nghỉ đã hứa là sẽ chở con đi chơi, nhưng rồi nghe nói học trò bỏ học, anh đành thất hứa với con. “Có thể chở con đi chơi bù vào hôm sau nếu lỡ hẹn, nhưng nếu không đi tìm học trò, chúng có thể sẽ phải dở dang cả cuộc đời”-thầy Phong trăn trở. 
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.