Gửi vào nỗi nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng bắt đầu oi nồng hơn. Đất phả từng hơi thở mệt nhọc vào đêm. Có bao nhiêu niềm thương, nỗi nhớ, tôi vẫn mong được gói cả lại, gửi vào tháng 3, giữa sắc trời thắm xanh và những đoản gió khô cháy nhưng không kém phần tha thiết, dịu dàng!
Bụi mờ mịt trên những con đường đất đỏ bazan được những cơn gió đẩy lên không trung như một niềm kiêu hãnh của vùng đất Tây Nguyên. Đám bụi chẳng nề hà ai. Và cứ tháng 3, lũ ong lại được dịp “say khướt” mật từ những đồi hoa cà phê trắng muốt. Từ sự chăm chỉ của chúng, loại mật hoa thơm lừng ấy sẽ trở thành hương vị thơm ngon đặc trưng núi rừng: mật ong hoa cà phê.
Tháng 3 rộn rã hơn bởi lũ chim cứ chíu chít tranh mồi trên những cánh đồng ngả màu lúa chín. Những ngày ấy, đám học trò chúng tôi kiếm đủ cớ, nào là đi tập văn nghệ, đi sinh hoạt Đoàn hay làm bài tập nhóm để trốn đi tắm suối cùng nhau. Cái nắng làm con suối cạn bớt dòng nhưng màu nước lại trong trẻo hơn. Thứ nước suối ngọt lành vẫn không đủ để át đi cái mùi ngai ngái của những làn da cháy nắng, mùi tóc khen khét giữa lúc trời đổ nắng chang chang. Tuổi học trò lúc ấy thật vô tư lự. Những trang sách cứ thế lật qua mà chúng tôi chẳng bao giờ biết được rằng, mai này trang sách ấy khép lại cũng là lúc chẳng bao giờ có thể quay về những năm tháng yên bình nhất của cuộc đời!
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Tháng 3 về nôn nao với những kỳ thi đang chờ đợi trước mắt, cũng là dịp lòng chúng tôi hớn hở mong được dầm mình dưới những cơn mưa đầu mùa. Tiếng ve râm ran đâu đó xa xa trong không trung làm cho bầu không khí oi nồng được dịp phát tiết. Đến cả ông trời cũng phải hậm hực vì tháng 3. Này thì tháng 3 về cho hoa gạo đỏ thắm, cho mây trắng trời xanh. Những vạt cỏ cháy cứ thế chạy miên man trải dài xa tít tận chân trời như thiêu đốt từng nỗi nhớ cồn cào khi ta rời xa mảnh đất này. Từng cơn gió chững lại chùng chình, như vấn vương tiếc nuối điều gì khi qua đây.
Tháng 3 về như thế trong hừng hừng hơi nắng, đổ xuống đất những cái bóng loang lổ của thời gian. Tôi vẫn thích nhất những đêm tháng 3 thời chưa có điện. Ngày ấy, mấy chị em chúng tôi thường đem ghế ra sân ngồi hóng gió ngắm trăng. Cha tôi sẽ kể chuyện về Bác Hồ, rồi lại đọc thơ Tố Hữu. Thật lạ, đến giờ tôi vẫn khâm phục trí nhớ siêu phàm của cha khi có thể nhớ rõ mồn một từng chữ trong cả một tập. Nửa đêm, cơn gió nào thoảng qua thật khẽ, tôi nghe đâu đó tiếng trở mình của cha trên chiếc chõng tre ọp ẹp để dậy uống ngụm chè xanh. Cảm giác an yên đến lạ!
Tháng 3 là lúc tâm trạng tôi luôn chập chờn, phấp phỏng mong chờ một điều gì đó xa xôi. Tôi đã đi qua bao nhiêu tháng 3 nơi vùng đất đỏ này-nơi mà tưởng chừng như tôi có thể thấu hiểu cả hơi thở và âm thanh của đất. Đến một ngày trưởng thành, tôi nhận ra mình đã gửi trọn mọi niềm thương nỗi nhớ vào trong tháng 3 cao nguyên.
TRÚC PHÙNG

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...